Ông Trump ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ và thế giới?
Chính sách thuế quan thúc đẩy cuộc chiến thương mại toàn cầu
Sau khi nhậm chức, ông Trump đã đưa ra các chính sách thuế quan cứng rắn, đẩy thế giới vào một cuộc đại thương chiến chưa từng có trong lịch sử.
Đầu tháng 2, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 12/3, khiến căng thẳng thương mại leo thang nhanh chóng. Nhiều nước xuất khẩu nhôm thép chính của Mỹ đã nhanh chóng đưa ra phản ứng đáp trả, trong đó Liên minh châu Âu áp thuế quan 50% lên nhiều sản phẩm của Mỹ từ ngày 1/4. Canada cũng tuyên bố áp thuế quan lên thêm 20,6 tỷ USD hàng hóa Mỹ để đáp trả thuế nhôm thép.
Hôm 2/4, ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng cơ bản 10% và mức cao hơn với hơn 180 nền kinh tế đối tác của Mỹ, trong đó các nền kinh tế có mức thâm hụt thương mại cao với Mỹ phải chịu mức thuế cao hơn. Mức thuế cao hơn này sau đó được hoãn lại 90 ngày với 75 nước có ý định đàm phán với Mỹ, ngoại trừ Trung Quốc.
Trung Quốc đã phản ứng đáp trả mạnh mẽ bằng cách cũng áp thuế đối ứng với Mỹ. Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang khi hai nước liên tục trả đũa lẫn nhau với các mức thuế ngày càng cao. Hôm 16/4, ông Trump tuyên bố hàng hóa của Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế cộng dồn lên cao nhất tới 245% khi xuất khẩu sang Mỹ, đáp lại mức thuế 125% mà Trung Quốc áp với hàng hóa Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết, mục đích áp dụng các chính sách thuế quan là để tạo nguồn thu bù vào thâm hụt ngân sách và để thúc đẩy đưa sản xuất trở lại nước Mỹ. Hôm 15/4, ông Trump cho biết Mỹ đang thu về số tiền khổng lồ, hàng trăm tỷ USD từ thuế quan. Tuy nhiên, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) công bố dữ liệu cho thấy, Mỹ đã thu hơn 500 triệu USD kể từ ngày 5/4 theo mức thuế quan đối ứng mới. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ cũng cho thấy tổng số tiền thu được từ các loại thuế quan là 305 triệu USD - một con số vẫn thấp hơn nhiều mức 2 tỷ USD/ngày mà ông Trump nhiều lần nhắc đến.
Những chính sách thuế quan của ông Trump kể từ khi công bố đã ảnh hưởng rộng khắp đến thị trường chứng khoán, tài chính, hàng hóa cơ bản đến niềm tin của giới đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu. Đối với Mỹ, các nhà phân tích nhận định rằng, các chính sách thuế quan đang tạo ra sự bất ổn kinh tế trong nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.
Chính quyền đang thực hiện những thay đổi chính sách quan trọng và đặc biệt là thương mại. Những tác động của điều đó có thể khiến chúng ta xa rời các mục tiêu của mình. Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng lên khi nền kinh tế chậm lại, lạm phát có khả năng tăng lên khi thuế quan được áp dụng, và một phần thuế quan đó sẽ được tính vào chi phí mà người dân phải trả.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Môi trường kinh tế bất ổn khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư và mở rộng kinh doanh. Các doanh nghiệp tại Mỹ điêu đứng vì thuế nhập khẩu cao, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển sản xuất đến Mỹ để tránh thuế cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Goldman Sachs ước tính, bất ổn gia tăng gần đây có thể kéo giảm tăng trưởng đầu tư tại Mỹ khoảng 5 điểm phần trăm.
Đối với phạm vi thế giới, các chuyên gia lo ngại, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế, đặc biệt với Trung Quốc sẽ định hình lại thương mại toàn cầu, từ đơn cực do Mỹ dẫn dắt sang đa cực.
Ông Trump rút khỏi một loạt tổ chức quốc tế
Bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump lập tức tuyên bố rút Mỹ khỏi hàng loạt các tổ chức và hiệp định quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cũng giải tán Cơ quan phát triển quốc tế USAID. Những động thái này thể hiện quyết tâm của ông Trump trong việc cắt giảm chi tiêu chính phủ và chủ trương "Nước Mỹ trên hết".
Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO vì cho rằng tổ chức này đã ứng phó sai với Covid-19 và không cải cách để xử lý đại dịch hiệu quả. Ông Trump cho rằng WHO tiếp tục yêu cầu Mỹ thanh toán những khoản tiền quá lớn, không tương xứng với những khoản thanh toán của các quốc gia khác.
Đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Trump cho rằng hiệp định này không công bằng: "Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp nội địa trong khi Trung Quốc vẫn gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt". Động thái này sẽ loại Mỹ, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, khỏi các nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu lần thứ hai trong một thập niên. Quyết định trên cũng phù hợp với chương trình nghị sự của ông nhằm giải phóng các công ty khoan dầu khí của Mỹ khỏi các quy định để họ có thể tối đa hóa sản lượng, để phục vụ cho mục đích thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu đá phiến tại nước Mỹ.
Ông Trump tuyên bố giải thể USAID để cắt giảm thất thoát và lãng phí. Quyết định này của ông đã đảo ngược chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ khi coi viện trợ nhân đạo và phát triển ở nước ngoài là công cụ giúp thúc đẩy an ninh quốc gia bằng cách ổn định các khu vực và nền kinh tế. Điều này gây tranh cãi khi có ý kiến cho rằng, việc cắt giảm mạnh tay các chương trình viện trợ y tế khiến hàng triệu người đang cần viện trợ ở các quốc gia khác rơi vào tình cảnh dễ bị tổn thương hơn nữa.
Siết chặt nhập cư và kiểm soát biên giới
Một chương trình thể hiện rõ ràng tinh thần “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump là trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và siết chặt kiểm soát biên giới. Chính sách này gây phản ứng dữ dội trong xã hội Mỹ khi nước này hiện có tới hơn 47 triệu người nhập cư, trong đó có khoảng 14 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox Noticias hôm 15/4, khi được hỏi đâu là điều tự hào nhất mà ông làm được kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã lập tức nhắc tới việc xử lý cuộc khủng hoảng biên giới.
Tôi nghĩ điều mọi người nhận ra gần đây là biên giới đã hoàn hảo 100%. Nhưng nó sẽ còn hoàn thiện hơn nữa. Chúng tôi muốn có người dân nhập cư, nhưng họ phải nhập cư hợp pháp và tất cả mọi người đồng ý với điều đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và kiểm soát biên giới mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ông Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới Mỹ - Mexico, đồng thời sử dụng một số chiến thuật cứng rắn, gồm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, tạm dừng vô thời hạn chính sách cấp tị nạn cho những người nhập cư vào Mỹ từ biên giới phía Nam, triển khai quân đội và nhiều lực lượng an ninh để truy quét người vượt biên trái phép. Trong khi đó, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan của Mỹ (ICE) đã đẩy mạnh hoạt động trên phạm vi toàn quốc, với hàng trăm người bị bắt giữ mỗi ngày. Ông Trump cũng đã viện dẫn Đạo luật Kẻ thù nước ngoài để trục xuất những người nhập cư Venezuela, El Salvador tại Mỹ. Nhiều chuyến bay đã đưa những người này đến các nhà tù và trại tạm giam ở nước ngoài.
Các chương trình siết chặt chính sách nhập cư và an ninh biên giới của ông Trump đã gặp phải không ít rắc rối về pháp lý, nhiều tiểu bang kiện ông vì trục xuất người nhập cư mà không có đầy đủ căn cứ. Ngoài ra, việc coi những người nhập cư là tù nhân và đưa họ đến các nhà tù cũng gây tranh cãi về vấn đề nhân đạo. Chương trình trục xuất nhập cư cũng gây tranh cãi vì tốn kém hàng tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những chương trình của ông Trump đã phát huy những tác dụng nhất định.
Báo cáo mới nhất của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho thấy, số vụ bắt giữ tại biên giới phía Nam trong tháng 3 vừa qua thấp hơn số vụ bắt giữ chỉ trong hai ngày đầu tháng 3/2024 dưới thời chính quyền Joe Biden. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, lực lượng tuần tra biên giới Mỹ ghi nhận mức trung bình số vụ bắt giữ hằng ngày trên toàn quốc thấp nhất trong lịch sử.
Tính đến nay, số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ qua biên giới phía Nam đã giảm 82%. Nhiều người di cư bắt đầu hành trình trở về nhà sau thời gian dài mắc kẹt ở biên giới Mexico với Mỹ. Giới quan sát cho rằng, nếu xu hướng hiện tại được duy trì trong thời gian còn lại của năm, số vụ bắt giữ người vượt biên trái phép vào Mỹ có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa thập niên 1960.
Cách ứng phó với các cuộc xung đột
Ông Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, vì vậy nhiều người dân Mỹ kỳ vọng vào việc ông sẽ xử lý các cuộc xung đột như cách mà ông đã hứa. Trong hai tháng qua, ông Trump đã có những động thái hàn gắn mối quan hệ với Nga, trong khi nỗ lực làm trung gian để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Còn tại điểm nóng Trung Đông, ông Trump cũng đang tạo sức ép để đưa Iran trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Theo như lời hứa của ông Trump từ khi còn tranh cử, ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Ukraine ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 100 ngày, những nỗ lực trung gian của ông Trump vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Cuộc điện đàm bất ngờ của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/2 là bước ngoặt trong địa chính trị toàn cầu, đánh dấu sự tan băng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga sau nhiều thập kỷ và đem lại hy vọng về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.
Ngoài các cuộc gặp của phái đoàn cấp cao hai nước tại Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ, Đặc phái viên của ông Trump, ông Steve Witkoff, cũng có những chuyến đi con thoi đến Nga để gặp Tổng thống Putin. Tuy nhiên, các cuộc gặp chưa đem lại kết quả đột phá. Lệnh ngừng bắn tạm thời 30 ngày vào hạ tầng năng lượng giữa Nga và Ukraine được ký kết trước đó dưới sự thúc đẩy của Mỹ vẫn liên tục bị Ukraine vi phạm. Trong khi đó, hai bên vẫn bất đồng về các điều khoản thỏa thuận hòa bình, trong khi Nga kiên định yêu cầu Ukraine rút quân khỏi các khu vực đã sáp nhập vào Nga, và Ukraine phải từ bỏ việc gia nhập NATO, thì Ukraine vẫn không chịu nhượng bộ trước những yêu cầu trên.
Chúng tôi muốn một nước Ukraine có chủ quyền và thịnh vượng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng, việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là một mục tiêu không thực tế. Việc theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này sẽ chỉ kéo dài chiến tranh và gây ra nhiều đau khổ hơn.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Các nguồn tin ngoại giao Nga cho rằng, dù ông Trump muốn nhanh chóng đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng phía Nga không thấy tiến triển cụ thể trong hành động của Mỹ. Moscow mong đợi những bước đi rõ ràng từ Tổng thống Mỹ như nới lỏng lệnh trừng phạt và tác động đến lập trường của Liên minh châu Âu. Trái lại, hôm 10/4, ông Trump lại ký sắc lệnh gia hạn thêm một năm gói trừng phạt đối với Nga.
Tất cả những động thái trên khiến nỗ lực trung gian của ông Trump trong việc giải quyết xung đột Ukraine khó có thể thành công trong vòng 100 ngày sau khi ông nhậm chức.
Trong khi đó, tại điểm nóng Trung Đông, tình hình trở nên phức tạp khi Mỹ ồ ạt triển khai vũ khí đến đây để phối hợp với Israel tiến hành các cuộc tấn công trả đũa Houthi ở Yemen, lực lượng được Iran hậu thuẫn. Các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi là hành động quân sự lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và được coi là phép thử năng lực quân sự của Mỹ. Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo cho Iran về việc nước này tiếp tục hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc tấn công gây thiệt hại lớn, lực lượng này vẫn chưa có dấu hiệu rút lui.
Song song với hoạt động quân sự nhằm vào Houthi, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran để gây áp lực buộc nước này quay lại bàn đàm phán hạt nhân. Phái đoàn Mỹ và Iran đã có cuộc gặp gián tiếp tại Oman hôm 12/4 và dự kiến sẽ có cuộc gặp thứ hai vào ngày 19/4 tới. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn bất đồng khi Tehran khẳng định quyền làm giàu uranium của nước này là không thể hủy bỏ, trong khi Mỹ muốn Tehran xóa bỏ chương trình này.
Trong danh sách “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2025” mà tạp chí Time đưa ra còn bao gồm 5 quan chức thân cận hiện nay của ông Trump như Phó Tổng thống Vance, Cố vấn cấp cao Elon Musk, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng thương mại và Giám đốc ngân sách quốc gia. Ngoài ra, nhiều nhân vật khác trong danh sách này như Thủ tướng Anh, Chủ tịch Liên minh châu Âu, Thủ tướng Mexico - tầm ảnh hưởng của họ ở một mức độ nào đó đều được xác định bởi mối quan hệ với vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Danh sách này đã thể hiện rõ mức độ mà ông Trump định hình nên bầu không khí chính trị toàn cầu. Dù là trong con mắt của người ủng hộ hay người phản đối, ông Trump vẫn được coi là nhân vật có ảnh hưởng quan trọng đối với thời kỳ đầy thách thức và chia rẽ hiện nay.


Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, đồng USD cũng sụt giảm trong phiên giao dịch sáng 21/4.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 21/4. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/4 đã đề xuất Nga ngừng toàn bộ các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự trong thời gian ít nhất 30 ngày.
Số người thiệt mạng trong vụ không kích mới của Mỹ nhằm vào một khu chợ đông đúc ở thủ đô Sanaa (Yemen) vào tối 20/4 đã tăng lên 12 người, trong khi ít nhất 30 người khác bị thương.
Tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đã tiến triển thuận lợi cho dù những gì đạt được mới chỉ là những bước đi dò dẫm ban đầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vừa tiếp tục dính nghi vấn lộ kế hoạch mật liên quan tới các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen trong cuộc trò chuyện trên nhóm trò chuyện Signal.
0