Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2025 khác gì năm 2018?
Trong những ngày đầu năm 2018, Tổng thống Trump đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại không khoan nhượng. Thời điểm đó, chiến lược “ăn miếng trả miếng” nhanh chóng được áp dụng, khi Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự, khiến ông Trump phải tiếp tục tăng mức thuế đối với các sản phẩm từ Trung Quốc.

Sự trở lại của định luật “ăn miếng trả miếng”
Mọi việc dường như đang lặp lại khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế toàn diện hồi đầu tháng này. Đòn tấn công đầu tiên của ông Trump là áp thuế 34% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng mức thuế này từ 20% trước đó. Bắc Kinh nhanh chóng trả đũa tương tự, điều này làm Tổng thống Mỹ không hài lòng. Trung Quốc là quốc gia duy nhất hành động mạnh mẽ như vậy, trong khi các quốc gia khác tỏ ra thận trọng hơn và ưu tiên đàm phán, theo nhận định của Xin Sun, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại King's College London.
Đáp trả, ông Trump đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp thuế quan bổ sung, dẫn đến mức thuế 104% đối với các sản phẩm Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 9/4. Trung Quốc sau đó tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" nếu Mỹ tiếp tục leo thang các biện pháp kinh tế và thương mại.
Diana Choyleva, nhà sáng lập và nhà kinh tế trưởng tại Enodo Economics, nhận xét: “Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ có một phản ứng chính trị khả thi đối với mối đe dọa mới nhất từ chính quyền Trump: “Hãy làm vậy!”. Sau khi gây bất ngờ cho công chúng trong nước với mức thuế quan trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ hôm 4/4, bất kỳ động thái nhượng bộ nào cũng sẽ là điều không thể chấp nhận về mặt chính trị.
Bộ Thương mại Trung Quốc trong một tuyên bố ở Sách Trắng nêu rõ: “Nếu Mỹ tiếp tục leo thang các hạn chế về kinh tế và thương mại, Trung Quốc sẽ có đủ kiên nhẫn và phương tiện để thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết và sẽ chiến đấu đến cùng”.

Cuộc đối đầu không dừng lại ở đó. Chính quyền Trump rạng sáng nay (10/4) đã quyết định tạm dừng việc áp thuế trả đũa trong vòng 90 ngày và áp mức thuế cơ bản là 10% đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, ông Trump tiếp tục tăng mức thuế quan lên 125% đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Ông Trump giải thích rằng quyết định này được đưa ra sau khi hơn 75 quốc gia liên hệ với chính quyền của ông, mong muốn đàm phán thay vì áp đặt các biện pháp thương mại trả đũa.
Trung Quốc có đủ khả năng ứng phó?
Các ranh giới đối đầu đã được xác định rõ ràng và các kế hoạch phản ứng đã được công khai. Lex talionis, một nguyên tắc pháp lý có nguồn gốc từ luật La Mã cổ đại, quy định việc trả đũa lẫn nhau như hành vi sai lầm, tiếp tục được áp dụng cho đến ngày nay, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Xin Sun, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại King's College London, việc so sánh về căng thẳng thương mại giữa năm 2018 và hiện tại có một số khác biệt. “Thực tế bây giờ khác khá nhiều so với năm 2018 – vì nhiều lý do”, ông Xin giải thích.
Trước hết, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Mức tăng trưởng năm 2024 chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hai con số của những năm trước. Trung Quốc đang cố gắng chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và bất động sản sang mô hình tăng trưởng mới, chủ yếu tập trung vào công nghệ. Tuy nhiên, cuộc chuyển đổi này đang gặp khó khăn và thuế quan của Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng những khó khăn này.
"Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ tác động của Covid-19 và đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ xã hội", Marc Lanteigne - chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Bắc Cực Na Uy cho biết.

Một yếu tố quan trọng trong tình hình hiện tại là Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây không còn bị hạn chế như trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã có những cố vấn "ôn hòa" như John Kelly và HR McMaster, những người đã giúp kiềm chế những quyết định cực đoan của ông Trump. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, ông Trump đã củng cố quyền lực và không còn chịu sự ràng buộc từ các cố vấn ôn hòa. Điều này cho phép ông Trump tự do hơn trong việc triển khai chiến lược “đe dọa” trong chính sách đối ngoại, khiến đối thủ tin rằng ông sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động nào mà không do dự.
Bằng chứng là trong nỗ lực áp dụng thuế quan toàn diện, Washington đã quyết định tập trung vào các quốc gia cụ thể, chẳng hạn như Mexico hay một số quốc gia Đông Nam Á, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã sử dụng làm trung gian để né thuế quan vào năm 2018.
Thế nhưng, chính quyền Trump giờ đây đang đối mặt với một đối thủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với năm 2018. "Trung Quốc đã có nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc tiếp tục chiến tranh thương mại. Họ đã khá bất ngờ vào năm 2018. Nhưng khi nhận thấy rõ ràng, đặc biệt là dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, rằng rất nhiều mức thuế quan này sẽ được duy trì, điều đó thực sự đã gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh rằng họ cần phải bắt đầu chuẩn bị phòng thủ cho thời điểm tình hình có thể leo thang", chuyên gia Lanteigne nhận định.

Trong suốt 7 năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu của mình. “Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu sang Mỹ đã giảm đáng kể. Quay lại năm 2018, xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Giờ đây, con số này đã giảm xuống còn khoảng 14%. Vì vậy, mặc dù lần này mức thuế quan cao hơn nhiều so với năm 2018, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn", ông Xin Sun nhận định.
Bên cạnh đó, thương mại của Trung Quốc với các quốc gia Nam Bán cầu hiện nay đã vượt qua thương mại của Trung Quốc với nhóm G7. "So với 10 năm trước, Trung Quốc không còn quá nhạy cảm với thuế quan của Mỹ nữa", Johannes Petry - chuyên gia về kinh tế chính trị và thị trường tài chính Trung Quốc tại Đại học Goethe Frankfurt chia sẻ.
Nhiều chuyên gia thậm chí còn tin rằng, Trung Quốc có thể có nhiều công cụ và nguồn lực hơn Mỹ để giảm thiểu thiệt hại từ một cuộc chiến tranh thương mại. "Chính phủ Trung Quốc có nhiều dư địa tài chính và tiền tệ để xoay xở", ông Petry cho biết. "Họ có thể giảm lãi suất, tăng chi tiêu, hoặc phát hành thêm nợ. Ví dụ, nợ công của Trung Quốc không cao như ở Mỹ". Trong khi đó, tại Mỹ, thâm hụt ngân sách đã tăng từ dưới 4% vào năm 2018 lên hơn 6% vào năm 2024. Chính phủ Mỹ cũng nhận thức được rằng, trong trường hợp suy thoái, họ sẽ không có mức dự trữ tài chính mạnh mẽ như năm 2018.
Trung Quốc hiện có nhiều lựa chọn khác để gia tăng sức ép kinh tế lên các đối thủ của mình, và một trong những công cụ quan trọng là khoáng sản đất hiếm, vốn rất thiết yếu cho các ngành công nghiệp điện tử, quang học và các lĩnh vực công nghệ cao khác. "Trung Quốc có thể áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều loại đất hiếm hơn. Hiện tại, họ chỉ áp lệnh cấm đối với một số nguyên tố đất hiếm nhất định, nhưng không phải tất cả", ông Xin Sun cho biết. "Nếu cuộc chiến thương mại leo thang thêm, có khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều loại đất hiếm khác".
Một yếu tố có lợi cho Bắc Kinh là thực tế Mỹ phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hơn là ngược lại. Các mặt hàng chủ yếu mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc là những sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính và đồ chơi. Tuần trước, các nhà phân tích tại Rosenblatt Securities dự đoán rằng giá của chiếc iPhone rẻ nhất tại Mỹ có thể tăng từ 799 đô la lên 1.142 đô la, chỉ với mức thuế quan 54% đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhà kinh tế Diana Choyleva cho rằng: "Ông Trump không thể đổ lỗi cho Trung Quốc về những khó khăn kinh tế này".
Ngược lại, hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp và sản xuất như đậu nành, nhiên liệu hóa thạch và động cơ phản lực. Việc tăng giá các mặt hàng này dễ dàng được Trung Quốc chấp nhận hơn nhiều, trước khi người tiêu dùng phải chịu thêm chi phí, đặc biệt là với các sản phẩm như điện thoại thông minh.

Theo tờ The Guardian, Trung Quốc còn nhiều biện pháp khác để đối phó. Các biện pháp này bao gồm đình chỉ hợp tác về kiểm soát fentanyl, điều tra các khoản thu về sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ tại Trung Quốc và cấm các bộ phim Hollywood vào Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm trực tiếp có thể không cần thiết, vì Trung Quốc đã từng không can thiệp vào các chiến dịch tẩy chay do những người theo chủ nghĩa dân tộc phát động. Một ví dụ điển hình là vào năm 2017, khi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc, sau khi tập đoàn này đồng ý tham gia vào một thỏa thuận cho phép lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, điều mà Trung Quốc coi là mối đe dọa an ninh. Kết quả là gần một nửa trong số hơn 100 cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc đã phải đóng cửa.
Nhờ cậy đồng minh?
Về phía Mỹ, một trong những lựa chọn chính để duy trì thế chủ động trong cuộc chiến thương mại leo thang có thể là áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế, tương tự như những gì đã được áp dụng đối với Iran, bên cạnh việc tiếp tục tăng thuế quan. Mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này, nhưng các chuyên gia được hãng tin France 24 phỏng vấn cho rằng đây sẽ là biện pháp cuối cùng mà Mỹ có thể áp dụng.

Marc Lanteigne, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Bắc Cực Na Uy nhận định: "Nếu Tổng thống Trump không áp thuế đối với các đối tác như Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, ông ấy có thể đã thuyết phục được các quốc gia này hợp tác và gây thêm áp lực lên Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra trong tình hình hiện tại. Tôi cho rằng rất khó để Mỹ có thể thu hút các đối tác và đồng minh để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh này".
Phản ứng của các quốc gia khác đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là yếu tố khó dự đoán trong cuộc chiến thương mại mới này. Nếu Mỹ thành công trong việc thuyết phục các quốc gia khác ủng hộ Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, đó sẽ là một kịch bản rất bất lợi đối với Bắc Kinh, ông Xin nhấn mạnh.
Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc quyết định phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ với thuế quan của chính quyền Trump. "Đây là cách Trung Quốc gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các quốc gia khác rằng họ không khoan nhượng với các loại rào cản thương mại và thuế quan này", ông Xin giải thích. "Nếu bất kỳ quốc gia nào khác muốn tăng thuế đối với Trung Quốc theo cách tương tự Mỹ, họ nên sẵn sàng đối mặt với hậu quả".


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã chỉ thị quân đội gia tăng sức ép lên Hamas, sau khi lực lượng này từ chối đề xuất ngừng bắn tạm thời của Israel và yêu cầu một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh để đổi lấy con tin.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/4 thông báo, Moscow và Kiev đã tiến hành một cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn, trong đó mỗi bên trao trả 246 người bị bắt giữ.
Đáp lại đề xuất ngừng bắn của phía Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ý sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn sau thời hạn này.
Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.
Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.
0