Đề xuất 30,6 nghìn tỷ đồng miễn học phí từ năm học 2025-2026

Ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng là tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục.


Sáng nay (22/5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về
miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình.

Bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí 

Tờ trình nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn, giảm, không thu học phí cho các đối tượng: (1) miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi (kể cả trẻ em tư thục, dân lập); (2) học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập; (3) miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; (4) miễn học phí cho người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; (5) miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế, đặc thù khác. Đồng thời, tại Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP cũng quy định chính sách giảm 50%-70% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho nhiều đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh dân tộc (học ở trường công lập và trường dân lập, tư thục).

Ngoài quy định chung, hiện nay đã có 10 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về hỗ trợ học phí mầm non, phổ thông năm học 2024-2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 01/9/2025 bổ sung mở rộng thêm đối tượng học sinh trung học cơ sở ngoài vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển (cả tư thục) được miễn, hỗ trợ học phí.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, ngoài đối tượng được miễn, không phải đóng học phí, hỗ trợ đóng học phí đã được quy định tại pháp luật hiện hành, Nghị quyết sẽ bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí chưa được pháp luật quy định đầy đủ là: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh trung học phổ thông, người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Phần tác động đến ngân sách, Chính phủ tính toán, năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%). Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS; 2,99 triệu học sinh THPT.

Tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của 03 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng (trong đó: Khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; Khối dân lập, tư thục: 1,9 nghìn tỷ đồng). Mức ngân sách cần đảm bảo cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trong đó:

- Tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 01/9/2025 theo các quy định hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng (Trong đó: Khối công lập là 21,8 nghìn tỷ đồng; Khối dân lập, tư thục: 0,6 nghìn tỷ đồng).

- Số ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8,2 nghìn tỷ đồng (Trong đó: Khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; Khối dân lập, tư thục: 1,3 nghìn tỷ đồng).

Riêng kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng cho 431.551 học viên (đều là học viên công lập, hiện nay chưa có học viên tư thục).

Điểm trường Nà Ó, Trường Mầm non Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân với những lý do được nêu tại Tờ trình số 283 ngày 29/4/2025 của Chính phủ. Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.

Ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục của dự thảo Nghị quyết.

Về phương thức chi trả hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học Chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai Nghị quyết này.

Mỗi năm, cả nước có khoảng 23 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Theo quy định, học phí học sinh mầm non từ 50.000 đến 540.000 đồng một tháng; học sinh phổ thông từ 50.000 đến 650.000 đồng mỗi tháng tùy bậc học, vùng thành thị hay nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi. Mức học phí cụ thể của từng địa phương do HĐND quyết định và nằm trong khung Chính phủ quy định.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quận Tây Hồ đã kiểm tra, rà soát và phối hợp trong việc lắp đặt và trang bị hệ thống PCCC tại các cơ sở nhà trọ, chung cư mini để đảm bảo người dân có thể thoát nạn kịp thời khi không may xảy ra hỏa hoạn.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đã nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát tình trạng trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra khi đóng góp ý kiến cho dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã trao hỗ trợ kinh phí xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho hai công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2025.

Ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng là tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục.

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP. Hà Nội đã đến thăm và trao hỗ trợ cho gia đình nữ công nhân môi trường tử vong do tai nạn lao động.

Khu vực Hà Nội có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to cục bộ có nơi mưa rất to từ đêm 22 - 24/5, với tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 250mm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết.