Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam
Ngành sản xuất điện tử Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ - nơi công nghệ, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trở thành chìa khóa mở ra tương lai bền vững và cạnh tranh toàn cầu.
Với kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD năm 2024 và xu hướng tăng trưởng mạnh trong 2025, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử – bán dẫn chiến lược của khu vực châu Á, tuy nhiên đằng sau các con số ấn tượng là hàng loạt thách thức thực tế mà các doanh nghiệp điện tử Việt đang phải đối mặt, trong đó có chính sách thuế quan từ Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu.
Sử dụng hệ thống AI phân tích dữ liệu để theo dõi hiệu suất, dự báo hỏng hóc và cảnh báo sớm, dùng camera tích hợp AI giúp kiểm tra lỗi ngoại quan, phân tích nguyên nhân để kịp thời sửa chữa, hay đồng bộ Dữ liệu được đồng bộ AI với kế hoạch sản xuất để quản lý năng lượng,… là những ứng dụng mà AI đang hiện đại hóa quy trình sản xuất của doanh nghiệp điện tử này.
Ông Trần Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Technology cho hay: "Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào đội ngũ R&D cũng như nhà máy sản xuất điện tử thông minh. Bản thân các thiết bị IoT, các nền tảng quản lý IOT Platform hay các tính năng AI đều do các kĩ sư R&D của công ty đã và đang thực hiện và tiếp tục sẽ phát triển trong thời gian tới".
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như thuế quan cao từ Mỹ có thể làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thừa kỹ sư trình độ thấp nhưng lại thiếu kỹ sư công nghệ cao,… Do đó, nhanh chóng đưa AI vào quy trình sản xuất sẽ rút ngắn thời gian giải quyết những bài toán này.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử cho biết: "Chúng ta như một tờ giấy trắng, đi lên từ con số 0, vì vậy, chúng ta có thể đưa các ứng dụng mới vào và không chịu cản trở của những yếu tố lịch sử để lại. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp những khó khăn từ người mới, hạ tầng AI chúng ta chưa có, chưa có một hệ sinh thái hoàn thiện và chưa có đủ nguồn nhân lực để tiếp nhận, làm chủ các công nghệ AI".
Đã đến lúc đưa nền sản xuất điện tử Việt Nam không chỉ gia công mà cần từng bước làm chủ công nghệ, tự thiết kế, tự sản xuất và xây dựng hệ sinh thái điện tử thông minh. Đó là con đường để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra việc làm bền vững và thu nhập cao hơn cho người lao động để đổi mới công nghệ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà còn để tạo sản phẩm tốt hơn, giá hợp lý hơn và công việc ngày càng ổn định, an toàn.