Dịch sởi bùng phát, Mỹ kêu gọi tiêm vaccine diện rộng
Tốc độ lây lan trong thời gian ngắn
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tính đến đầu tháng 4/2025, tổng cộng 607 ca nhiễm sởi đã được xác nhận trên 22 bang và khu vực, bao gồm các bang lớn như Texas, California, New York, và Florida. Con số này vượt xa tổng cộng 285 ca bệnh của cả năm 2024. Điều này cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của virus chỉ trong thời gian ngắn. Đáng chú ý, tờ The New York Times còn đưa ra con số cao hơn, với 678 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, trong đó phần lớn liên quan đến các ổ dịch nội địa, dù một số trường hợp có nguồn gốc từ du lịch quốc tế.
Sự nghiêm trọng của tình hình còn được minh chứng qua các ca tử vong. Đã có thêm một ca tử vong vì dịch sởi tại Mỹ vào đầu tháng 4, nâng số người thiệt mạng do căn bệnh này lên con số 3 người tại Mỹ trong năm nay. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, ông Robert F. Kennedy đã xác nhận trong một bài đăng trên mạng X rằng, ông đã gặp cha mẹ của một bé gái 8 tuổi mắc bệnh sởi đã tử vong tại Texas.
Trường hợp tử vong đầu tiên tại Mỹ cũng là một bệnh nhi đã qua đời vào tháng 2 vừa qua. Đáng chú ý là cả hai đều đang trong độ tuổi đi học, sống ở bang Texas, không được tiêm chủng và không có bệnh lý nền. Điều này nhấn mạnh nguy cơ đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương khi không có sự bảo vệ từ vaccine. Ca tử vong thứ ba là một người trưởng thành tại New Mexico. Thông tin chi tiết về người này vẫn chưa được tiết lộ.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây lan qua đường không khí khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi, mắt đỏ và chảy nước mắt. Sau khoảng 3-5 ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban đỏ, bắt đầu từ mặt rồi lan xuống toàn bộ cơ thể.
Mặc dù nhiều người có thể hồi phục sau khi mắc bệnh, nhưng sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, mù lòa và thậm chí tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Điểm nóng của đợt dịch hiện nay là bang Texas và nơi chiếm khoảng 3/4 tổng số ca nhiễm trên toàn nước Mỹ. Tính đến ngày 9/4, Texas ghi nhận 505 ca nhiễm, với 495 ca là những người chưa từng được tiêm chủng. Dịch bệnh đã lan rộng đến 22 quận trong bang, trong đó quận Gaines trở thành tâm điểm với hơn 315 ca nhiễm - một con số đáng kinh ngạc đối với một khu vực dân cư không quá đông đúc. Ngoài Texas, các bang lân cận như New Mexico với 56 ca, Kansas (24 ca), Oklahoma (10 ca), và Ohio (24 ca) cũng báo cáo sự lây lan của virus, cho thấy dịch bệnh không còn giới hạn trong một khu vực địa lý cụ thể.
Sự sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em
Mỹ từng tuyên bố loại trừ bệnh sởi vào năm 2000, nhưng đến nay, dịch đã bùng phát trở lại. Nguyên nhân chính được cho là do sự sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong các chương trình tiêm chủng sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần làm gia tăng khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng. Kết quả là, bệnh sởi vốn lây lan nhanh qua đường hô hấp đã tìm được cơ hội tái xuất, đe dọa sức khỏe của người dân đặc biệt là trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch yếu.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dịch sởi lần này là tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có đông người theo đạo Mennonite - nhóm dân cư thường từ chối tiêm chủng vì lý do tôn giáo hoặc niềm tin cá nhân. Tại quận Gaines, Texas, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt khoảng 82%, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 95% cần thiết để duy trì miễn dịch cộng đồng. Sự thiếu hụt này tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan nhanh chóng trong các nhóm dân cư không được bảo vệ.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ CDC cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella (MMR) cho trẻ mẫu giáo ở Mỹ đã giảm từ 95,2% trong năm học 2019-2020 xuống còn 92,7% vào năm 2023-2024. Điều này đồng nghĩa với khoảng 280.000 trẻ em trên toàn nước Mỹ hiện đang có nguy cơ cao mắc sởi.
Sự do dự và hoài nghi về vaccine cũng góp phần khiến tình hình thêm trầm trọng. Dù vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella) đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả với tỷ lệ bảo vệ lên đến 97% khi tiêm đủ hai liều, một bộ phận người dân vẫn từ chối sử dụng vì những thông tin sai lệch hoặc lo ngại về tác dụng phụ. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Robert F. Kennedy - người từng bày tỏ quan điểm hoài nghi về vaccine MMR vào năm 2024 - giờ đây cũng phải thừa nhận rằng tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của sởi. Sự thay đổi lập trường này phần nào phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại.
Ông Peter Hotez, Giáo sư nhi khoa và virus học tại Trường Đại học Y Baylor cũng đồng quan điểm cho rằng, việc từ chối tiêm chủng ở Texas có thể là nguyên nhân đằng sau sự lây lan của đợt bùng phát này.
"Lý do điều này xảy ra là vì có một bộ phận lớn dân số chưa được tiêm vaccine ở phía tây Texas. Một số quận của khu vực này cũng có tỷ lệ tiêm COVID thấp nhất, điều đó dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao trong suốt đại dịch. Điều đó cũng được thể hiện ở tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em".
Ông Peter Hotez, Giáo sư Đại học Y Baylor
Bên cạnh đó, nguồn gốc của dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ các ca nhiễm nhập khẩu từ nước ngoài. Các chuyên gia nhận định rằng virus sởi có thể đã được mang vào Mỹ qua du lịch quốc tế, sau đó bùng phát mạnh mẽ trong những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng không đạt chuẩn. Điều này đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh giao thông toàn cầu ngày càng gia tăng, khiến việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Tại Texas, dịch bệnh không chỉ gây ra số ca nhiễm kỷ lục mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Ít nhất 57 người đã phải nhập viện do các biến chứng của sởi, bao gồm viêm phổi và viêm não - hai tình trạng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Hai ca tử vong ở trẻ em tại bang này là minh chứng rõ ràng cho mức độ nguy hiểm của virus đối với những người không được tiêm chủng. Các trường hợp này cũng làm dấy lên tranh cãi về chính sách y tế công cộng tại Texas, nơi từng bị chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt trong quá khứ.
“Tôi liên tưởng dịch sởi giống như một cơn bão trên vùng nước ấm. Miễn là còn có vùng nước ấm Caribe xung quanh, cơn bão sẽ tiếp tục tăng tốc. Trong trường hợp này, vùng nước ấm chính là phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine ở phía tây Texas".
Ông Peter Hotez, Giáo sư Đại học Y Baylor
Ngoài Texas, các bang khác cũng đang đối mặt với những thách thức riêng. Tại New Mexico, 56 ca nhiễm được báo cáo trên ba quận, với một trường hợp tử vong đang được điều tra. Kansas ghi nhận 24 ca, chủ yếu ở trẻ em không được tiêm chủng, với các phân tích di truyền cho thấy mối liên hệ với ổ dịch tại Texas. Oklahoma và Ohio, dù có số ca nhiễm ít hơn, cũng bắt đầu cảm nhận áp lực từ sự lây lan của virus, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều.
Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đang gặp khó khăn
Để ngăn chặn dịch bệnh, chính phủ Mỹ đã tăng cường hỗ trợ các bang, bao gồm việc triển khai các đội phản ứng nhanh của CDC để phối hợp với y tế địa phương, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi trên diện rộng. Các quan chức y tế công cộng đang tích cực truyền thông nhằm khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng, đồng thời bác bỏ những thông tin sai lệch về vaccine.
Trước tình hình này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC đã nâng mức ứng phó lên cấu trúc quản lý sự cố cấp 3 vào ngày 3/3, đồng thời triển khai nhân viên đến Texas để hỗ trợ điều tra và kiểm soát dịch bệnh. Các quan chức y tế liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine MMR, kêu gọi người dân, đặc biệt là trẻ em tiêm đủ liều để ngăn chặn sự lây lan. Giới chức y tế ở thành phố Lubbock, bang Texas - nơi ghi nhận nhiều ca bệnh đã triển khai điểm xét nghiệm sởi lưu động tại các trung tâm cấp cứu 24/7 trong khu vực.
Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đang gặp khó khăn do sự cắt giảm ngân sách và nhân sự tại các cơ quan y tế trong những năm gần đây, khiến khả năng phản ứng nhanh bị hạn chế.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm hơn 12 tỷ USD tài trợ liên bang cho các cơ quan y tế bang gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xét nghiệm, tiêm chủng và theo dõi ca bệnh. Tại Texas, các chương trình tiêm chủng miễn phí từng được triển khai nhờ ngân sách liên bang nay đã bị hủy bỏ, trong khi đội ngũ nhân viên y tế địa phương cũng bị thu hẹp đáng kể. Theo một nguồn tin, kế hoạch sa thải nhân viên tại các cơ quan y tế Mỹ của Tổng thống Trump bước đầu là cắt giảm 10.000 nghìn việc làm trong các cơ quan như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Viện Y tế Quốc gia. Điều này không chỉ làm chậm nỗ lực kiểm soát dịch sởi mà còn tạo ra lỗ hổng trong hệ thống phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dịch sởi có thể kéo dài và lan rộng hơn, thậm chí trở thành một trong những đợt bùng phát lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Điều nên làm hiện nay là chúng ta phải tạo cơ hội và thuyết phục cha mẹ của những trẻ em chưa tiêm vaccine ở khu vực này, để họ đưa con em đến các phòng tiêm chủng đang được thành lập. Tôi muối nói thêm rằng khi họ được tiêm vaccine trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với virus sởi, vaccine vẫn sẽ có tác dụng bảo vệ".
Ông Peter Hotez, Giáo sư Đại học Y Baylor
Ngoài ra, sự gia tăng du lịch quốc tế và việc Mỹ rút khỏi một số tổ chức y tế toàn cầu đã làm giảm khả năng phối hợp ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Các chuyên gia lo ngại rằng, nếu không có sự cải thiện trong chính sách y tế và ý thức cộng đồng, dịch sởi hiện nay chỉ là khởi đầu cho những đợt bùng phát lớn hơn trong tương lai.
Một cựu quan chức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) còn bày tỏ lo ngại Mỹ có nguy cơ mất trạng thái “loại bỏ sởi” - danh hiệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận vào năm 2000 - nếu tình hình không được kiểm soát trước đầu năm 2026.
Dịch sởi tại Mỹ năm 2025 là một lời cảnh báo rõ ràng về hậu quả của việc xem nhẹ tiêm chủng và đầu tư không đầy đủ vào y tế công cộng. Với hơn 600 ca nhiễm, ba ca tử vong và sự lây lan nhanh chóng tại Texas cùng các bang khác, tình hình hiện nay đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các cơ quan y tế và cộng đồng. Việc khôi phục tỷ lệ tiêm chủng trên 95%, tăng cường tài trợ cho các chương trình phòng ngừa, và nâng cao nhận thức của người dân là những bước đi quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh leo thang.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, nước Mỹ cần hành động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì thành tựu y tế đã đạt được trong hơn hai thập kỷ qua. Dịch sởi không chỉ là một vấn đề y tế mà còn là bài kiểm tra về việc đối phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.


Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/4 cho biết, ông hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Việc hai thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng mức áp thuế hàng nhập khẩu đáp trả nhau sẽ khiến ngành công nghiệp hàng xa xỉ phải trải qua một năm đầy chông gai.
Trao đổi với Đài Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để đàm phán thương mại thành công với Mỹ. Trong nguy có cơ, đây cũng là cơ hội để chúng ta củng cố nội lực, xây dựng các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt chuỗi cung ứng thay vì lệ thuộc vào FDI.
Các máy bay chiến đấu Su-35S của Nga đã bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ trinh sát radar trên không tại Ukraine - một vai trò vốn trước đây chỉ dành cho A-50U cỡ lớn.
Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh.
Tàu vũ trụ Soyuz MS-26 của Nga chở theo hai phi hành gia người Nga và một phi hành gia người Mỹ đã hạ cánh an toàn.
0