Xao xuyến sắc cờ Hà Nội
Tôi sống ở một quận trung tâm Hà Nội. Hồi còn nhỏ, trong những ngày lễ Tết, tôi thường được xem đoàn diễu binh, diễu hành đi ngang qua khu phố. Ngày ấy, sáng sớm bố mẹ đã gọi lũ nhỏ chúng tôi dậy để theo dõi ti vi. Thấy đoàn người đã xuất phát từ Quảng trường Ba Đình là mọi người trong ngõ ùa ra đường để được nhìn ngắm những đoàn diễu hành.
Những chiếc xe ô tô được trang trí cầu kỳ đại diện cho từng đơn vị, những chú bộ đội bước chân, vung tay nhịp đều tăm tắp hay những cô gái áo dài thướt tha cài hoa trước ngực tay không ngừng vẫy chào khiến những đứa trẻ như tôi lúc đó háo hức xem mải miết. Tôi mong một ngày cũng sẽ học giỏi để được tham gia đoàn diễu hành.
Tết xưa trong ký ức của bố mẹ tôi là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt Tết. Là tiếng nói cười râm ran trong sương mờ se lạnh ngày đông để chọn cho gia đình một cành hoa. Là những điều giản dị của một thời khó khăn về vật chất nhưng vẫn ấm áp tình người.
Tết xưa là việc lo sao có củi gộc để nấu bánh chưng từ mấy tháng trước Tết, rồi nào là lá dong, gạo nếp, đỗ xanh làm sao cho bánh chưng được xanh ngon. Tết xưa của tôi còn là tâm trạng háo hức được diện bộ quần áo mới, lòng rộn ràng chờ đón mâm cỗ tất niên với những món mà ngày thường hiếm khi được ăn, như: gà luộc, giò, nem rán, xôi đỗ xanh, canh măng nóng hổi, miến lòng gà và không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh mướt…
Ký ức xưa là vậy. Giờ cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Hà Nội của tôi cũng đã khác nhiều lắm rồi. Đường phố, ô tô, xe máy đi lại nườm nượp. Những dãy nhà tập thể cũ kỹ đã được thay thế dần bằng các toà nhà cao ngất. Cuộc sống hiện đại, người ta có trăm ngàn cách thức để tổ chức kỷ niệm ngày lịch sử, tôn vinh giá trị cũ, cũng có muôn ngàn cách chào xuân, đón Tết.
Tết nay, những con phố nhỏ giữa lòng Hà Nội khoác lên mình chiếc áo mới, rực rỡ và sôi động hơn bao giờ hết. Đâu đâu cũng nhìn thấy sắc đỏ của cờ hoa, của đèn lồng và những món đồ trang trí truyền thống, đâu đâu cũng nghe thấy không khí xuân ngập tràn khắp nơi. Khoảng thời gian trước Tết là vui nhất, bởi những ngày đó, mọi người đều sửa sang, trang trí nhà cửa để cầu mong điều tốt đẹp trong năm mới. Dù có chút mỏi mệt nhưng ai cũng cảm thấy rất vui.
Đón xuân nay, có những người tỏa đi mọi miền Tổ quốc, còn những người ở lại với Thủ đô thì đi xem "Đêm Hà Nội – Điểm chạm của những cảm xúc", tour "Đêm thiêng liêng" hay các sự kiện nghệ thuật kết hợp với các khu di tích đã góp phần làm sống dậy lịch sử của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Các sự kiện ở Hà Nội những ngày qua không chỉ thu hút du khách mà còn khiến chính người dân tại Hà Nội thích thú, thêm yêu Thủ đô, yêu thêm lịch sử, văn hoá của đất nước. Vẫn là một Hà Nội – Trái tim của cả nước vừa có nét cổ kính trầm mặc qua năm tháng vừa có những sự đổi mới hoà nhịp với dòng chảy thế giới.
Một trong những điều tôi nhớ nhất vào các dịp lễ, Tết ở Hà Nội là màu cờ đỏ từ ngõ nhỏ đến các tuyến phố lớn. Màu cờ rạo rực và thôi thúc tình yêu đất nước.
Nhà tôi trong một khu tập thể cũ. Tết xưa cũng giống Tết nay, khi mà sáng sáng bước ra khỏi ngõ là thấy lá cờ treo trước cửa từng nhà đều tăm tắp. Bước chân ra phố lớn, các dãy nhà năm tầng tập thể phía Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm... nhà nào cũng treo cờ. Các ngõ nhỏ, những dây cờ hoa được giăng mắc đẹp mắt. Đâu đâu cũng ngập tràn không khí đón mừng xuân mới, nhắc nhở lòng người không quên ngày lễ trọng đại của đất nước.
Ý nghĩa của lá cờ với nền màu đỏ tượng trưng cho màu của cách mạng, máu của các anh hùng, ngôi sao vàng tượng trưng cho linh hồn dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia cách mạng sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết kháng chiến và kiến quốc. Ý nghĩa ấy người lớn có thể đã thuộc nằm lòng, thấm đẫm nơi sâu thẳm trái tim, tự nhiên như hơi thở. Còn với con trẻ những lớp kế cận, hình ảnh sắc cờ đỏ thắm tung bay nơi Thủ đô như thủ thỉ tâm tình những câu chuyện về thế hệ đi trước, ý nghĩa của cuộc sống ngày hôm nay, thôi thúc các em tìm hiểu, bồi đắp tình yêu đất nước, tình yêu Hà Nội.
"Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình".
Lời hát ngân nga trên loa phát thanh, lan xa trong gió. Màu cờ đỏ thắm nơi phố phường càng thân thương hơn giữa nhịp đời hối hả… Xuân ngập tràn lòng người, xuân tỏa đi muôn nẻo đường của đất nước.
Ngọc Anh


Thủ tướng chỉ đạo chi trả sớm lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 5; Bộ Y tế yêu cầu rà soát quy trình mua thuốc sau vụ thuốc giả tại Thanh Hóa; Công an thành phố Hà Nội điều tra vụ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì; Nga - Ukraine cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dịp Lễ Phục sinh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui"; Người dân đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; Cả nước đã hỗ trợ xóa hơn 200.000 nhà tạm, nhà dột nát; Nga - Ukraine đổ lỗi lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Vốn đã thất vọng vì sự thay đổi của Khánh Đường, lại thêm việc anh nghe lời ly gián mà không tin tưởng mình, Thiếm Thiếm đã quyết định dứt khoát. Mời các bạn đón xem tập 24 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Có những vết thương mãi không lành, bởi những hiểu lầm và chấp niệm giữa hai mẹ con Tôn Thụ. Mời các bạn đón xem tập 11 của bộ phim "Yêu em, người chữa lành vết thương cho anh", phát sóng lúc 12h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Luôn yêu thương Hơn U như con đẻ, nên Song Min Hô đã không nén được cơn giận khi chủ tịch Kim muốn dùng tiền để trao đổi Hơn U với anh. Mời các bạn đón xem tập 19 của bộ phim "Lời hứa của tình yêu", phát sóng lúc 21h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Nhận trọng trách điều tra kẻ đứng sau vụ án Bác Lãng, nhưng việc chưa thành, Uông Thực suýt nữa đã mất mạng. Mời các bạn đón xem tập 38 của bộ phim "Thần Thám đại tài", phát sóng lúc 20h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
0