Công viên Thống Nhất: Biểu trưng của khát vọng hoà bình | Hà Nội tin mỗi chiều
Nếu đã từng đi ngang qua phố Nguyễn Đình Chiểu, hẳn bạn sẽ nhận ra cánh cổng sắt luôn đóng im lìm ở góc Công viên Thống Nhất. Nhiều người đi qua, nhiều thế hệ lớn lên cùng công viên này, nhưng không phải ai cũng biết: nơi ấy từng là lễ đài chính, là mặt tiền danh dự trong những năm đầu công viên đi vào hoạt động. Một chi tiết nhỏ, nhưng gợi lại cả một thời khắc đáng nhớ của Hà Nội.
Công viên Thống Nhất được khởi công cuối năm 1958, khi miền Bắc vừa bước vào thời kỳ kiến thiết sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp quản Thủ đô. Lúc đó, khu vực này còn là vùng trũng, ngập nước, rậm rạp lau sậy, gọi là hồ Bãi Dài. Từ vùng đất ấy, ý tưởng về một không gian xanh, hiện đại và giàu ý nghĩa đã được hình thành. Và hơn thế nữa, công viên ấy còn mang một cái tên gói trọn khát vọng của cả dân tộc: “Thống Nhất”. Tên gọi ấy không chỉ là biểu tượng. Nó là ước mơ, là niềm tin về một ngày đất nước liền một dải, Bắc – Nam sum họp.
Đặc biệt, công trình này không chỉ được xây dựng bằng ngân sách, mà bằng cả bàn tay và trái tim của người Hà Nội. Học sinh, cán bộ, bộ đội… ai có thời gian góp thời gian, ai có sức góp sức. Người thì mang cuốc, người mang xẻng, có người gom cả gạch vụn, đá vỡ để lát lối đi trong công viên. Mỗi mét vuông đất được đắp lên đều có dấu tay của những người dân yêu thành phố mình.
Ngày 30/5/1961, công viên được khánh thành. Nhưng trước đó hơn một năm, ngày 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm và trồng một cây đa trong khuôn viên. Cây đa ấy vẫn còn đến hôm nay – đứng lặng lẽ nhưng bền bỉ, như chính tinh thần Hà Nội. Một chi tiết nữa, rất đáng nhắc lại: tượng Bác Hồ và Bác Tôn được đặt giữa hồ Bảy Mẫu – nằm trên đảo Thống Nhất – chính là tác phẩm được vận chuyển ra Hà Nội bằng một chuyến tàu đặc biệt từ TP.HCM, chuyến tàu không chở khách, không chở hàng, chỉ chở duy nhất pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn, thể hiện tình cảm đoàn kết Bắc – Nam gắn bó keo sơn.
Dẫu vậy, trong suốt nhiều năm, công viên lại bị bao quanh bởi hàng rào sắt – và chỉ có vài cổng chính được mở cho người dân ra vào. Cảm giác “cách một hàng rào” ấy, có lẽ ai từng dạo quanh công viên đều từng thấy: cây xanh vẫn đó, hồ nước vẫn trong, nhưng luôn có một chút khoảng cách giữa công viên và đường phố. Và gần đây, khi thành phố quyết định gỡ bỏ một phần hàng rào, mở các cổng phụ ra nhiều tuyến phố như Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu – công viên mới thực sự “mở lòng” với người dân. Hiệu quả rõ nét nhất sau khi chuyển thành công viên "mở" đó là lượng khách vào công viên tăng 20 - 30%, chất lượng khách cũng được nâng cao khi trước đây chủ yếu là người vào tập thể dục thì nay có nhiều đoàn đến công viên tham quan, chụp ảnh kỷ niệm, trong đó có nhiều người nước ngoài.
Mở rào không chỉ là mở cổng, mà còn là mở tư duy. Tư duy mới trong cách quản trị đô thị – khi không gian công cộng không còn là thứ được “cho phép tiếp cận”, mà là phần thuộc về đời sống thường ngày của mỗi người, là khi một công viên từng được xây nên bằng sức dân nay được trả lại đúng vai trò: không gian chung, dễ gần, dễ đến, dễ sẻ chia.
Công viên Thống Nhất – một phần ký ức của Hà Nội – vẫn còn đó. Cây đa Bác Hồ trồng vẫn xanh. Hồ Bảy Mẫu vẫn phẳng lặng. Và giờ đây, khi hàng rào dần được gỡ bỏ, cũng là lúc ký ức, khát vọng và hiện tại gặp nhau, cùng hướng về một tương lai xanh hơn, mở hơn, nhân văn hơn cho Thủ đô.


HANOITV News | 01/05/2025
Các địa phương công bố quyết định đặc xá; 28 người tử vong vì TNGT trong ngày thứ hai nghỉ lễ; Cẩn trọng với những cam kết lấy lại tiền bị lừa; Quốc hội Ukraine sắp phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản với Mỹ;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.
Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; Người nước ngoài hòa chung không khí rộn ràng đại lễ 30/4; Câu chuyện hòa bình trong “50 năm đất nước trọn niềm vui”; Nga cáo buộc Ukraine dọa tấn công lễ duyệt binh sắp tới;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.
Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để Hà Nội giới thiệu tinh hoa làng nghề truyền thống, nơi người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm thủ công độc đáo, sáng tạo trên nền tảng chất liệu truyền thống.
Ukraine và Mỹ đã ký một thỏa thuận cho phép Washington tiếp cận các loại khoáng sản quý hiếm và tài trợ cho các nỗ lực tái thiết tại quốc gia bị xung đột kéo dài tàn phá này. Lễ ký kết diễn ra tại Washington, DC, vào ngày 30/4 sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, với sự không chắc chắn vẫn tồn tại cho đến phút cuối. Thoả thuận này bao gồm những nội dung gì? Quan hệ đối tác kinh tế giữa Washington và Kiev sẽ ra sao? Thỏa thuận sẽ có tác động như thế nào đến địa chính trị thế giới?
Ngày trở về của hơn 8.000 phạm nhân được đặc xá; Tìm bị hại của đường dây bán thuốc sinh lý giả; Xuyên đêm xử lý vụ cháy bãi phế liệu;... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.
0