Xã Quảng Oai: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Quảng Oai được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tiên Phong, Đông Quang, Cam Thượng (huyện Ba Vì); phần lớn diện tích và dân số của thị trấn Tây Đằng và các xã: Thụy An, Chu Minh (huyện Ba Vì).
Lý do lấy tên xã mới là Quảng Oai là bởi Quảng Oai là một địa danh tại tỉnh Sơn Tây trước đây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Đây từng là tên gọi của một phủ, sau là tên một huyện. Hiện nay, Quảng Oai là tên gọi của một số địa điểm tại thị trấn Tây Đằng. Vì vậy, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Quảng Oai vừa đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương vừa mang truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng.
.png)
Vị trí địa lý xã Quảng Oai
Xã Quảng Oai giáp các phường: Sơn Tây, Tùng Thiện và các xã: Minh Châu, Vật Lại, Bất Bại, Suối Hai của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Diện tích, dân số xã Quảng Oai
Xã Quảng Oai có diện tích tự nhiên là 49,26 km2; quy mô dân số là 59.001 người.
- Xã Cam Thượng (Huyện Ba Vì): Diện tích: 8,14km2; Quy mô dân số: 7.651 người
- Xã Chu Minh (Huyện Ba Vì): Diện tích: 3,81km2; Quy mô dân số: 8.856 người; Điều chỉnh từ xã Chu Minh (5,08 km2; 8.856 người).
- Xã Đông Quang (Huyện Ba Vì): Diện tích: 3,88km2; Quy mô dân số: 5.769 người
- Thị trấn Tây Đằng (Huyện Ba Vì): Diện tích: 8,51km2; Quy mô dân số: 17.981 người
- Xã Thụy An (Huyện Ba Vì): Diện tích: 16,17km2; Quy mô dân số: 9.748 người
- Xã Tiên Phong (Huyện Ba Vì): Diện tích: 8,75km2; Quy mô dân số: 8.996 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Quảng Oai
Xã Quảng Oai là trung tâm động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Ba Vì và vùng ngoại thành Hà Nội. Quảng Oai nằm ở khu vực có địa thế tương đối bằng phẳng, là cửa ngõ kết nối giữa khu vực nội đô Hà Nội với các xã miền núi của khu vực Ba Vì và các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc. Đây là địa bàn tiếp giáp với các trục giao thông như quốc lộ 32 và tỉnh lộ 414, dễ dàng kết nối với Sơn Tây, trung tâm Hà Nội và các tuyến đường đi Phú Thọ.
Giao thông thuận lợi thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, là nền tảng cho việc hình thành các cụm dân cư đô thị hóa, khu công nghiệp, logistics và các dịch vụ xã hội chất lượng cao.
Quảng Oai có lợi thế về quỹ đất, có lực lượng lao động dồi dào, có tiềm năng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Đây cũng là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa phong phú, có thể kết nối với các khu du lịch sinh thái, không gian văn hóa tâm linh trong vùng Ba Vì để phát triển du lịch trải nghiệm và phát triển kinh tế xanh.
Đặc điểm kinh tế xã Quảng Oai
Với đặc điểm kinh tế nổi bật, tính chất đa dạng và chuyển biến mạnh theo hướng đô thị hóa, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, so với mặt bằng kinh tế chung của Ba Vì - vốn gắn liền với nông, lâm nghiệp truyền thống và phát triển du lịch sinh thái, Quảng Oai đang từng bước trở thành vùng kinh tế năng động, đóng vai trò là cực tăng trưởng mới của phía Tây Hà Nội.
Quảng Oai phát triển theo hướng tổng hợp, trong đó nổi bật là thương mại - dịch vụ với trung tâm là khu vực thị trấn Tây Đằng trước đây. Hệ thống chợ, cửa hàng, dịch vụ tiêu dùng, y tế, giáo dục và vận tải phát triển tương đối đồng bộ, phục vụ không chỉ cư dân trong xã mà còn cả khu vực lân cận. Đồng thời, các khu vực như Cam Thượng, Thụy An và Tiên Phong đang thúc đẩy mạnh mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng trọt - chăn nuôi theo hướng sạch, liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ của Hà Nội.
Gần các tuyến giao thông như quốc lộ 32, tỉnh lộ 414, cùng với quỹ đất rộng và hạ tầng cơ bản đang được nâng cấp, Quảng Oai có tiềm năng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, logistics, cụm công nghiệp sạch và các dự án đô thị sinh thái. Tỷ lệ lao động chuyển dịch sang khu vực phi nông nghiệp ngày càng tăng, cho thấy xu hướng chuyển mình mạnh mẽ từ một xã thuần nông sang mô hình kinh tế hỗn hợp hiện đại, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven đô Hà Nội.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Quảng Oai
Về đặc điểm văn hóa, Quảng Oai là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, trong đó nổi bật có di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tây Đằng[ Nghị quyết số 24/NQ- HĐND ngày 29/4/2025 (Phụ lục 1-b- Di sản văn hóa vật thể). ]- di tích Quốc gia đặc biệt.
Đình Chu Quyến, đền Chu Quyến, chùa Chu Quyến, đình Vĩnh Phệ, chùa Vĩnh Phệ, đình Quang Húc, đình Đông Viên, miếu Đông Viên, chùa Phúc Lâm[ Nghị quyết số 24/NQ- HĐND ngày 29/4/2025 (Phụ lục 1-c- Di sản văn hóa vật thể). ] là các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Các lễ hội truyền thống như lễ hội đình Chu Minh, lễ hội làng Cam Thượng… vẫn được duy trì hàng năm, góp phần giữ gìn nếp sống văn hóa cộng đồng, gắn kết người dân trong không gian văn hóa dân gian đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ. Sự đa dạng trong phong tục, tập quán và nét văn hóa nông thôn - thị tứ giao thoa tạo nên một nền văn hóa đặc sắc, vừa có chiều sâu lịch sử vừa có khả năng thích ứng với đô thị hóa.
Về mặt xã hội, dân cư Quảng Oai tương đối đông, phân bố đều và có trình độ dân trí ngày càng được nâng cao nhờ hệ thống trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao được đầu tư ngày càng hoàn thiện.
Về cơ sở y tế, Quảng Oai là một trong những địa phương có hệ thống y tế phát triển. Trên địa bàn xã có nhiều trạm y tế đóng vai trò là tuyến y tế ban đầu, thường xuyên triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh thông thường, tiêm chủng mở rộng, tư vấn sức khỏe sinh sản và phòng chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng của người dân. Đội ngũ y bác sĩ tại trạm y tế được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề, góp phần quan trọng vào việc duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Xã Quảng Oai còn có cơ sở y tế khác như phòng khám đa khoa Quảng Tây.
Về giáo dục, Quảng Oai hiện là một trong những địa phương có hệ thống giáo dục phát triển. Quảng Oai hội tụ nhiều cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Trường THPT Quảng Oai thành lập từ năm 1961, là điểm sáng trong hệ thống giáo dục của xã. Trường có cơ sở vật chất hiện đại, được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy, các phòng thực hành, thí nghiệm, phòng tin học, thư viện và khu thể thao đa năng. Trường thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh đại học.
Ngoài ra, xã Quảng Oai còn có các trường tiểu học và trung học cơ sở như Trường Tiểu học Cam Thượng, Trường Tiểu học Chu Minh, Trường THCS Đồng Quang, Trường THCS Tiên Phong, Trường Tiểu học và THCS Tây Đằng. Những trường học này được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần tạo nên hệ thống giáo dục đồng bộ và hiệu quả trong toàn xã.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Quảng Oai: Số 252 đường Quảng Oai, xã Quảng Oai
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Oai: đồng chí Phùng Tân Nhị
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quảng Oai: đồng chí Nguyễn Thị Nam
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Oai: đồng chí Ngô Thị Kim Quế.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây