Xã Kim Anh: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Kim Anh được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Minh Trí, Minh Phú, Tân Dân (huyện Sóc Sơn).

Lý do lấy tên phường mới là Kim Anh là bởi Kim Anh trong lịch sử là một huyện thuộc tỉnh Phúc Yên, là cái tên thân thuộc với người dân. Theo đó, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Kim Anh có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Kim Anh

Xã Kim Anh giáp các xã Trung Giã, Nội Bài của thành phố Hà Nội và giáp tỉnh Phú Thọ.

Xã Kim Anh có diện tích tự nhiên là 52,80 km2; quy mô dân số là 48.564 người; trong đó:

  • Xã Minh Trí (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 23,58 km²; quy mô dân số: 16.535 người
  • Xã Minh Phú (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 18,92 km²; quy mô dân số: 15.066 người
  • Xã Tân Dân (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 10,30 km²; quy mô dân số: 16.963 người
Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Kim Anh

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Kim Anh

Xã Kim Anh là cửa ngõ kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc. Xã nằm gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - trung tâm giao thông hàng không quan trọng bậc nhất khu vực phía Bắc.

Tận dụng vị trí và hạ tầng giao thông thuận tiện, Kim Anh có thế mạnh trong phát triển vận tải và logistics. Xã dễ dàng kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành dịch vụ hỗ trợ sân bay, thương mại, du lịch và công nghiệp. Đồng thời, Kim Anh cũng có tiềm năng lớn trong việc hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị mới.

Đặc điểm kinh tế xã Kim Anh

Xã Kim Anh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái và các ngành nghề nông thôn. Ngành nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo, với hoạt động sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số địa bàn như Minh Phú, Tân Dân đang từng bước chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Kinh tế vườn, trang trại và mô hình V-A-C đang ngày càng phổ biến, đóng góp vào thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch cơ cấu nông thôn. 

Ngành lâm nghiệp phát triển mạnh nhờ xã sở hữu diện tích rừng tự nhiên và rừng phòng hộ lớn. Người dân tham gia bảo vệ và khai thác rừng hợp lý, đồng thời phát triển trồng rừng sản xuất, dược liệu, cây lấy gỗ và cây cảnh. 

Thương mại và dịch vụ thu hút nguồn lực đầu tư nhờ vị trí giao thương thuận lợi, với nhiều chợ và điểm kinh doanh góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Ngành dịch vụ đang phát triển chủ yếu ở các lĩnh vực vận tải nhỏ, thương mại cá thể, dịch vụ nông thôn và đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần. Với lợi thế cảnh quan rừng núi, khí hậu trong lành tại khu du lịch sinh thái hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn và gần đền Sóc, Kim Anh có nhiều loại hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng sinh thái, trải nghiệm. 

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: chủ yếu là các ngành chế biến thực phẩm, may mặc và cơ khí nhỏ. 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Kim Anh

Xã Kim Anh có nhiều di tích lịch sử, đình làng, đền chùa cổ kính - những công trình gắn liền với chiều sâu lịch sử và đời sống tinh thần của người dân: chùa Thanh An, Linh Sơn Thiền Tự, đình Minh Phú, đình Tân Dân, chùa Minh Trí... Các lễ hội dân gian như lễ hội đình làng, rước kiệu, múa lân… Các hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, giao lưu các câu lạc bộ được tổ chức vào các dịp lễ, Tết đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Xã có Khu di tích cách mạng Minh Trí, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Sóc Sơn năm 1942 - được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Về giáo dục: hệ thống trường học trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp, hướng đến đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh địa phương. Các trường trên địa bàn đạt mục tiêu phổ cập, học sinh được tiếp cận nhiều hoạt động ngoại khóa. Các trường trên địa bàn có thể kể đến: Trường Mầm non Minh Trí A, Trường Mầm non Minh Trí B, Trường Mầm non Minh Phú, Trường Mầm non Tân Dân; Trường Tiểu học Minh Trí, Trường Tiểu học Minh Phú, Trường Tiểu học Tân Dân; Trường THCS Minh Trí, Trường THCS Minh Phú, Trường THCS Tân Dân; Trường THPT Minh Phú,…

Về y tế: các trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

  • Trụ sở Đảng ủy xã Kim Anh: Thôn Thanh Sơn, xã Kim Anh
  • Trụ sở UBND xã Kim Anh: Thôn Thắng Trí, xã Kim Anh
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kim Anh: đồng chí Đỗ Xuân Huân
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kim Anh: đồng chí Đỗ Minh Tuấn
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Anh: đồng chí Đồng Đức Hạnh.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời