Bộ trưởng Bộ KHCN : Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động khoa học công nghệ tại tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chiều 13/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã có phần phát biểu giải trình tại phiên thảo luận góp ý cho Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trong đó, hai điểm nhấn quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh là việc chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, khoa học và công nghệ là nền tảng của một quốc gia hiện đại. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì bắt buộc phải là cường quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã có sự điều chỉnh toàn diện về tư duy và định hướng phát triển. Một trong những bước ngoặt lớn là chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên một chương riêng được dành cho các chính sách thúc đẩy R&D và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cho thấy sự thay đổi căn bản trong định hướng phát triển công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng trong nền kinh tế hiện đại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp khoảng 4% vào tăng trưởng GDP, trong đó riêng đổi mới sáng tạo chiếm tới 3%. Doanh nghiệp - với vai trò hiện thực hóa các ý tưởng thành sản phẩm và giá trị kinh tế, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các hoạt động khoa học công nghệ.

“Doanh nghiệp sẽ không chỉ dùng nguồn lực của mình để làm R&D mà còn được tiếp cận ngân sách nhà nước thông qua các chính sách tài chính mồi. Nếu Nhà nước đầu tư 1 đồng thì doanh nghiệp cần thu hút thêm 3-4 đồng. Tỷ lệ ngân sách nhà nước tài trợ R&D cho doanh nghiệp hiện dưới 10%, trong dự thảo lần này, có thể nâng lên 70 – 80%”, ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, các khoản chi cho nghiên cứu phát triển còn được hạch toán như chi phí sản xuất kinh doanh, không giới hạn tỷ lệ theo doanh thu. Doanh nghiệp cũng được khấu trừ thuế thu nhập với hệ số ưu đãi 150%, thậm chí 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược.

Đặc biệt, Nhà nước sẽ ưu tiên mua sắm các sản phẩm khoa học công nghệ trong nước, tạo đầu ra cho các công trình nghiên cứu. Những doanh nghiệp có lãi được phép trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho R&D và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho biết, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu sẽ được trao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, đồng thời người nghiên cứu có thể được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thành quả này, tạo động lực dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu ứng dụng.

Chuyển đổi số toàn diện hoạt động khoa học công nghệ

Song song với việc trao quyền và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong quản lý và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ.

“Từ nay, các tổ chức nghiên cứu sẽ sử dụng nền tảng quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ. Điều này giúp nâng cao hiệu quả điều hành, tăng tính minh bạch và khả năng giám sát”, Bộ trưởng nêu rõ.

Việc số hóa toàn diện quy trình từ quản lý đề tài đến đánh giá kết quả sẽ góp phần khắc phục tình trạng thủ công, rườm rà vốn tồn tại lâu nay trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây cũng là công cụ quan trọng để chuyển đổi từ quản lý đầu vào (hóa đơn, chứng từ) sang quản lý hiệu quả đầu ra, dựa trên kết quả nghiên cứu và tác động thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Hiện nay Ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ khoảng 2% tổng chi ngân sách, tương đương 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc chi tiêu vẫn còn dàn trải, chưa có hệ thống đánh giá hiệu quả đầu tư một cách rõ ràng. Nếu kỳ vọng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP, thì nhất thiết phải có công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả đầu tư, và những công cụ này phải vận hành trên nền tảng số, công khai và minh bạch."

Theo dự thảo luật, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó làm căn cứ phân bổ nguồn lực. Những tổ chức nào chứng minh được hiệu quả thực tế của các đề tài trước sẽ được ưu tiên giao nhiệm vụ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ và đồng bộ, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực, và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cá nhân, nông dân, quỹ phát triển…

“Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, tài chính ưu đãi, và đặc biệt là chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng khuyến khích mô hình tích hợp ba chức năng đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Các trung tâm đổi mới sáng tạo được công nhận làm đầu mối kết nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái, thúc đẩy hợp tác công - tư và chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay đều rất xác đáng, sâu sắc và tâm huyết. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã bắt tay ngay vào thực hiện Chỉ thị số 07, Chỉ thị số 36 tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát huy dân chủ mạnh mẽ hơn nữa.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tới dự và trao huy hiệu Đảng cho các đảng viên lão thành đợt 19/5, tại các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, trong ngày 14/5.

Mỗi bản Hiến pháp đều đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước "của dân, do dân và vì dân".

Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vào chiều nay, 14/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn đã bị bắt khẩn cấp vì buông lỏng quản lý, làm ngơ cho hoạt động đất tặc.