Doanh nghiệp xuất khẩu xoay trục về thị trường nội địa

Không ít doanh nghiệp hiện đang chọn cách xoay trục cũng như đẩy mạnh thị trường nội địa để tìm cơ hội tăng trưởng bền vững.

Dưới cơn bão thuế quan và các rào cản thương mại được dựng lên ngày càng nhiều, các doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm nhiều cách để đa dạng thị trường, ứng biến trước những thay đổi. Trong đó, không ít doanh nghiệp chọn cách xoay trục cũng như đẩy mạnh thị trường nội địa để tìm cơ hội tăng trưởng bền vững. 

Dù đã quen thuộc với nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, Úc…nhưng những sản phẩm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người tiêu dùng Việt. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu đang có nhiều biến động, việc tham gia những buổi kết nối để vào các hệ thống bán lẻ trong nước như thế này được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. 

Chị Lâm Hoa Hậu - Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây chia sẻ: “Sản phẩm của Bầu Mây như tiêu khi khách hàng nhìn thấy thì họ chỉ nghĩ là loại gia vị bình thường thôi thì thật sự họ không quan tâm lắm. Nhưng khi họ được trải nghiệm, được ăn thử thì các anh chị mới nói cái này hay quá. Thế là các anh chị sẽ quan tâm và tìm hướng đưa sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối, Khi mình xuất khẩu rồi thì đa phần khách trong nước sẽ yên tâm về chất lượng hơn”.  

Còn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt dù thị phần xuất khẩu chỉ chiếm 30%, thị trường nội địa chiếm đến 70%. Song, trước những biến động hiện nay, nội địa vẫn được xác định là chiến lược phát triển bền vững. 

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cho hay: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên mức như vậy nhưng chúng tôi sẽ phát triển theo hướng sẽ kinh doanh trong những kênh có sự ổn định hơn. Ví dụ, siêu thị là một trong những kênh có sự ổn đinh. Tức là chúng tôi sẽ chú trọng hơn đến chất lượng phân phối của kênh. So với việc chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhà máy hoặc là xuất khẩu theo từng lô thì việc kinh doanh trong hệ thống siêu thị giúp chúng tôi có sự ổn định hơn, công nhân của chúng tôi có việc làm đều đặn hơn và vùng nguyên liệu của chúng tôi cũng đảm bảo được đầu ra”.

Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chủ động ứng phó trong việc ổn định chuỗi cung ứng, kiểm soát chi phí. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mở rộng thị trường từ các FTA, thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa phát triển cho doanh nghiệp.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết: “Bản thân doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp để chủ động thích ứng như đa dạng hóa thị trường; tăng nội lực của doanh nghiệp cũng như tập trung vào thị trường nội địa của chúng ta vốn dĩ vẫn còn dư địa để chúng ta phát triển trong thời gian tới. Chúng ta có 101 triệu dân và chúng ta có thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng lên trong thời gian qua và thời gian tới. Tôi cho rằng, doanh nghiệp cũng đang đi đúng hướng”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận xét: “Phải hiểu thị trường nội địa, phải làm những sản phẩm có tính năng A,B,C,D phù hợp với thị trường nội địa. Và phải quản trị, giảm chi phí như thế nào để nó vừa với khả năng dung nạp của thị trường nội địa. Đó là bài toán mà các doanh nghiệp phải tính”.

Theo Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp kỳ vọng sức mua nội địa phục hồi sẽ giúp tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, bù đắp phần nào sự chậm lại của đơn hàng xuất khẩu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời