Cây và côn trùng giao tiếp qua sóng siêu âm
Một nghiên cứu mới từ Đại học Tel Aviv, Israel đã hé lộ khả năng giao tiếp độc đáo giữa thực vật và côn trùng thông qua sóng siêu âm.
Ngày 15/7, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv, Israel đã tìm thấy bằng chứng thực vật và côn trùng có thể tương tác với nhau thông qua âm thanh, mở ra một hướng nghiên cứu mới về giao tiếp âm thanh trong tự nhiên. Công trình được dẫn dắt bởi tiến sĩ Rya Seltzer và Guy Zer Eshel, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Yossi Yovel và Lilach Hadany tại Khoa Khoa học Đời sống Wise.
Theo đó, bướm đêm thường chọn cây cà chua làm nơi đẻ trứng để cung cấp thức ăn cho ấu trùng sau khi nở. Để tìm hiểu cơ chế lựa chọn này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với hai cây cà chua khỏe mạnh – một cây được gắn loa phát âm thanh siêu âm được thu từ cây đang héo, cây còn lại im lặng.
Bà Lilach Hadany, Giáo sư của Trường Khoa học Thực vật và An ninh Lương thực thuộc Khoa Khoa học Đời sống Wise, cho biết: "Chúng tôi quan sát thấy, một số loài động vật có khả năng hiểu được những âm thanh này. Đây là một tầng tương tác mới giữa thực vật và động vật. Chúng tôi cho rằng đây chỉ mới là khởi đầu. Có rất nhiều mối quan hệ giữa động vật và thực vật. Chúng ta có thể nghĩ đến các loài ăn thực vật, các loài thụ phấn, các loài ăn trái cây, thậm chí cả những loài săn mồi của động vật ăn cỏ – tất cả những loài này đều có thể thu nhận thông tin từ âm thanh mà thực vật phát ra".
Kết quả cho thấy, bướm đêm cái có xu hướng chọn cây không phát ra âm thanh, chúng sử dụng âm thanh như một tín hiệu để nhận biết môi trường đẻ trứng lý tưởng. Các thí nghiệm còn chỉ ra rằng quyết định của bướm cái bị chi phối trực tiếp bởi âm thanh, chứ không phải do tín hiệu tương tự từ bướm đực. Khi nghe âm thanh siêu âm do bướm đực phát ra, bướm cái không có phản ứng tương tự.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí khoa học eLife, cho thấy bướm đêm cái có khả năng phát hiện các tín hiệu siêu âm phát ra từ cây cà chua bị mất nước, từ đó quyết định nơi thích hợp để đẻ trứng. Phát hiện này nối tiếp những nghiên cứu trước đó của nhóm, vốn từng cho thấy rằng thực vật phát ra âm thanh siêu âm khi gặp căng thẳng, chẳng hạn như khi bị mất nước. Những âm thanh này nằm ngoài khả năng nghe của con người, nhưng có thể được phát hiện bởi nhiều loài côn trùng và một số loài động vật có vú như dơi.
Khám phá mới về việc bướm đêm có thể “nghe” và phản ứng với âm thanh do cây trồng phát ra đã bổ sung thêm vào "bức tranh" phức tạp của hệ sinh thái. Các nhà khoa học tin rằng, đây chỉ là bước khởi đầu và trong tương lai sẽ có thêm nhiều loài động vật được phát hiện có khả năng “lắng nghe” thực vật, từ đó thay đổi cách chúng ta hiểu về giao tiếp trong tự nhiên.