Đầu tư nhận cổ tức cần chú ý gì?
Khi đầu tư nhận cổ tức, nhà đầu tư cần chú ý đến ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày đăng ký cuối cùng.
Chúng ta đã nghe nhiều đến những tỷ lệ cổ tức "khủng", có khi lên đến hàng trăm phần trăm? Ví dụ như trường hợp của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã chứng khoán VEF) sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 435%. Tuy nhiên, một doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức cao ngất ngưởng có phải là một sự lựa chọn đầu tư tốt hay không?
Mọi người cần phân biệt rõ hai khái niệm: "tỷ lệ cổ tức" và "tỷ suất cổ tức". Tỷ lệ cổ tức, ví dụ như con số 435% VEF công bố, là con số được tính bằng cách lấy số tiền cổ tức chia cho mệnh giá của cổ phiếu, mệnh giá của tất cả các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam đều là 10.000 đồng. Như vậy, 435% có nghĩa mỗi cổ phiếu VEF sẽ nhận về 43.500 đồng tiền mặt.
Điều quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là tỷ suất cổ tức. Con số này được tính bằng cách lấy số tiền cổ tức chia cho giá cổ phiếu trên thị trường (tức là số tiền mà bạn thực sự phải bỏ ra để sở hữu nó). Cổ phiếu VEF tại ngày đăng ký cuối cùng có giá 172.000 đồng. Như vậy, tỷ suất cổ tức của VEF sẽ là hơn 25%. Đây là một mức tỷ suất rất cao và đáng để đầu tư.
Tuy nhiên, khi đầu tư để nhận cổ tức, bạn phải xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của những khoản cổ tức cao đột biến đó đến từ đâu, liệu điều đó có khả năng tiếp tục được duy trì trong tương lai hay không? Với trường hợp của VEF, khoản lợi nhuận đột biến vừa qua là nhờ họ bán một phần dự án Vinhomes Cổ Loa. Khả năng chia cổ tức của họ trong những năm tới sẽ như thế nào, mỗi nhà đầu tư sẽ cần phải tự đánh giá cho mình.
Thống kê của FiinPro cho thấy, trong top 10 doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức năm 2024 lớn nhất, không có doanh nghiệp nào được niêm yết trên các sàn chính thức mà chỉ đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Đầu tư hưởng cổ tức thực sự không dễ dàng, bởi các doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức siêu khủng thường có mức giá rất thấp, chỉ vài trăm đồng một cổ phiếu nhưng cực kỳ khó mua.
Ví dụ ba doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức cao nhất. Thứ nhất là DKC của Chợ Lạng Sơn. Họ sắp chia cổ tức với tỷ lệ 11%, tức mỗi cổ phiếu chỉ nhận về 1.100 đồng nhưng giá cổ phiếu DKC trên thị trường chỉ ở mức 100 đồng. Tỷ suất cổ tức ở đây là 1.100%. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ không thể mua được cổ phiếu này vì không có ai bán. Trường hợp CPH của Dịch vụ Mai táng Hải Phòng cũng tương tự. Họ chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 19,6%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 1.960 đồng, trong khi giá cổ phiếu chỉ 300 đồng. Tỷ suất cổ tức lên đến hơn 650%. Hoặc MEF của Công ty Cổ phần Meinfa, họ chia cổ tức 50%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 5.000 đồng, trong khi giá cổ phiếu MEF chỉ ở mức 800 đồng, tỷ suất cổ tức là trên 600%. Cả ba cổ phiếu top đầu này gần như không có giao dịch.
Những con số này cho thấy, tỷ suất cổ tức có thể vượt xa bất kỳ khoản đầu tư nào khác. Đầu tư cổ phiếu với kỳ vọng nhận cổ tức, dù là cổ tức bằng tiền mặt, trên thực tế vẫn là một phương pháp đầu tư không hề dễ dàng, đòi hỏi sự kiên nhẫn và phân tích kỹ lưỡng.