Chuyển đổi số, tái cấu trúc ngành ngân hàng thời kỳ mới

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”.

Sáng 16/7/2025 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”.

Diễn đàn ghi nhận một thực tế rõ nét: làn sóng chuyển đổi số đang thay đổi mạnh mẽ bộ mặt toàn ngành ngân hàng. Không chỉ tái cấu trúc mô hình vận hành, chuyển đổi số đang định hình lại toàn bộ cơ cấu nhân sự. Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng các vị trí mới như chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên gia quản trị rủi ro số… đang gia tăng nhanh chóng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chuyển đổi số trong ngành đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có. Đến nay, gần 87% người Việt trưởng thành đã sở hữu tài khoản ngân hàng. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức gấp 25 lần GDP, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch qua mã QR tăng trưởng bùng nổ với số lượng tăng 78%, giá trị giao dịch tăng hơn 216%. Hầu hết giao dịch cơ bản đều đã số hóa, với nhiều ngân hàng đạt 95% giao dịch thực hiện qua kênh số. Các nghiệp vụ cơ bản như tiết kiệm, chuyển khoản, vay vốn… đều được thực hiện trực tuyến, hình thành hệ sinh thái tài chính số đa dịch vụ.

Ông Phạm Hà Duy – Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số và Dữ liệu ABBANK cho biết: “Trong khoảng ba năm gần đây, ABBANK đã thay đổi rất nhiều hệ thống công nghệ cốt lõi, từ các công nghệ giúp người dùng có thể tương tác với ngân hàng tốt hơn, đến các công nghệ nền tảng giúp ABBANK vận hành trơn tru, mượt mà hơn để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ngoài ra, có nhóm thứ hai là các công nghệ mới như AI, Blockchain, Machine Learning phục vụ cho việc phân tích dữ liệu, thu thập dữ liệu để liên tục tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với từng nhóm khách hàng của chúng tôi”.

Việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cũng làm làn sóng cắt giảm nhân sự ở các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Năm 2024, TPBank, ABBank, Nam Á Bank, KienLong giảm dưới 100 người ở mỗi ngân hàng; ACB giảm 365 người, Sacombank giảm 426 người. Riêng BIDV giảm khoảng 1.000 nhân sự - mức giảm mạnh nhất trong 8 năm.

Sang năm 2025, Sacombank tiếp tục giảm thêm 970 người; LPBank giảm mạnh nhất với 1.619 nhân sự; các ngân hàng TPBank, SeABank, ABBank, Vietcombank, Saigonbank, MSB cũng giảm khoảng 100 nhân sự. Điểm đáng chú ý, dù cắt giảm mạnh nhân sự, các ngân hàng này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ: ACB tăng trưởng lợi nhuận 5%, Sacombank 33%, BIDV 12,4%, LPBank lên tới 73%.

Ông Lưu Danh Đức – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Lộc Phát LPBANK cho biết: “Việc ứng dụng AI vào hoạt động ngân hàng đã giúp nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực lao động. Ví dụ, với một số công việc lập trình, trước đây cần tới một nhóm 5 người, hiện nay chúng tôi chỉ cần một người vì nhân sự đó có thể sử dụng AI để hỗ trợ lập trình.

Điều này có nghĩa là một nhân viên có thể xử lý được khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần nhờ AI. Không chỉ với lực lượng IT, chúng tôi cũng phổ cập các công cụ AI tới các bộ phận trợ lý, bán hàng và đặc biệt là bộ phận tổng đài chăm sóc khách hàng.

Tại Contact Center của chúng tôi hiện nay, nhân viên AI đang xử lý khoảng 30-50% khối lượng công việc. Trong tương lai gần, tỷ lệ này có thể tăng lên 70-80%. Điều đó đồng nghĩa với việc lực lượng nhân sự tại LPBank buộc phải tinh gọn hơn, không chỉ giảm số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng, cụ thể là khả năng sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI trong công việc hàng ngày”.

Tuy nhiên, bức tranh nhân sự không chỉ có chiều hướng tinh giản. Trái ngược với ngân hàng truyền thống, các công ty fintech đang phát triển nóng, nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ ngày càng cấp bách.

Ông Nguyễn Thành Trung, CTO Công ty Cổ phần 9PAY cho biết: “Giống như tất cả các công ty fintech khác, 9PAY cũng đang đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự. Theo đánh giá của công ty, nguồn nhân lực hiện nay đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, theo các con số hiện có – dù chưa thực sự chính xác – nguồn nhân lực IT mới chỉ đáp ứng khoảng 70%, tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó thực sự đáp ứng được yêu cầu làm việc trong lĩnh vực fintech. Ngoài ra, ngay cả những nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực fintech cũng chưa theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Nhiều bạn trẻ vẫn chưa có tư duy đúng về sản phẩm, tư duy phát triển các dịch vụ quy mô lớn, cũng như về bảo mật và quản trị rủi ro dữ liệu. Trước những áp lực này, bên cạnh việc liên tục tuyển dụng nhân tài, chúng tôi cũng tập trung mạnh vào đào tạo”.

Trong bối cảnh ấy, các chuyên gia nhận định, Việt Nam cần giải bài toán nhân lực số bằng các giải pháp đồng bộ: các ngân hàng phải tăng tốc đào tạo lại đội ngũ hiện tại, các trường đại học cần cập nhật chương trình đào tạo sát thực tế chuyển đổi số, còn doanh nghiệp fintech cần phối hợp sâu hơn với các cơ sở đào tạo. Nếu không, Việt Nam sẽ khó bắt kịp nhịp chuyển đổi số đang diễn ra ngày một nhanh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời