Bão số 3 áp sát đất liền: Hưng Yên thực hiện lệnh cấm biển

Các địa phương từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên đến Thanh Hóa, Nghệ An đang chạy đua với thời gian, kích hoạt mọi phương án ứng phó ở cấp độ cao nhất để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3.

Đêm 21/7, tâm bão số 3 có vị trí cách Quảng Ninh khoảng 80km, Hải Phòng 180km, Hưng Yên 190km, Ninh Bình 220km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10 (89–102km/h), giật cấp 13; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/h. Các tỉnh thành phía Bắc đang chạy đua với thời gian và kích hoạt mọi phương án ứng phó ở cấp độ cao.

Chỉ đạo từ Chính phủ: "Phương án phải ở mức cao nhất"

Chiều tối 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp xuống tỉnh Hưng Yên để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Tại xã ven biển Thái Thụy (thuộc tỉnh Hưng Yên), sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì bão số 3 có thể mạnh lên khi vào đất liền, đặc biệt trong điều kiện triều cường. Ông nhấn mạnh việc rút kinh nghiệm từ cơn bão Yagi (tháng 9/2024), yêu cầu các địa phương phải xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết cho từng cấp độ rủi ro.

Khu vực biển cồn Vành, xã Hưng Phú đã được che chấn.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những xã ven biển, có nguy cơ cao cần được tập trung phương tiện, thiết bị, vật tư và nhân lực. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

"Nếu triều cường mà lên trên 4 mét thì thế nào, 5 mét thì thế nào? Các đồng chí phải có kịch bản cụ thể cho từng tình huống. Phương án bao giờ cũng phải cao nhất thì mới có thể hạn chế thiệt hại thấp nhất", Phó Thủ tướng chỉ đạo, lưu ý các địa phương ven biển, có nguy cơ cao cần được tập trung tối đa phương tiện, vật tư và nhân lực, tránh phân bổ dàn trải.

Hải Phòng, Quảng Ninh: Tuyến đầu hứng bão, khẩn trương sơ tán

Là những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp và sớm nhất, Hải Phòng và Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp quyết liệt:

Tại Hải Phòng: Đêm 21/7, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã ghi nhận gió giật cấp 9-10 và mưa rất to. Hải Phòng đã huy động hơn 70.000 người tham gia ứng phó, di dời gần 18.000 khách du lịch khỏi các khu vực nguy hiểm. Toàn bộ 1.657 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn. Công tác cắt tỉa, chằng chống hàng nghìn cây xanh đang được gấp rút hoàn thành.

Tại Quảng Ninh: Chính quyền đã huy động tổng lực gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm phương tiện chuyên dụng. Huyện đảo Cô Tô đã tổ chức 44 chuyến tàu đưa toàn bộ 8.850 khách du lịch vào bờ an toàn. Tại Vân Đồn, dù vẫn còn khoảng 1.200 du khách, công tác kêu gọi tàu thuyền đã đạt hiệu quả cao với 1.500 tàu vào nơi neo đậu.

Hưng Yên, Ninh Bình: Cấm biển, dừng du lịch, bảo vệ công trình trọng điểm

Tàu thuyền đã được neo đậu an toàn tại cảng cá Tân Sơn.
Tàu thuyền đã được neo đậu an toàn tại cảng cá Tân Sơn. Ảnh: VOV.

Tại Hưng Yên: Tỉnh đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ 18h ngày 20/7. Tại các xã ven biển như Nam Cường, Đồng Châu, hàng ngàn tàu bè đã về nơi tránh trú, các khu du lịch đã tháo dỡ lán tạm. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa báo cáo thêm, đã chỉ đạo các công trình trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, 2 (trên địa bàn) kích hoạt phương án phòng chống bão cấp độ cao nhất.

Tại Ninh Bình: Sở Du lịch đã yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách bằng thuyền tại các khu du lịch nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc, Vân Long... từ 13h ngày 21/7. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kiểm tra các tuyến đê xung yếu và yêu cầu các trạm bơm vận hành hết công suất để tiêu úng cho các khu công nghiệp và đô thị.

Thanh Hóa, Nghệ An: Chống sạt lở ở miền núi, dựng lán tạm cho dân

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, các tỉnh có địa hình miền núi phức tạp như Thanh Hóa, Nghệ An đang đối mặt với nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Tại Nghệ An: Chính quyền xã Nhôn Mai đã phải di dời khẩn cấp 19 hộ dân (65 khẩu) tại bản Xói Voi đến nhà văn hóa cộng đồng để tránh nguy cơ sạt lở từ vết nứt lớn trên núi Phà Mạt. Toàn bộ 2.816 tàu thuyền của tỉnh cũng đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.

Tại Thanh Hóa: Tại xã Na Mèo, nơi có vết nứt dài 300m đe dọa 55 hộ dân, chính quyền và bộ đội biên phòng đã dựng xong 5 lán tạm tại khu vực an toàn, sẵn sàng di dời người dân. Tại xã Trung Lý, phương án di dời 97 hộ dân (504 khẩu) cũng đã được chuẩn bị.

Hà Nội: Sẵn sàng phương án tạm dừng xe buýt, metro

Các phương tiện công cộng tại Hà Nội có thể điều chỉnh thời gian hoạt động để bảo đảm an toàn.
Các phương tiện công cộng tại Hà Nội có thể điều chỉnh thời gian hoạt động để bảo đảm an toàn. Ảnh: Báo Hà Nội mới.

Dù không phải là địa phương ven biển, Hà Nội đã ban hành chỉ đạo khẩn để ứng phó với mưa lớn và gió mạnh. Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận hành xe buýt và đường sắt đô thị (metro) phải có phương án điều chỉnh linh hoạt, kể cả tạm dừng hoạt động nếu thời tiết diễn biến xấu để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Công an Thành phố được yêu cầu chuẩn bị phương án điều tiết giao thông. Các công ty cây xanh đang khẩn trương cắt tỉa cành, gia cố các cây có nguy cơ gãy đổ.

Đài Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị về những diễn biến mới nhất của cơn bão số 3 Wipha khi đi vào Vịnh Bắc Bộ và đổ bộ lên đất liền trong các bản tin breaking news phát sóng trực tiếp trên truyền hình và các nền tảng số.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời