Xác định đúng vai trò thực phẩm chức năng
“Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" - là câu nói quen thuộc khi chúng ta xem quảng cáo thực phẩm chức năng.
Thế nhưng, nếu bắt gặp một đơn thuốc có thêm trong đó các sản phẩm thực phẩm chức năng - không phải là thuốc, nhưng có trong đơn thuốc, các bạn có đặt ra những băn khoăn về vai trò của thực phẩm chức năng trong chăm sóc sức khỏe?
Bộ Y tế yêu cầu bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít bác sĩ, thậm chí là nguyên lãnh đạo các bệnh viện đã xuất hiện trong các clip quảng cáo, livestream bán hàng, trực tiếp giới thiệu hoặc “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng. Đặc biệt sau vụ triệt phá đường dây buôn bán sữa giả, nhiều bác sĩ, nguyên bác sĩ được phát hiện tham gia hoạt động quảng bá, dẫn dắt người tiêu dùng tin tưởng vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc và hoang mang.
Câu hỏi đặt ra là: vì sao bác sĩ lại xuất hiện trong các hoạt động quảng cáo? Họ có bị ràng buộc bởi quy định nào không? Và người tiêu dùng nên làm gì khi đứng trước một “đơn thuốc” không chỉ có thuốc, mà còn có... những sản phẩm được gợi ý đi kèm?
Thực phẩm chức năng đúng nghĩa là sản phẩm hỗ trợ, bổ sung, không điều trị bệnh, không thay thế thuốc. Việc thực phẩm chức năng được chỉ định sử dụng kèm với đơn thuốc ở đây không chỉ là lẫn lộn ranh giới giữa sản phẩm hỗ trợ và thuốc chữa bệnh, mà còn là hành vi có dấu hiệu lợi dụng lòng tin để gia tăng chi phí điều trị. Một số đơn thuốc có giá trị thực phẩm chức năng cao gấp đôi, gấp ba so với thuốc điều trị chính. Những cái tên thực phẩm chức năng thường mang nhãn hiệu quen thuộc với nhà thuốc ngay bên cạnh cơ sở khám chữa bệnh. Điều này sẽ đăt ra một câu hỏi cho bệnh nhân liệu đó là tư vấn y khoa hay là tiếp thị sản phẩm được gắn mác y khoa? Tuy nhiên với tâm lý của người bệnh nên mọi người cũng dễ dàng chấp nhận cho qua mà không có nhiều phản ứng lại với đơn thuốc.
Với sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị, nhiều người đặt câu hỏi: vì sao bác sĩ lại lựa chọn chỉ định thêm những sản phẩm này? Có những yếu tố nào đang chi phối quyết định đó?
Vai trò của bác sĩ lẽ ra là độc lập, khách quan nhưng khi thực phẩm chức năng xuất hiện quá thường xuyên trong đơn thuốc, dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về mối quan hệ “mềm” giữa bác sĩ và doanh nghiệp. Việc kê thực phẩm chức năng kèm với đơn thuốc có thể xảy ra các tình huống như:
Bác sĩ bị ép buộc bởi đơn vị chủ quản phòng khám, đặc biệt trong mô hình xã hội hóa hoặc tư nhân, nơi việc “chỉ định thêm” sản phẩm mang lại doanh thu cho đơn vị.
Cũng có thể là bác sĩ chủ động bắt tay với doanh nghiệp, nhận chiết khấu hoặc hưởng hoa hồng nếu thực phẩm chức năng được bán ra từ “phiếu chỉ định” do mình phát.
Hoặc mối quan hệ thứ ba có thể xuất phát từ những buổi “đào tạo sản phẩm” trá hình, hay “hội thảo khoa học” của các hãng thực phẩm chức năng, đã trở thành công cụ để doanh nghiệp thâm nhập vào đội ngũ kê đơn.
Với 3 lý do trên cho thấy, một bộ phận bác sĩ đang bị biến thành nhân viên bán hàng, hoặc vì bị ép, hoặc vì lợi ích kinh tế ngầm, điều vô hình làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào y đức.
Đương nhiên là những hành vi lồng ghép thực phẩm chức năng vào đơn thuốc để trục lợi không chỉ là vấn đề cá nhân bác sĩ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người bệnh, đặc biệt là:
Người cao tuổi, người nghèo, bệnh nhân mạn tính, là những người dễ bị dụ dỗ và khó phản biện lại lời khuyên của bác sĩ.
Chi phí điều trị bị đội lên bất hợp lý, có thể từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cho những sản phẩm không cần thiết.
Niềm tin vào hệ thống y tế bị bào mòn, khi bác sĩ không còn là người bảo vệ sức khỏe, mà trở thành “người bán hàng mặc áo blouse”.
Ở cấp độ xã hội, điều này còn dẫn đến sự méo mó trong hệ thống kê đơn bán thuốc - tư vấn điều trị, gây khó khăn cho quản lý ngành y, đồng thời tạo mảnh đất màu mỡ cho hàng loạt thực phẩm chức năng "rác" tiếp cận bệnh nhân qua con đường “chính thống”.
Thực phẩm chức năng có thể là sản phẩm hỗ trợ tốt, tuy nhiên bác sĩ cần có lời giải thích rõ ràng công dụng, tác dụng của thực phẩm chức năng để người bệnh có thể lựa chọn hay không, nhưng không thể kê thực phẩm chức năng thay thế thuốc và càng không thể “ngụy trang” trong đơn thuốc như một phần bắt buộc.
Khi người bệnh bị ép buộc biến thành khách hàng thì không chỉ đạo đức nghề y bị tổn hại mà nền y tế cũng đánh mất đi sự công minh vốn có. Đã đến lúc cần quy định rõ ràng về vai trò của thực phẩm chức năng trong khám chữa bệnh, siết chặt quy trình kê đơn và đặc biệt là minh bạch hóa mối quan hệ giữa y bác sĩ và doanh nghiệp - nếu chúng ta không muốn sức khỏe cộng đồng trở thành cái cớ cho những cuộc chơi lợi nhuận.


Cục An toàn Thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả đang xuất hiện trên thị trường.
Đã có 11/42 bệnh viện công lập của Hà Nội đã triển khai bệnh án điện tử, áp dụng đón tiếp khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip, tích hợp VNeID thay thế thẻ BHYT truyền thống.
Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện là cơ hội để các đơn vị tự nhìn nhận, phát huy năng lực, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng sự hài lòng của người dân đối với hệ thống y tế Thủ đô.
Không phải thuốc nhưng lại thường xuyên được tư vấn mua; không có tác dụng điều trị nhưng lại chiếm phần lớn chi phí của người bệnh - thực phẩm chức năng đang âm thầm trở thành gánh nặng không nhỏ cho những người bệnh, đặc biệt là người nghèo.
Thực phẩm chức năng có thể là sản phẩm hỗ trợ tốt, tuy nhiên bác sĩ cần có lời giải thích rõ ràng công dụng, tác dụng của thực phẩm chức năng để người bệnh có thể lựa chọn hay không.
Có bốn loại thuốc được làm giả theo danh mục mà Bộ Y tế đã cấp phép, điều này thực sự nguy hiểm với người sử dụng nếu như không được phát hiện kịp thời.
0