Xá lợi Phật - biểu tượng linh thiêng của Phật giáo
Hành trình xá lợi Phật và sự lan tỏa của tinh thần Vesak tại Việt Nam
Xá lợi Phật không chỉ là hiện vật lịch sử mang niềm tin tâm linh sâu sắc, xá lợi còn là cầu nối tinh thần giữa con người và những giá trị từ bi, giác ngộ của nhà Phật. Việc xá lợi Phật được cung nghinh từ Ấn Độ về Việt Nam lần này, trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, là một sự kiện trọng đại, thu hút hàng vạn Phật tử và người dân từ mọi miền đất nước.

Tại chùa Thanh Tâm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), nơi tôn trí xá lợi trong những ngày đầu tháng 5, không khí trang nghiêm bao trùm cả không gian. Dòng người xếp hàng trật tự, tay chắp trước ngực, mắt hướng lên bảo tháp như gửi gắm bao niềm tin, hy vọng và lời cầu nguyện.
Phật tử Hữu Hoa đến từ tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Phật tử đến đây để chiêm bái, tỏ lòng tôn kính trước xá lợi Phật từ hơn 2.600 năm. Đây là xá lợi được chuyển từ Ấn Độ sang nên mang ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, Phật tử từ khắp mọi nơi đổ về đây để chiêm bái”.
Trong dòng người đó, có những người đã lớn tuổi, có người phải đi hàng trăm cây số, và có cả những người chưa từng có cơ hội đến Ấn Độ - nơi Đức Phật thành đạo, nhưng nay có thể tận mắt chiêm ngưỡng xá lợi ngay trên đất Việt.
Chị Trinh Đặng, một Phật tử tại TP.HCM, xúc động chia sẻ: “Hôm nay đứng tại đây, không chỉ là hạnh phúc mà mình không biết khi nào mới có thêm một đại lễ lớn như vậy đến Việt Nam. Mình rất vinh hạnh vì được chiêm bái, không biết sau này có thể đi nước ngoài để chiêm bái nữa hay không”.
Xá lợi Phật – báu vật thiêng liêng từ thời Đức Phật nhập Niết bàn
Xá lợi là phần di thể còn lại sau khi thiêu Đức Phật Cồ-đàm, Thích Ca Mâu Ni, vào khoảng năm 483 TCN. Theo Kinh Đại Bát Niết Bàn, thân thể của Đức Phật sau khi hỏa táng không tỏa ra khói và để lại xá lợi xương với nhiều kích thước khác nhau. Đặc biệt, bảy phần cơ thể gồm xương trán, bốn răng hàm và hai xương sườn không bị biến thành tro, biểu trưng cho sự siêu việt và giác ngộ tối thượng của Ngài.

Lúc bấy giờ, tám vương quốc cổ đại đã tranh nhau thỉnh xá lợi để xây dựng các bảo tháp phụng thờ, từ đó hình thành nên hệ thống sarirastupa (bảo tháp thờ xá lợi) trải dài khắp tiểu lục địa Ấn Độ.
Tới thời vua A Dục (Asoka), vị Phật tử hộ pháp vĩ đại nhất lịch sử, xá lợi được khai mở lại, chia thành hàng vạn phần để xây dựng hơn 84.000 bảo tháp khắp đế chế rộng lớn. Một số xá lợi sau này được tìm thấy và phục dựng trong thời kỳ thuộc địa Anh, như tại Nagarjunakonda, Bhattiprolu, hoặc hiện đang thờ tại Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra, nơi đang lưu giữ xá lợi thân thể Đức Phật được cung thỉnh đến Việt Nam năm nay.
Chiêm bái xá lợi – hành trình tâm linh kết nối từ quá khứ đến hiện tại
Việc chiêm bái xá lợi Đức Phật không đơn thuần là một nghi thức tôn giáo, mà là cơ hội hiếm có để tăng ni, Phật tử, và cả những người dân bình thường tìm thấy sự an lạc nội tâm, nuôi dưỡng niềm tin và phát khởi tâm từ bi. Những ngày qua, tại chùa Thanh Tâm, hàng ngàn người đã kiên nhẫn xếp hàng suốt nhiều giờ chỉ để được cúi đầu đảnh lễ trước chiếc tráp bạc chứa xá lợi linh thiêng.

Thượng tọa Thích Minh Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: “Chúng tôi sẽ về địa phương để lan tỏa giá trị tâm linh của xá lợi phật, cũng như tinh thần Vesak, đặc biệt là trong các lễ hội rằm sắp tới. Những chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Liên hợp quốc về Vesak sẽ được chúng tôi tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được ý nghĩa rất cao quý của dịp này”.
Sau khi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), đến trưa 8/5, xá lợi Đức Phật sẽ tiếp tục hành trình đến núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam). Đây là những điểm dừng chân quan trọng, nơi người dân cả nước có thể chiêm bái và cảm nhận tinh thần Vesak – hòa bình, hiểu biết và đoàn kết.
Đại lễ Vesak 2025 là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức sau các kỳ 2008, 2014 và 2019. Điều này khẳng định vai trò ngày càng lớn của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và phản ánh lòng mộ đạo sâu sắc của người dân Việt.
Hành trình tôn trí xá lợi lần này không chỉ lan tỏa giá trị từ bi, giác ngộ, mà còn thể hiện vai trò kết nối Phật giáo toàn cầu của Việt Nam. Với thông điệp “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Vesak 2025 tiếp tục là dịp để Việt Nam đóng góp tiếng nói tích cực vào các vấn đề nhân loại.
Xá lợi Đức Phật không chỉ là di vật linh thiêng, mà còn là biểu tượng sống động của hơn 25 thế kỷ tinh thần giác ngộ và từ bi. Việc cung thỉnh xá lợi về Việt Nam là một vinh dự lớn, đồng thời là cơ hội tâm linh hiếm có cho hàng triệu Phật tử và người dân cả nước.


Bộ Xây dựng được giao trình Chính phủ bổ sung cơ chế về chỉ định thầu cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5.
Sở Xây dựng dự kiến bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng, nâng tổng số điểm dừng lên khoảng 6.500 điểm, tăng 65 - 70% so với hiện nay.
Sau vụ va chạm giao thông đêm 5/5 trên cầu Thanh Trì, hai người đi xe máy đã tử vong tại chỗ. Hiện cơ quan công an đang làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn đáng tiếc.
UBND huyện Quốc Oai và UBND huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) vừa công bố quyết định tạm dừng điều hành của 5 chủ tịch UBND xã để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Qua nghiên cứu sơ bộ hồ sơ liên quan vụ tai nạn khiến nữ sinh 14 tuổi tử vong, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thấy, có các thiếu sót, chưa chặt chẽ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc của một số cơ quan tiến hành tố tụng huyện Trà Ôn và tỉnh Vĩnh Long.
Quận Tây Hồ đang tăng tốc giải phóng mặt bằng để kịp khởi công dự án cầu Tứ Liên vào dịp 19/5.
0