Xã Sóc Sơn: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Sóc Sơn được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Sóc Sơn và các xã: Phù Linh, Tân Minh, Tiên Dược, Đông Xuân, Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Mai đình (huyện Sóc Sơn); một phần diện tích tự nhiên của xã Quang Tiến, Phú Minh (huyện Sóc Sơn).
Lý do lấy tên xã mới là Sóc Sơn vì trong lịch sử phong kiến, vùng đất Sóc Sơn ngày xưa là khu vực nằm giữa hai cố đô Phong Châu và Cổ Loa thuộc cương vực Hà Nội thời tiền Thăng Long, nổi tiếng bởi sự tích Thánh Gióng về trời tại núi Sóc. Sau thời kỳ Bắc thuộc đến thời kỳ các triều đại phong kiến tự chủ Việt Nam, khu vực này một phần thuộc trấn, phủ Thái Nguyên. Đến thời Pháp thuộc, vùng đất này lại thuộc tỉnh Phù Lỗ, bao gồm cả Vĩnh Phúc ngày nay. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Sóc Sơn theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) là phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Sóc Sơn.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Sóc Sơn
Xã Sóc Sơn giáp các xã: Trung Giã, Phúc Thịnh, Thư Lâm, Đa Phúc, Nội Bài của thành phố Hà Nội.
Xã Sóc Sơn có diện tích tự nhiên là 68,24 km2; quy mô dân số là 117.876 người; trong đó:
- Thị trấn Sóc Sơn (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 1,08 km²; quy mô dân số: 6.355 người
- Xã Phù Linh (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 13,93 km²; quy mô dân số: 13.032 người
- Xã Tân Minh (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 12,49 km²; quy mô dân số: 19.019 người
- Xã Quang Tiến (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 0,42 km²; quy mô dân số: 0 người
- Xã Tiên Dược (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 13,07 km²; quy mô dân số: 19.983 người
- Xã Mai đình (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 13,71 km²; quy mô dân số: 23.924 người
- Xã Đông Xuân (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 7,14 km²; quy mô dân số: 15.716 người
- Xã Phú Minh (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 0,15 km²; quy mô dân số: 0 người
- Xã Phù Lỗ (Huyện Sóc Sơn): Diện tích: 6,25 km²; quy mô dân số: 19.847 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Sóc Sơn
Xã Sóc Sơn nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 18, đường Võ Nguyên Giáp và đặc biệt gần Sân bay quốc tế Nội Bài. Vị trí chiến lược này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương, vận tải, du lịch và các hoạt động kinh tế - đô thị hiện đại. Sóc Sơn giữ vai trò là cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, đồng thời là đầu mối trung chuyển, kết nối Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Sóc Sơn có quỹ đất rộng, điều kiện tự nhiên đa dạng, cảnh quan sinh thái phong phú, nguồn lao động dồi dào cùng nền tảng văn hóa - lịch sử đặc sắc. Đây là những yếu tố tạo tiềm lực vững chắc để Sóc Sơn phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Xã Sóc Sơn hiện có 6.072 đảng viên, 136 chi Đảng bộ trực thuộc. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm toàn diện, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Đặc điểm kinh tế xã Sóc Sơn
Xã Sóc Sơn có vị trí chiến lược với hạ tầng giao thông phát triển, lợi thế gần sân bay quốc tế, là trung tâm kinh tế - hành chính quan trọng giúp xã phát triển mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ logistics, kho bãi và vận tải, tạo ra nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương. Hiện nay, xã Sóc Sơn đang dần đô thị hóa với sự hình thành các khu đô thị mới, khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhỏ.
Thương mại - dịch vụ rất phát triển, tập trung các hoạt động xuất nhập khẩu, trung chuyển và phân phối hàng hóa gắn với các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và sân bay quốc tế Nội Bài. Du lịch phát triển với đa dạng sản phẩm như: du lịch văn hóa, tâm linh, thể thao, trải nghiệm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe … Trong đó, nổi bật như đền Sóc - núi Sóc, nơi thờ Thánh Gióng, là di tích quốc gia đặc biệt. Khu vực hồ Hàm Lợn, Đông Xuân… phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, trải nghiệm nông thôn và nghỉ dưỡng. Du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái được xác định là một hướng phát triển bền vững trong chiến lược kinh tế của địa phương.
Trên địa bàn có Khu công nghiệp Nội Bài quy mô 115ha, ngành nghề chủ yếu tập trung các ngành công nghiệp công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương và giải quyết việc làm. Khu vực Phù Lỗ, Mai Đình, Phù Linh có các xưởng sản xuất, cơ sở công nghiệp phụ trợ, dịch vụ vận tải hàng hóa, sửa chữa cơ khí, và nhà máy chế biến thực phẩm.
Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất nông sản sạch, các mô hình nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp kinh tế hộ, hợp tác xã đang ngày càng phổ biến. Xã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao như đu đủ Nam Sơn. Một số khu vực như Đông Xuân, Tân Minh, Phù Linh, Tiên Dược vẫn duy trì các vùng canh tác nông nghiệp, chủ yếu là lúa, cây màu, rau an toàn, hoa và cây ăn quả. Tuy nhiên, diện tích nông nghiệp có xu hướng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Sóc Sơn
Sóc Sơn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, các di tích lịch sử và hệ thống tín ngưỡng dân gian phong phú. Trên địa bàn có nhiều di tích, di sản tiêu biểu như đền Sóc - nơi thờ Thánh Gióng, vị anh hùng truyền thuyết có công đánh giặc Ân, gắn với thời kỳ vua Hùng thứ VI; chùa Non (Sóc Thiên Vương Thiền Tự) - danh lam cổ kính gắn liền với văn hóa Phật giáo vùng Kinh Bắc; lễ hội Thánh Gióng - diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm - đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội cùng các trò chơi dân gian như vật truyền thống, cờ tướng, đá gà… góp phần duy trì và phát huy giá trị văn hóa bản địa.
Hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ với hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân.
Về giáo dục, trên địa bàn có 03 trường THPT (Lam Hồng, Lạc Long Quân, Sóc Sơn); nhiều trường 06 trường THCS (Phù Linh, Tân Minh A, Tân Minh B, thị trấn Sóc Sơn, Tiên Dược, Mai Đình); cùng hệ thống trường tiểu học phủ khắp các địa phương như Phù Linh, Tân Minh, Quang Tiến, Tiên Dược, Mai Đình, Phú Minh, Đông Xuân, Phù Lỗ…
Về y tế: Trên địa bàn có Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn và hệ thống trung tâm y tế được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong và ngoài khu vực.
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây