Đón xem 'Chuyện cuối năm' vào 20h ngày 30 Tết

Chương trình “Chuyện cuối năm” sẽ mang đến cho khán giả một không gian đầy sắc màu, ấm áp cảm xúc ngay trước thềm bước sang năm mới Quý Mão.

"Chuyện cuối năm” được biết đến là một trong những chương trình mang thương hiệu riêng của Đài PT&TH Hà Nội vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Năm nay, "Chuyện cuối năm" có nhiều bất ngờ và khác biệt. Chương trình sẽ phát huy sự sáng tạo của tất cả ê kíp sản xuất để tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho "Chuyện cuối năm".

“Chuyện cuối năm” là chương trình truyền hình với sự tham gia của các khách mời là nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, văn nghệ sĩ… với những chia sẻ, suy ngẫm về một năm 2022 đầy biến động.
Ảnh minh họa.

"Chuyện cuối năm" sẽ đưa quý vị đến với không khí đón xuân hòa bình đầu tiên 50 năm về trước. Những ký ức không thể nào quên với niềm vui tràn ngập từng góc phố, con đường Thủ đô cách đây đúng nửa thế kỷ.

Tết Quý Sửu 1973, dù cuộc sống vẫn còn kham khổ, ăn thiếu mặc rét, nhưng người Hà Nội vẫn giữ được cái tâm thế bình an và thư thái đến lạ thường. Hoa vẫn nở trên mỗi ban công. Trong các cửa hàng bách hóa, tờ tem, tấm phiếu vẫn đủ để mang cân miến, chai rượu về với mỗi gia đình Hà Nội. Cái Tết hòa bình đầu tiên sau 8 năm bom đạn đến thật dung dị mà trân quý, đơn sơ mà đầm ấm tình người.

Trong từng ngọn gió Xuân, không khí hòa bình đã căng tràn và lan tỏa khắp nơi. Mùa Xuân hòa bình đầu tiên cách đây đúng nửa thế kỷ đã đến như vậy, nhẹ nhàng và lắng lại, để mỗi người tự chiêm nghiệm khoảnh khắc an yên vô giá mà hòa bình mang lại.

Năm 2022, thế giới dần bước qua đại dịch Covid-19, nhưng 365 ngày đã qua cũng chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn với thủ đô Hà Nội.

Năm 2022 khép lại với bối cảnh thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những thách thức do chiến tranh và dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Hà Nội ghi dấu ấn trong hoạt động kinh tế, với kết quả ấn tượng và được xác lập trong bối cảnh bất lợi, nhiều khó khăn, thách thức. Thủ đô đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 8,89% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn lại một năm đầy khó khăn và thử thách, chúng ta càng thêm lạc quan khi thấy Hà Nội ngày càng đổi mới, khang trang, hiện đại hơn.

 “Chuyện cuối năm” sẽ đưa khán giả nhìn lại một bức tranh đa sắc màu trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xây dựng đô thị của cả nước và Thủ đô một năm thông qua những câu chuyện, đánh giá và nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế.

Trong vòng quay hối hả của cuộc sống, ngày cuối cùng trong năm, dù mưu sinh xuôi ngược nơi đâu, mỗi chúng ta đều hướng về quê hương và tổ ấm gia đình bên bữa cơm tất niên. Bên cạnh ý nghĩa đoàn tụ, sum vầy chiều cuối năm chính là khoảnh khắc thiêng liêng, là buổi họp mặt ôn lại những vất vả, buồn vui để chuẩn bị sang một năm mới tràn đầy hy vọng.

Với nhiều người Hà Nội, thói quen sum họp, quây quần bên nhau trong đêm 30 đã trở thành truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền. Vào thời khắc chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, quý vị đến thăm một gia đình Hà Nội, nơi truyền thống đáng quý ấy được lưu giữ, vẹn nguyên trong đêm giao thừa.

Cận kề giao thừa, khi quần áo nhà cửa tươm tất, người Hà Nội lại chuẩn bị cho một tục lệ hết sức quan trọng trong đêm giao thừa, đó là lễ Trừ tịch.

Khoảnh khắc giao thừa đến với ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mang đi tất thảy mọi điều xấu xa trong năm cũ và đón rước nhiều may mắn thành công đến trong năm mới. Vì thế, giao thừa còn được coi là khoảng thời gian của sự lắng đọng, là lúc rũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và sự linh thiêng.

“Chuyện cuối năm” còn đề cập đến hình tượng con mèo trong nghệ thuật dân gian Việt Nam. Năm Mão nói chuyện mèo hay những phong tục đón Tết của người Mường, Nùng, Tày.

Bên cạnh những cuộc trò chuyện, những chia sẻ của các nhân vật, các khách mời, trong “Chuyện cuối năm” khán giả sẽ được thưởng thức những tiểu phẩm hài được thực hiện bởi ê-kíp của Ban TT&GT thực hiện; với nội dung tiểu phẩm xoay quanh câu chuyện “Tết là sum vầy”.

Một điểm nhấn khác của “Chuyện cuối năm” là những màn trình diễn sôi động, được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng... cũng hòa giọng trong những ca khúc đặc biệt về mùa xuân như: Đón xuân, Lời tỏ tình của mùa xuân, Dịu dàng sắc xuân, Tình em mùa xuân, Khúc giao mùa.

“Chuyện cuối năm” có sự tham gia của các MC, BTV như Bảo Anh, Duy Anh, Huyền Chi. Sự kết hợp giữa các MC và mỗi phong cách cá nhân mang màu sắc khác nhau hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả một không khí thật sự đặc biệt cho "Chuyện cuối năm". Những chất liệu phóng sự mới mẻ, sáng tạo về mặt thể hiện, cùng những câu chuyện tươi trẻ, mang sức sống mới sẽ đến với chương trình.

“Chuyện cuối năm” sẽ mang đến một không khí ấm áp, yêu thương và tràn đầy sức sống với niềm tin, hy vọng được gửi gắm những điều tốt đẹp nhất cho năm mới Quý Mão.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đá tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 19/4.

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề đặc biệt ý nghĩa: "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" vào sáng nay 19/4.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách.

Chương trình “Gặp gỡ mùa xuân” tại Bảo tàng Hà Nội đã mang đến không gian trải nghiệm đặc sắc cho công chúng với các hoạt động giao lưu cùng các nghệ nhân Việt Nam - Nhật Bản.

Chương trình hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức diễn ra từ ngày 18/4 đến ngày 20/4 tại Phố sách Hà Nội (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm).

Festival Phở năm nay quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực phở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.