Đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran diễn ra tích cực

Vòng đàm phán cấp cao thứ hai giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran đã kết thúc tại Rome, Italy, trong bối cảnh cả hai bên đều lạc quan về một giải pháp ngoại giao.

Vòng đàm phán thứ hai diễn ra vào ngày 19/4, một tuần sau vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Muscat của Oman. Mặc dù vòng đàm phán lần này diễn ra tại Italy nhưng Oman một lần nữa đóng vai trò là nhà trung gian hòa giải giữa phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên Steve Witkoff dẫn đầu và phái đoàn Iran do Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi dẫn đầu.

Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi.

Phát biểu sau vòng đàm phán mới nhất, ông Araghchi cho biết các cuộc đàm phán diễn ra tích cực và kéo dài khoảng bốn giờ. “Tôi có thể nói rằng có tiến triển. Chúng tôi đã đạt được sự hiểu biết và thống nhất tốt hơn về một số nguyên tắc và mục tiêu trong các cuộc đàm phán tại Rome này”, ông nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, vòng đàm phán thứ ba sẽ được tổ chức vào thứ Bảy tuần tới. Bộ Ngoại giao Oman xác nhận rằng, cuộc họp sẽ diễn ra tại Muscat. Cũng theo ông Araghchi, các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia kỹ thuật cũng sẽ được tổ chức tại Oman, bắt đầu vào thứ Tư.

Mỹ và Iran từng trải qua nhiều thập kỷ quan hệ thù địch và từ lâu đã bất đồng về năng lực hạt nhân của Iran. Washington muốn Iran ngừng sản xuất uranium được làm giàu ở mức độ cao, vì họ tin rằng mục đích của việc này là chế tạo bom nguyên tử. Trong khi đó, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ mục đích hoà bình.

Năm 2015, Iran và các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ, đã từng đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã bị ông Donald Trump hủy bỏ vào năm 2018 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Iran đã trả đũa bằng việc nối lại các hoạt động hạt nhân và cho đến nay đã thúc đẩy chương trình làm giàu uranium lên đến độ tinh khiết 60%, gần hơn với mức khoảng 90% là cấp độ vũ khí.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một bức thư cho Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đề xuất đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới, nêu rõ rằng Iran có thời hạn hai tháng để đạt được thỏa thuận, một nguồn tin thân cận với nội dung bức thư nói với CNN. Vài ngày sau, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố Tehran từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ, song khẳng định vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp với Washington.

Ông Trump muốn gì?

Trước khi quá trình đàm phán diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa sẽ tấn công quân sự các địa điểm hạt nhân của Iran, với sự giúp đỡ của Israel, nếu Tehran không đạt được thỏa thuận với các bên đối thoại. Ông Trump cũng nói rằng, thỏa thuận mà ông tìm kiếm với Iran sẽ không giống với thỏa thuận năm 2015 được ký kết dưới thời chính quyền Obama. “Nó sẽ khác và có thể mạnh hơn nhiều”, ông nói.

Trong những tuần gần đây, Iran đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Tổng thống Trump, người vốn nổi tiếng về việc rút khỏi các thoả thuận. Iran cũng phản đối bất kỳ thỏa thuận nào phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này, trái ngược với việc chỉ giới hạn làm giàu uranium cho mục đích dân sự - như đã quy định trong thỏa thuận năm 2015.

Được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận năm 2015 đảm bảo thông qua một số cơ chế rằng chương trình hạt nhân của Iran sẽ hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Nhưng những phát biểu mâu thuẫn từ các quan chức Mỹ trước và sau vòng đàm phán đầu tiên với Iran đã làm lu mờ các yêu cầu của Washington. Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff, người đại diện cho Mỹ tại vòng đàm phán đầu tiên với Iran cho biết, trong tương lai, các cuộc đàm phán với Iran sẽ tập trung vào việc xác minh chương trình hạt nhân của nước này, nhưng không đề cập đến yêu cầu phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran, như các quan chức Mỹ khác đã nói trước đây. Nói cách khác, điều này mở ra khả năng cho một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận do cựu Tổng thống Obama làm trung gian.

“Cuộc trò chuyện với Iran sẽ tập trung nhiều vào hai điểm quan trọng”, ông Witkoff nói với Fox News ngày 14/4. Đầu tiên là xác minh việc làm giàu uranium, “cuối cùng là xác minh về vũ khí, bao gồm tên lửa, loại tên lửa mà họ đã tích trữ ở đó và bao gồm cả việc kích hoạt bom”.

Tuy nhiên, sau đó chính ông Witkoff lại đảo ngược lập trường của mình trong một tuyên bố trên X, trong đó ông cho biết bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào với Iran cũng sẽ yêu cầu nước này “dừng và xóa bỏ chương trình làm giàu hạt nhân và vũ khí hóa”.

Khi được yêu cầu giải thích về sự đảo ngược rõ ràng của ông Witkoff, một quan chức chính quyền Mỹ đã nói với CNN: “Đó là sự phát triển chính sách gần đây nhất”.

Các quan chức khác đã tỏ ra cứng rắn về những gì Mỹ mong đợi từ Iran. Ngày 13/4, một ngày sau khi ông Witkoff bắt đầu đàm phán với Iran tại Oman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã kêu gọi Tehran phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này.

“Iran, hãy đến bàn đàm phán, phá bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân của các vị”, ông nói trên Fox News. Các quan chức Iran đã bác bỏ đề xuất này, cáo buộc Mỹ sử dụng điều này như một cái cớ để làm suy yếu và cuối cùng lật đổ nước Cộng hòa Hồi giáo. Tehran có quyền được hưởng một chương trình năng lượng hạt nhân dân sự theo hiệp ước của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, Iran đã đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium lên mức báo động.

Iran nói gì?

Tuần này, Iran đã tái khẳng định quyền làm giàu uranium của mình và cáo buộc chính quyền Trump gửi đi những tín hiệu lẫn lộn. “Chương trình làm giàu của Iran là một vấn đề thực sự và chính đáng, chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin liên quan đến những lo ngại tiềm ẩn, nhưng vấn đề làm giàu là không thể thương lượng”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nói với các phóng viên hôm 16/4.

Viết trên mạng xã hội X ngày 17/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei ví sự thay đổi lập trường của Mỹ như “một lỗi chuyên nghiệp và một hành động không công bằng trong bóng đá”.

“Trong ngoại giao, bất kỳ sự thay đổi nào như vậy chỉ khiến mọi lời đề nghị đổ vỡ. Nó có thể được coi là sự thiếu nghiêm túc, chứ chưa nói đến thiện chí... Chúng tôi vẫn đang trong chế độ thử nghiệm”, ông viết.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran ở Bushehr, miền Nam Iran, vào ngày 10/11/2019.

Truyền thông Iran đưa tin rằng, Tehran đã đặt ra các điều khoản nghiêm ngặt trước các cuộc đàm phán với Mỹ, với các “lằn ranh đỏ” bao gồm "ngôn ngữ đe dọa” của chính quyền Trump và “những yêu cầu quá mức liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran”.

Truyền thông Iran cho biết, Mỹ cũng phải kiềm chế không nêu ra các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng của Iran, có khả năng ám chỉ đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, mà các đồng minh Trung Đông của Mỹ coi là mối đe dọa đối với an ninh của họ. Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao nhất của Iran đã tiếp cận các cuộc đàm phán với sự thận trọng cực độ.

Trong những bình luận đầu tiên về vấn đề này kể từ khi các nhà đàm phán Iran và Mỹ gặp nhau tại Oman, lãnh tụ Khamenei đã nói rằng, Tehran “không quá lạc quan cũng không quá bi quan” về các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này.

Quan điểm của Israel

Israel là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Iran phá hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân và không bao giờ sở hữu bom hạt nhân. Ngày 17/4, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố bảo vệ chính sách cứng rắn của ông Netanyahu đối với Iran, nói rằng “Israel sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân”.

Một nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết, đặc phái viên Mỹ Witkoff đã nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Chiến lược Israel Ron Dermer, một nhân vật thân tín nhất của Thủ tướng Netanyahu, về vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Iran tại Oman.

Ông Dermer đang ngồi cạnh Thủ tướng Israel Netanyahu tại Washington vào tuần trước khi ông Trump đột nhiên tuyên bố các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran sẽ bắt đầu ngay lập tức. Tiết lộ bất ngờ về việc bắt đầu các cuộc đàm phán dường như đã khiến ông Netanyahu giật mình, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Israel đang muốn thúc đẩy một lựa chọn quân sự chống lại Iran.

Các nguồn tin thân cận với vấn đề này trước đây đã nói rằng, tin tức về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran “chắc chắn không” được Israel hoan nghênh và vẫn chưa rõ liệu ông Netanyahu có được thông báo trước về các cuộc đàm phán hay được tham vấn trước hay không, các nguồn tin cho biết.

Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục vào đầu tháng này, ông Netanyahu đã đưa ra một thỏa thuận hạt nhân theo kiểu Libya giữa Mỹ và Iran. Thỏa thuận này đã phá bỏ chương trình hạt nhân của quốc gia Bắc Phi vào năm 2003 với hy vọng mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ với Mỹ, sau lệnh cấm vận dầu mỏ kéo dài hai thập kỷ đối với chế độ Moammar Gadhafi.

Sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân, Libya đã rơi vào cuộc nội chiến sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011 lật đổ chế độ của Gadhafi và dẫn đến việc ông này bị giết. Các quan chức Iran từ lâu đã cảnh báo rằng, một thỏa thuận tương tự sẽ bị từ chối ngay từ đầu.

Bộ trưởng Bộ Chiến lược Israel Ron Dermer và Giám đốc Mossad David Barnea đã gặp Đặc phái viên Mỹ Witkoff tại Paris ngày 18/4, trước vòng đàm phán thứ hai về Iran.

Đầu năm nay, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo cả chính quyền Biden và Trump rằng, Israel có khả năng sẽ cố gắng tấn công các cơ sở quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran trong năm nay. Tuy nhiên, tờ New York Times ngày 16/4 đưa tin rằng, ông Trump đã thúc giục Israel không tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran ngay trong tháng tới để các cuộc đàm phán với Iran có thể diễn ra.

Văn phòng Thủ tướng Israel không phủ nhận tính xác thực của bài báo, thay vào đó khẳng định rằng, các hành động của Israel đã làm chậm chương trình hạt nhân của Iran. Đáp lại bài viết của tờ New York Times về việc từ chối các cuộc tấn công của Israel, Tổng thống Trump ngày 17/4 cho biết: “Tôi sẽ không nói là từ chối nhưng tôi không vội làm điều đó vì tôi nghĩ rằng, Iran có cơ hội trở thành một quốc gia vĩ đại và sống hạnh phúc mà không có sự chết chóc. Tôi hy vọng họ (Iran) muốn đàm phán, điều đó sẽ rất tốt cho họ nếu họ làm vậy và tôi muốn thấy Iran phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đạt được thành quả tuyệt vời”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.

Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.

Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.

Lực lượng vũ trang Iran đã tổ chức diễu binh trên phạm vi toàn quốc để kỷ niệm Ngày Quân đội vào ngày 18/4.