Xã Trung Giã: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Trung Giã được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Trung Giã (huyện Sóc Sơn).

Việc lấy tên xã Trung Giã trên cơ sở áp dụng nguyên tắc khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ... nên việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Trung Giã là phù hợp.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Trung Giã.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Trung Giã

Xã Trung Giã giáp các xã: Sóc Sơn, Kim Anh, Đa Phúc, Nội Bài của thành phố Hà Nội; giáp tỉnh Phú Thọ và tỉnh Thái Nguyên.

Xã Trung Giã có diện tích tự nhiên là 77,52 km²; quy mô dân số là 61.315 người; trong đó:

  • Xã Bắc Sơn (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 30,05 km²; quy mô dân số: 19.913 người
  • Xã Hồng Kỳ (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 14,38 km²; quy mô dân số: 14.130 người
  • Xã Nam Sơn (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 24,42 km²; quy mô dân số: 10.868 người
  • Xã Trung Giã (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 8,67 km²; quy mô dân số: 16.404 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Trung Giã

Xã Trung Giã nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, có đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 3 đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, kết nối liên vùng và phát triển dịch vụ logistics. Đây cũng là khu vực tiếp giáp tỉnh Thái Nguyên, có vai trò là điểm kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Trung Giã là khu vực giữ vai trò quan trọng trong củng cố thế trận quốc phòng và an ninh vùng trọng điểm, đảm bảo ổn định cho khu vực cửa ngõ Thủ đô. 

Đặc điểm kinh tế xã Trung Giã

Kinh tế xã Trung Giã chủ yếu phát triển theo hướng nông - lâm nghiệp kết hợp với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp và rừng tương đối lớn, thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế trang trại, kinh tế rừng.

Ngành nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, với các cây trồng chính là lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức hộ gia đình. Một số vùng chuyển đổi sang mô hình kinh tế V-A-C, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi bán công nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ngành lâm nghiệp phát triển mạnh tại các xã có diện tích đồi núi như Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn. Người dân tham gia trồng rừng sản xuất, cây lấy gỗ, cây lâm nghiệp ngắn ngày và kết hợp bảo vệ rừng tự nhiên, tạo nguồn sinh kế ổn định. 

Ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có mặt ở một số khu vực, chủ yếu là các cơ sở nhỏ như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, mộc dân dụng, chế biến nông sản, dịch vụ thương mại, vận tải, xây dựng. 

Với lợi thế có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi bật như rừng Sóc, núi Sóc, hồ Hàm Lợn… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh, làng nghề, trải nghiệm văn hóa dân gian truyền thống. Nhờ đó, xã Trung Giã có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa - lịch sử kết hợp sinh thái - trải nghiệm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc địa phương.

Các hoạt động buôn bán nhỏ, chợ dân sinh và dịch vụ phục vụ sản xuất - đời sống đang ngày càng phát triển. 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Trung Giã

Trên địa bàn xã có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc tôn giáo có giá trị, phản ánh rõ nét truyền thống lâu đời của cư dân địa phương, tiêu biểu là Đình Trung Giã, một công trình gắn liền với quá trình dựng làng, lập ấp, nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nghi lễ dân gian quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa làng xã truyền thống; nhiều ngôi chùa (Đình Thông, Bắc Hiên, Xuân Nội, Phú Lâu, Phú Điền, Tân Phúc, Cà Phê, Tân Yên, Kim Sơn, Ninh Liệt, Gò Sỏi, Hương Ninh), đây là các công trình văn hóa hầu hết được xây dựng từ cách đây hàng trăm năm dưới các triều đại phong kiến.

Về y tế, trên địa bàn xã có trạm y tế Trung Giã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đảm bảo thực hiện các chương trình y tế cộng đồng và khám chữa bệnh cơ bản. Ngoài ra, cư dân có thể tiếp cận các cơ sở y tế lớn hơn tại trung tâm Sóc Sơn hoặc các bệnh viện tại nội thành để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu.

Về giáo dục, hệ thống giáo dục tại xã Trung Giã bao gồm các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đảm bảo cung cấp nền tảng giáo dục cơ bản cho học sinh trong khu vực. Ngoài ra, Trường THPT Trung Giã là một trong những trường THPT trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của xã.

● Trụ sở Đảng ủy xã Trung Giã: Thôn Liên Xuân, xã Trung Giã

● Trụ sở UBND xã Trung Giã: Thôn 4 - Hồng Kỳ, xã Trung Giã

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Giã: đồng chí Lê Hữu Mạnh.

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Trung Giã: đồng chí Nguyễn Bá Hoàng

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời