Đề xuất giảm trừ chi phí nhà ở vào thuế TNCN

Việc xem xét bổ sung chi phí nhà ở vào diện giảm trừ gia cảnh góp phần làm công bằng hệ thống thuế, tạo động lực cho thị trường bất động sản minh bạch hơn.

Với giá nhà và giá cho thuê nhà tăng cao như hiện nay, chi phí nhà ở đang là gánh nặng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sinh hoạt của người lao động, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. 

Thế nhưng Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành chỉ đang tính chung mức giảm trừ gia cảnh bản thân là 11 triệu/tháng mà chưa có quy định giảm trừ gia cảnh dành riêng cho chi phí nhà ở, gây áp lực lớn cho nhiều người lao động. 

Là tài xế ở Hà Nội, thu nhập hơn 13 triệu đồng mỗi tháng, nhưng anh Đỗ Anh Tuấn (phường Tây Hồ, Hà Nội) phải dành hơn 3 triệu đồng - tương đương 25% thu nhập chỉ để thuê trọ.

Anh Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: “Thu nhập của tôi một tháng khoảng 13 triệu đồng, chi phí thuê phòng trọ hết 3 triệu đồng, ăn uống khoảng 4-5 triệu đồng, rồi chi tiêu các thứ là cũng hết hơn chục triệu đồng rồi. Rồi còn phải gửi về nhà để trang trải cho gia đình nữa nên nhiều khi vẫn phải vay bên ngoài”.

Không phải đi thuê nhà, nhưng anh Trần Văn Dũng (phường Thanh Xuân, Hà Nội) cũng áp lực không kém khi mỗi tháng phải trả góp hơn 15 triệu đồng cho căn hộ đang ở. Như vậy là riêng tiền mua nhà đã vượt xa mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng. Thu nhập thuộc bậc 5/7 biểu thuế lũy tiến, anh còn đang bị trừ gần 5 triệu đồng tiền thuế mỗi tháng.

Anh Trần Văn Dũng cho hay: “Hiện tại tôi đang đóng 5 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng. Theo tôi mức này là khá cao, ảnh hưởng đến thu nhập thực nhận hàng tháng của tôi. Hàng tháng tôi phải trả góp tiền nhà nữa nên số tiền còn lại không đáng là bao”.

Giá nhà tại Hà Nội tăng “chóng mặt” từ nửa cuối 2024, căn hộ dưới 50 triệu đồng/m² gần như không còn. Chỉ trong Quý I/2025, giá căn hộ sơ cấp đã gấp đôi cùng kỳ năm trước; còn biệt thự, nhà phố tăng trung bình 29% mỗi năm trong suốt 5 năm qua. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nên đưa chi phí nhà ở vào mức giảm trừ gia cảnh để đuổi kịp thực tế.

Trong bối cảnh chi phí nhà ở ngày càng ăn mòn thu nhập thực nhận của người lao động, việc xem xét bổ sung chi phí vào diện giảm trừ gia cảnh không chỉ góp phần làm công bằng hệ thống thuế mà còn tạo động lực cho thị trường bất động sản minh bạch hơn trong dài hạn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời