Đàm phán Mỹ - Iran mang tính xây dựng
Các cuộc đàm phán do Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr Al Busaidi làm trung gian phần lớn mang tính gián tiếp.
Theo truyền thông Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Oman đã giúp chuyển tiếp các thông điệp giữa hai phái đoàn ngồi trong các phòng riêng biệt. Phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Trung Đông Steve Witkoff dẫn đầu, trong khi đứng đầu phái đoàn Iran là Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran cho biết, các cuộc đàm phán được tổ chức “trong bầu không khí xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Sau hơn hai tiếng rưỡi đàm phán gián tiếp, người đứng đầu phái đoàn Iran và Mỹ đã phát biểu trong vài phút trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Oman khi họ rời khỏi cuộc đàm phán”, hãng thông tấn này đưa tin.
Phát biểu với phương tiện truyền thông nhà nước sau cuộc đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Araghchi cho biết, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Oman vào ngày 19/4. Tại cuộc đàm phán diễn ra ngày 12/4, hai bên “đã tiến rất gần” đến việc đạt được khuôn khổ đàm phán. Cả hai bên cho biết, họ đang tìm kiếm một thỏa thuận trong thời gian ngắn nhất có thể.
Trước khi cuộc đàm phán này diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tấn công quân sự Iran nếu việc đàm phán thất bại, trong khi Tehran cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào nước này cũng sẽ kéo Mỹ vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông. Bộ trưởng Araghchi cho biết khi đến Thủ đô Muscat của Oman rằng, Iran đang tìm kiếm “sự hiểu biết ban đầu” với Mỹ để có thể dẫn đến tiến trình đàm phán.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr Al Busaidi phát biểu trên X rằng, Iran và Mỹ sẽ bắt đầu một tiến trình nhằm đạt được một thỏa thuận “công bằng và ràng buộc”.

Tổng thống Donald Trump đã đưa ra thời hạn 2 tháng để Tehran chấp nhận một thỏa thuận có thể khiến nước này thu hẹp hoặc loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
“Tôi muốn họ không có vũ khí hạt nhân. Tôi muốn Iran trở thành một đất nước tuyệt vời, vĩ đại và hạnh phúc, nhưng họ không thể có vũ khí hạt nhân”, ông Trump phát biểu trên Không lực Một khi trên đường đến Florida vào tối 11/4.
Trong khi đó, Iran đã nhiều lần từ chối đàm phán dưới sự ép buộc. Tehran đã đặt ra “ranh giới đỏ” cho các cuộc đàm phán, bao gồm ngôn ngữ “đe dọa” và “yêu cầu quá đáng” liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, theo hãng thông tấn Tasnim. Tuyên bố này có khả năng ám chỉ đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, mà các đồng minh Trung Đông của Mỹ coi là mối đe dọa đối với an ninh của họ.
Trong khi chương trình nghị sự chính xác cho vòng đàm phán tiếp theo vẫn chưa rõ ràng, Tổng thống Trump đã nói rằng, Mỹ sẽ đảm bảo một thỏa thuận “mạnh mẽ hơn” so với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do chính quyền Obama làm trung gian, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, gọi đó là một thỏa thuận “thảm họa”.
Ông Trump muốn đạt được một thỏa thuận ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng không nêu rõ thỏa thuận này sẽ khác với thỏa thuận trước đó, được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung hay JCPOA. JCPOA nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các quan chức Mỹ đã ám chỉ rằng, họ có thể thúc đẩy Iran phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này, bao gồm cả thành phần năng lượng dân sự mà Tehran được hưởng theo hiệp ước hạt nhân của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Iran đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng nó không khả thi, đồng thời cáo buộc Mỹ sử dụng đề xuất này như một cái cớ để làm suy yếu và cuối cùng là lật đổ nước Cộng hòa Hồi giáo.
Các chuyên gia cho biết, Tehran coi chương trình hạt nhân là đòn bẩy lớn nhất của mình và việc từ bỏ sẽ khiến đất nước này rơi vào tình thế nguy hiểm.
Nhưng chính quyền Trump cũng cho biết, họ không chỉ xem xét một thỏa thuận hạt nhân khả thi, họ còn muốn hợp tác với Iran về nhiều vấn đề khác nhau - một quan chức Mỹ cho biết.
Cuộc đàm phán diễn ra ngày 12/4 sẽ là phép thử xem Iran có sẵn lòng tham gia các cuộc thảo luận cấp cao hay không, có thể dẫn đến các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo và hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, vị quan chức cho biết.
“Iran rất muốn quay lại với một thỏa thuận như JCPOA, vì vậy câu hỏi đặt ra là: liệu họ có sẵn sàng đưa ra bất kỳ điều gì khác hay không?”, vị quan chức này cho biết.
Trước cuộc họp ngày 12/4, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã nhắc lại rằng, các cuộc đàm phán “tại thời điểm này, theo quan điểm của chúng tôi, chỉ tập trung vào vấn đề hạt nhân”.


Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.
Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.
Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.
Lực lượng vũ trang Iran đã tổ chức diễu binh trên phạm vi toàn quốc để kỷ niệm Ngày Quân đội vào ngày 18/4.
0