50 năm đất nước trọn niềm vui: Khúc tráng ca từ trái tim Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Vào 20h ngày 30/4, Đài Hà Nội sẽ tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui” nhằm tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm thông điệp về tinh thần đoàn kết.

Những câu chuyện của quá khứ luôn để lại những nếp gấp in đậm lên những vận động của ngày hôm nay. Nửa thế kỷ đã qua đi từ cuộc kháng chiến thắng lợi của dân tộc Việt Nam, nhưng những thanh âm về cuộc chiến vẫn vang vọng như vừa mới ngày hôm qua. Thân phận những con người đã đi qua cuộc chiến hòa quyện với nhau trong dòng huyết quản anh hùng cách mạng. Hà Nội - trái tim của cả nước trong cuộc kháng chiến là nơi bắt nguồn của mạch đập ấy. Thời gian qua đi, thành phố đổi thay nhưng những ký ức về một thời đạn bom, một thời hòa bình thì không gì, không điều gì có thể lấy đi được.

Những ngày này, cả nước đang hướng về ngày lễ trọng đại - 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa trong không khí đó, Đài Hà Nội sẽ tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui” nhằm tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm thông điệp về tinh thần đoàn kết. Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đó cũng chính là thông điệp mà Đài Hà Nội gửi tới khán thính giả cả nước nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Tròn nửa thế kỷ trước, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Chính quyền Việt Nam Cộng hoà, đánh dấu khoảnh khắc lịch sử kết thúc hai thập kỷ chia cắt đất nước. Tuy nhiên, chiến thắng ấy không chỉ đơn thuần là kết quả trận đánh cuối cùng khi 5 cánh quân thần tốc đánh vào đô thành Sài Gòn, mà đó còn là cách Hà Nội - từ một công trình quân sự bí mật, nằm dưới những bức tường đá cổ của Hoàng thành Thăng Long đã tham gia vào cuộc chiến dù cách xa mặt trận hơn 1.500 cây số. Nơi đây chứa đựng câu chuyện về Tổng hành dinh và những bức điện mật đã làm nên chiến thắng lịch sử. Chính vì vậy, Ban Tổ chức chương trình đã lựa chọn tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt tại Hoàng Thành Thăng Long.

Đáng chú ý, chương trình cũng sẽ chia sẻ những câu chuyện đằng sau hầm Chỉ huy tác chiến T1. Đây là một công trình đặc biệt kiên cố được xây dựng vào cuối năm 1964 với hai lớp cửa sắt đặc chủng có thể chống được sóng áp lực nguyên tử, tia phóng xạ cũng như hơi độc. Hầm được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối. Nóc nhô lên khỏi mặt đất 1,5m và chia thành ba lớp, giữa được đổ cát dày tới nửa mét. Hầm có thể chống được sức công phá của bom tấn và tên lửa không đối đất, trụ được qua một vụ tấn công nguyên tử, vũ khí hóa học và cả vũ khí vi trùng.

Năm 1972, trong bóng ma của chiến tranh ác liệt, khi Quảng Trị nhuốm màu lửa đạn, câu chuyện về những sinh viên Hà Nội đã xếp bút nghiên lên đường ra trận, khoác ba lô thay cặp sách, cầm súng thay trang vở. “Lá thư viết vội” của Dương Cầm hay “Kỷ niệm tôi” của Phú Quang cùng lời kể của Nhà báo Phùng Huy Thịnh trong chương trình chắc chắn sẽ giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn lý tưởng “sống hoài bão xông pha, chết kiên cường rực rỡ” của những người lính sinh viên Thủ đô.

Cũng trong năm 1972, những thanh âm của cuộc chiến một lần nữa vang vọng trên bầu trời Hà Nội. Trước thất bại không thể cứu vãn, Mỹ chấp nhận dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nhưng sau đó, chúng lật lọng, mở chiến dịch tập kích mang tính huỷ diệt ở miền Bắc, gây sức ép, đòi thay đổi hiệp định. Trong 12 ngày đêm ấy, thời kỳ của những người anh hùng, của hoà bình, thống nhất bắt đầu ló rạng sau những làn khói đạn… Bằng ngôn ngữ nghệ thuật từ "Bài ca Hà Nội" của Vũ Thanh cho đến Hà Nội những đêm không ngủ, quá trình ấy sẽ được tái hiện đầy tự hào, chân thực.

Đặc biệt, chương trình sẽ dành phần tri ân sâu sắc tới một biểu tượng của Hà Nội thời chiến với giọng đọc tiếng Anh giàu cảm xúc của phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ từng lay động trái tim lính Mỹ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được gọi với biệt danh “Hà Nội Hannah”. Chỉ với giọng đọc của mình, “Hà Nội Hannah” đã dễ dàng xâm nhập vào trí óc, vào cảm xúc của những người lính viễn chinh bị chính quyền Mỹ đẩy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo, góp phần tạo nên phong trào phản chiến của họ và nhân dân Mỹ.

Bên cạnh đó, một phóng sự đặc biệt về Trung đoàn “Mũ sắt” mà phần lớn trong số đó là thanh niên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu, được trình chiếu trong chương trình, sẽ đưa khán giả trở lại đỉnh Chư Tan Đra ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi rạng sáng ngày 26/3/1968, hơn 200 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312 đã anh dũng hy sinh trong cuộc đối đầu khốc liệt với lính Mỹ. Những người lính “mũ sắt” còn rất trẻ ấy đã hóa thân vào núi rừng Tây Nguyên, trở thành biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Xuyên suốt thời lượng của chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt: “50 năm đất nước trọn niềm vui”, bằng công nghệ trình diễn 3D mapping hiện đại, sân khấu tại Hoàng Thành Thăng Long sẽ lung linh, đầy ấn tượng, uyển chuyển. Đây là chương trình được Đài Hà Nội đầu tư với quy mô lớn, quy tụ hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên múa, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Tấn Minh, NSƯT Lan Anh, Mỹ Linh, Đào Tố Loan, Trần Tùng Anh, Quách Mai Thy, Kyo York và Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội. Chương trình gồm 16 ca khúc, trong đó có một số bài hát ấn tượng chắc chắn sẽ mang đến cho khán, thính giả cả nước nhiều xúc cảm.

Chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui” sẽ được phát sóng trực tiếp trên tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Đài Hà Nội vào 20h ngày 30/4.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến đang bước vào giai đoạn nước rút trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là bước tiến quan trọng nhằm khẳng định vị thế của Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, mà còn là điểm sáng về văn hóa và sáng tạo của khu vực và thế giới.

Từ Hà Nội, làn sóng phát thanh đã đưa “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lan toả khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng thanh niên cả nước, lớp lớp thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ. Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” như hồi kèn xung trận, giục giã bước chân tuổi trẻ tình nguyện cống hiến, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP. HCM; Kỳ họp thứ 22 HĐND thành phố thông qua nhiều nội dung quan trọng; Sau các cuộc đàm phán giữa hai bên, Tổng thống Ukraine đánh giá dự thảo mới thỏa thuận khoáng sản với Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Một Tổng thống Trump “mạnh dạn hơn, cực đoan hơn, quyết tâm hơn” trong 100 ngày đầu tiên của mình so với năm 2017, đó là những gì cả thế giới đã chứng kiến và phải thừa nhận.

Trong những năm tháng kháng chiến cam go, khắp nơi, thanh niên nô nức lên đường tòng quân, xung phong đi chiến đấu. Ở lại giữ quê hương và xây dựng hậu phương chủ yếu là những người phụ nữ. Cùng một lúc, họ đảm nhận ba nhiệm vụ: vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, vừa nuôi dạy con cái chăm sóc gia đình. Hậu phương mạnh thì tiền tuyến mạnh, họ chính là điểm tựa vững chắc làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Những tia nắng cuối tháng Tư chào đón một ngày mới trên phố Hồ Hoàn Kiếm. Con phố ngắn nhất của Thủ đô Hà Nội mỗi ngày đều ghi dấu biết bao kỷ niệm của một nhóm những người lính nay đã ở lứa tuổi 70-80.