Bảo mật dữ liệu với doanh nghiệp Việt

Nhiều vụ tấn công mạng gần đây đã gây thiệt hại nặng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc tăng cường bảo mật dữ liệu là cần thiết.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, bảo mật dữ liệu không còn là vấn đề kỹ thuật, mà đã trở thành yếu tố sống còn với doanh nghiệp. Nhiều vụ tấn công mạng trong thời gian qua đã để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Từ những đơn hàng trực tuyến, dữ liệu tài chính cho đến thông tin khách hàng – tất cả đều có thể trở thành mục tiêu bị đánh cắp nếu doanh nghiệp không có giải pháp bảo mật đủ mạnh.

Ông Vương Mạnh Hoàng – Công ty Tập đoàn Trí tuệ số cho biết: "Vấn đề dữ liệu khách hàng bị lạm dụng là vấn đề khó khăn. Khi bị phát tán ra bên ngoài, doanh nghiệp làm các clip giới thiệu, doanh nghiệp chạy quảng cáo, đưa hình ảnh thông tin khách hàng lên, khi đó thông tin đã bị phát tán ra bên ngoài rồi. Vào lúc này, ta giải quyết bằng cách thông báo với khách hàng là sẽ phải phân loại dữ liệu nào nên public ra ngoài, vì với dữ liệu quan trọng hoặc những thông tin không nên để xuất hiện thì tốt nhất cần hạn chế đưa ra bên ngoài".

Không chỉ là những nguy cơ đến từ bên ngoài, thậm chí rủi ro bị lộ lọt thông tin, dữ liệu còn có thể đến ngay từ trong nội bộ công ty. Ông Lại Hoàng Dương – Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết: "Khi cán bộ nhân viên sơ ý, làm thất thoát những quy trình mình chưa có thì gây ra sự thất thoát rất lớn và trả giá cho việc này rất nhiều. Ví dụ như số liệu liên quan đến tài chính, đơn hàng và khách hàng. Chúng tôi có áp dụng một số quy định về dữ liệu phân tán, chúng tôi chia ra 3 đơn vị dữ liệu và đồng bộ với nhau theo thời gian thực. Trong gần 10 năm nay, việc thất thoát dữ liệu giảm, không xảy ra những sự kiện lớn, tuy nhiên những số việc còn hạn chế, chúng tôi chưa kiểm soát được email, tin nhắn có thể làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp".

Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, chỉ riêng trong năm qua đã có hàng nghìn cuộc tấn công mạng, nhằm vào các doanh nghiệp Việt Nam, gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nâng cấp hệ thống an ninh mạng, sử dụng công nghệ AI giám sát bất thường, mã hóa dữ liệu và tổ chức đào tạo nhận thức bảo mật cho nhân viên. Bảo vệ dữ liệu không chỉ để phòng rủi ro, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững trong nền kinh tế số. Doanh nghiệp nào chậm trễ với an ninh mạng, sẽ sớm tụt lại phía sau.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời