Phường Cầu Giấy: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Cầu Giấy được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Quan Hoa, Yên Hòa (quận Cầu Giấy); Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).

Lý do lấy tên phường Cầu Giấy bởi tại quận Cầu Giấy trước đây có một làng chuyên sản xuất giấy nên gọi là làng Giấy; có cầu mang tên cầu Giấy, làm theo kiểu thượng gia hạ kiều, trên cầu họp chợ bán chủ yếu các loại giấy nên gọi là cầu hàng Giấy hay cầu Giấy. Vì vậy, lấy tên đơn vị hành chính mới là Cầu Giấy bảo đảm yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa; đồng thời phù hợp với nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Cầu Giấy.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Cầu Giấy

Phường Cầu Giấy giáp các phường: Láng, Từ Liêm, Phú Diễn, Yên Hòa, Nghĩa Đô, Giảng Võ của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 3,74 km²; quy mô dân số là 74.516 người.

  • Phường Yên Hoà (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 0,65 km²; Quy mô dân số: 13.788 người
  • Phường Quan Hoa (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 0,16 km²; Quy mô dân số: 6.043 người
  • Phường Dịch Vọng Hậu (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 1,39 km²; Quy mô dân số: 28.983 người
  • Phường Dịch Vọng (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 1,03 km²; Quy mô dân số: 19.377 người
  • Phường Mỹ Đình 1 (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 0,21 km²; Quy mô dân số: 1.952 người
  • Phường Mỹ Đình 2 (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 0,30 km²; Quy mô dân số: 4.373 người

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Cầu Giấy

Phường Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện và trung tâm thương mại quan trọng. Phường có vị trí trung tâm và kết nối giao thông thuận lợi, gần các trục giao thông quan trọng như đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, Dương Đình Nghệ, kết nối với khu vực nội thành, là điểm giao thoa giữa các khu dân cư truyền thống và các khu đô thị mới.

Phường Cầu Giấy là trung tâm hành chính - giáo dục - công nghệ. Phường nằm gần các trường đại học lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền,… Nhiều trụ sở cơ quan, tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp lớn và công ty công nghệ thông tin đặt tại đây (khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy). Đây là khu vực có dân trí cao, tầng lớp trí thức, công chức, sinh viên sinh sống đông đảo.

Phường có tiềm năng phát triển đô thị bền vững: quy mô dân số lớn, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là điều kiện thuận lợi cho việc quản lý quy hoạch, phát triển đô thị hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Là một trong những “tâm điểm” đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, bất động sản của quận Cầu Giấy.

Đặc điểm kinh tế phường Cầu Giấy

Phường Cầu Giấy chủ yếu tập trung các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, dịch vụ và đô thị hiện đại với các trọng điểm: giáo dục và nghiên cứu; công nghệ thông tin và dịch vụ; đô thị hóa và thương mại.

Kinh tế dịch vụ - thương mại phát triển mạnh: phường Cầu Giấy có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống như chợ Cầu Giấy, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng lớn. Hệ thống ngân hàng, công ty, văn phòng đại diện tập trung trên các tuyến phố lớn như Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc kéo dài phát triển mạnh mẽ.

Phường nằm gần chợ Nhà Xanh, là khu chợ nổi tiếng với các mặt hàng thời trang, phục vụ chủ yếu cho sinh viên và người lao động. Ngoài ra, chợ còn có khu vực ẩm thực phong phú với nhiều món ăn hấp dẫn.

Trung tâm thương mại The Loop: Tổ hợp mua sắm, ẩm thực và giải trí hiện đại, phục vụ nhu cầu đa dạng của cư dân và du khách; khu phố Duy Tân được mệnh danh là "thung lũng IT" của Hà Nội, khu vực này tập trung nhiều công ty công nghệ, quán cà phê và nhà hàng, tạo nên một không gian năng động và hiện đại.

Du lịch và dịch vụ: Mặc dù không có các khu du lịch lớn, phường vẫn sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn, kết hợp giữa giá trị lịch sử, văn hóa và hiện đại, thu hút cả người dân địa phương và du khách. Công viên Cầu Giấy với không gian xanh mát, khu vui chơi cho trẻ em và đường đi bộ, công viên là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động thể dục thể thao và thư giãn cuối tuần.

Hạ tầng giao thông phát triển: Nằm trên các trục đường lớn (Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Xuân Thủy), gần tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông đầy đủ.

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Cầu Giấy

Phường Cầu Giấy bảo tồn và phát huy giá trị của nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là các đình, chùa có giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc. Các di sản được xếp hạng cấp Quốc gia như: chùa Thánh Chúa, chùa Hà, đình Dịch Vọng Sở, chùa Báo Ân…

Trong đó, chùa Thánh Chúa mang kiến trúc cổ truyền Bắc Bộ, chùa thờ Phật kết hợp thờ mẫu, là nơi sinh hoạt tâm linh gắn bó với cộng đồng dân cư vùng Kẻ Vọng xưa, phản ánh sự hòa quyện giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian; chùa Hà là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội về cầu duyên và hạnh phúc lứa đôi, thu hút rất nhiều khách thập phương mỗi năm; đình Dịch Vọng Sở là nơi thờ Thành hoàng làng, phản ánh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng lập làng; chùa Báo Ân là một ngôi chùa dân gian có nguồn gốc từ chùa làng xưa, chùa hiện nay vẫn tổ chức các lễ Phật thường niên, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Phường có các sản phẩm nghề tiểu thủ công như làm giấy, vàng mã. Đặc sản ẩm thực nổi trội của phường là nơi nổi tiếng với nghề làm cốm ngon nức tiếng lâu đời.

Dân cư đông, đa dạng tầng lớp, dân cư sinh sống lâu đời xen lẫn dân cư nhập cư (sinh viên, người lao động, trí thức), chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ, giáo dục, công nghệ và hành chính sự nghiệp.

Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn phường Cầu Giấy được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh. Có nhiều cơ sở y tế tư nhân với trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương. Phường gần các bệnh viện lớn như Bệnh viện E, Bệnh viện 198, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của nhân dân.

Địa bàn phường Cầu Giấy tập trung nhiều trường đại học: Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Đại học giáo dục - ĐHQG Hà Nội, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, Đại học Dược - ĐHQG Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủ đô, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...

Hệ thống trường học từ cấp học mầm non đến THPT được phân bố hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ của người dân trên địa bàn. Một số trường tiêu biểu như: Mầm non Dịch Vọng Hâu, Mầm non Hoa Hướng Dương, Mầm non Thăng Long Kidsmart; Trường Tiểu học Dịch Vọng A, Tiểu học Dịch Vọng B; Trường THCS Dịch Vọng Hậu, THCS Dịch Vọng, THCS Nguyễn Tất Thành; Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Cầu Giấy, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm,… 

● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Cầu Giấy: Số 96 Trần Thái Tông, phường Cầu Giấy

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cầu Giấy: đồng chí Trần Thị Phương Hoa

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Cầu Giấy: đồng chí Ngô Ngọc Phương

● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Cầu Giấy: đồng chí Lê Thị Thu Trang.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời