Doanh nghiệp Việt sẵn sàng ứng phó tác động thuế quan Mỹ
Các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị kịch bản ứng phó sẵn sàng, ngay từ trước hạn chót hoãn thuế của Mỹ.
Tối ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Trong bài đăng trên mạng xã hội sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố mức thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mức thuế 40% đối với hàng hóa bị coi là “trung chuyển”, trong khi các sản phẩm của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Với gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt đã có những kịch bản chuẩn bị sẵn sàng ngay từ trước hạn chót hoãn thuế.
VNPT Technology mỗi năm xuất khẩu sang Mỹ hơn 800 tỷ đồng các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, trước những biến động thuế quan khó lường từ thị trường này thời gian qua, doanh nghiệp đã sớm có những định hướng kinh doanh mới để giảm thiểu rủi ro.
Ông Trần Đức Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Technology, cho biết: "Chúng tôi xác định rằng không thể quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Do đó, chúng tôi đã tích cực trao đổi với các đối tác tại những quốc gia mà Việt Nam đã ký kết FTA, như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác, nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Song song với đó, chúng tôi cũng xây dựng các chiến lược để khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa. Đồng thời, chúng tôi đang ấp ủ một ý tưởng là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh và cùng nhau tìm kiếm, phát triển thêm các thị trường quốc tế tiềm năng".
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử cho hay: "Chúng tôi đã chủ động cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp từ rất sớm, ngay sau khi Mỹ áp thuế vào ngày 2/4. Từ thời điểm đó, chúng tôi liên tục cung cấp các thông tin mới nhất và thường xuyên cảnh báo doanh nghiệp về sự cần thiết phải chủ động hơn trong việc thích ứng.
Cụ thể, doanh nghiệp cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung ứng, và đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư vào R&D cũng như đổi mới công nghệ. Đây là những yếu tố then chốt để giữ vững năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thêm các thị trường mới, và tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhập khẩu nguyên liệu duy nhất, qua đó giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh biến động".
Không thể phủ nhận, mức thuế 20% vẫn có thể làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất cũng tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á chia sẻ: "Có các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát mà Việt Nam có thể triển khai ngay. Đặc biệt là các yếu tố liên quan đến kích cầu nội địa, liên quan đến cải cách trong nước, bao gồm cả cải cách thể chế lẫn cải cách về môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đấy là những biện pháp mà chúng ta không cần phải đợi, hoàn toàn có thể làm được ngay".
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần sớm tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng như đầu tư vào công nghệ và sản phẩm xanh, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Hoa Kỳ và các thị trường phát triển.