‘Cò’ tung chiêu thổi giá đất ven vành đai 4, có nơi lên đến 150 triệu đồng/m2
Mặc dù dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 chưa triển khai nhưng giá đất quanh khu vực này đã tăng khá mạnh.
Đơn cử, một lô đất tại xã Minh Phú (Sóc Sơn) cuối năm 2021 có giá 5 triệu đồng/m2, nhưng sau khi qua tay vài môi giới, giá đất hiện đã đẩy lên 30 triệu đồng/m2, tăng gấp 6 lần chỉ trong thời gian ngắn.
“Hiện nay đường vành đai 4 chuẩn bị xây dựng, khi nào dự án hoàn thiện, giá đất chắc chắn tăng gấp đôi, gấp ba hiện giờ”, người môi giới tên Tùng khẳng định.
Tương tự, chị Hoa - một môi giới nhà đất ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết, trước kia đất làng, xã ở khu vực xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) chỉ dao động khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp khoảng 3 - 4 lần.
"Cách đây 2 năm, giá đất ở xã Thanh Xuân chỉ 3 - 5 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp 2 - 4 lần. Nhất là những mảnh nằm ven đường 35 hiện có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2. Do đất tăng nóng trong thời gian ngắn, nhiều chủ đất ở địa bàn dù muốn bán nhưng lại lưỡng lự, nghe ngóng chờ tăng giá thêm", chị Hoa nói.

Không chỉ Sóc Sơn, những quận huyện có đường vành đai 4 đi qua hiện giá đất cũng đã tăng vọt.
Tại huyện Thường Tín, những lô nằm trên trục đường lớn, gần khu vực vành đai 4 đi qua, giá đất hiện tăng gấp 5, 6 lần so với hồi đầu năm 2020.
Chị Nguyễn Thị An (người đầu tư nhà đất khu vực Thường Tín) cho biết: “Các lô đất ban đầu giá khá rẻ, nhưng sau một thời gian qua tay các môi giới, giá đã đẩy lên gấp vài lần. Đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra khi có các thông tin quy hoạch”.
Cũng theo chị An, môi giới nhà đất thường hoạt động rất bài bản, họ thường gom đất trước khi thông tin quy hoạch được công bố. Khi có thông tin, họ mua đi bán lại với nhau vài lần và đẩy giá lô đất lên mức cao ngất ngưởng. Người mua cuối cùng nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy.
“Khi được quy hoạch bài bản, giá đất chắc chắn sẽ tăng theo hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nhiều nơi có thông tin quy hoạch nhưng đường xá vẫn không thay đổi, trong khi giá lại tăng một cách vô lý. Hạ tầng còn không kịp theo giá đất tăng. Các thông tin quy hoạch vẫn chỉ đang nằm trên giấy, để triển khai cần có lộ trình và thời gian dài. Vì vậy, giá tăng mạnh chỉ là chiêu trò của “cò” đất và đầu cơ nhằm trục lợi”, chị An nói.
Tại huyện Hoài Đức, ghi nhận tại các xã như Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên, Song Phương giá đất có nhích lên, tăng thêm khoảng 10 - 15 triệu đồng/m2 so với năm ngoái. Theo đó, giá đất trung bình tại huyện khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm có giá khoảng 130 - 150 triệu đồng/m2.
Tại huyện Đan Phượng, thị trường nhà đất ở nhiều xã nhận được sự quan tâm lớn. Lượng rao bán nhà đất tăng mạnh, đặc biệt là khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện và thị trấn Phùng. Theo đó, giá đất ghi nhận tại khu trục đường lớn khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Phùng có giá khoảng 130 - 140 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 - 15%.
Đáng nói, đa số các lô đất này đều tăng giá sau khi đã qua tay vài môi giới.

Trước hiện tượng giá đất tăng "nóng", các chuyên gia bất động sản cảnh báo, dù tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua các địa phương sẽ làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản, song tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới…
Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc "ôm" đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh "tiền mất tật mang".
Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những thông tin về quy hoạch, sốt ảo. Nếu "chạy" theo sẽ có nguy cơ bị "nhấn chìm" trong cơn "sốt ảo" và thất vọng khi giá đất trở về mức cũ.
Ông dẫn chứng: Bài học về đầu tư đất tại hai bên đường Đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị: Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường.
Theo ông Đính, nếu quy hoạch được triển khai đúng tiến độ, thị trường bất động sản cũng như đời sống người dân khu vực này sẽ ổn định và nhiều cơ hội phát triển, thuận lợi. Tuy nhiên, nếu việc triển khai bị chậm thì nhà đầu tư "lướt sóng" cũng cần tính bài toán tránh rủi ro.


Hiện tượng lệch pha cung - cầu không chỉ diễn ra ở thị trường TP. Hồ Chí Minh mà đang trở nên phổ biến ở các địa phương trên cả nước.
Nghị định 76 của Chính phủ sau 20 ngày có hiệu lực đã gỡ khó cho nhiều dự án đang vướng mắc, đặc biệt là việc xác định thời điểm để tính tiền sử dụng đất.
Thủ tướng Chính phủ đã liệt kê mua bán căn hộ chung cư vào danh mục sản phẩm phải đăng ký hợp đồng theo mẫu tại các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) sáng 19/4 đã khởi công xây dựng Tòa nhà B1, B2 - Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024.
Hàng loạt gian hàng tại các trung tâm thương mại đang phải đóng cửa, mặt bằng bỏ trống dù nguồn cung không ngừng gia tăng.
0