Một cái ‘chạm’ – Ngàn cái bẫy
Giao diện quen tay, cạm bẫy không ngờ
Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Thúy Phin – một cán bộ về hưu sống tại quận Đống Đa – đều lên mạng Internet bằng chiếc điện thoại thân thuộc. Bà cũng thỉnh thoảng đặt hàng online, chia sẻ hình ảnh gia đình, và đôi khi là cả thông tin cá nhân để “tương tác” với bạn bè trên mạng. Những hành động tưởng chừng vô hại ấy, với bà chỉ đơn thuần là cách sống hiện đại, kết nối thời công nghệ.
"Từ khi có điện thoại thông minh, tôi thường dùng mạng xã hội để giao lưu với bạn bè gần xa. Có mạng này, chúng tôi thấy tuyệt vời. Tôi đã có một dịp bị hack, tôi đã già nên không tiếp cận được nhiều. Các con tôi phát hiện ra nên mới biết là bị hack", bà Phin cho hay.
Là một người cẩn thận, nắm được phương thức lừa đảo trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng chị Mai Anh vẫn bị lừa hết tiền trong tài khoản vì sơ ý để lộ mã OTP. Chị cho biết: "Tôi không có ở nhà và nhận được một cuộc gọi của shipper thông báo có một đơn hàng 150.000 đồng, chuyển khoản cho shipper và shipper sẽ ném vào nhà cho tôi. Sau khi tôi chuyển khoản, shipper gọi lại cho tôi và thông báo rằng đã chuyển nhầm đơn, muốn lấy lại tiền thì phải nhắn tin cho bên vận chuyển. Khi đó họ gọi cho tôi và nói nếu không làm theo lời họ thì mỗi tháng sẽ mất 3,5 triệu, còn nếu làm theo sẽ được lấy lại tiền, nên tôi không nghi ngờ và đã làm theo lời họ".
Nhưng điều mà những người phụ nữ này không biết, là chỉ với vài cú chạm quen tay ấy, kẻ xấu đã có thể dễ dàng thu thập đủ thông tin để thực hiện các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Từ giả danh Công an, cán bộ ngân hàng yêu cầu xác minh tài khoản; giả danh người thân quen gửi link bình chọn, đến cả việc vay tiền bằng chính danh nghĩa của nạn nhân – mọi kịch bản đều có thể bắt đầu từ một cú nhấp nhẹ trên màn hình.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, người Việt Nam ngày càng sử dụng thiết bị công nghệ thành thạo. Tuy nhiên, sự tự tin ấy lại không đi kèm với kỹ năng số cần thiết để nhận diện rủi ro. Họ dễ dàng trở thành “con mồi” của các chiêu trò lừa đảo tinh vi đang nở rộ trên không gian mạng.
Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng Viện CMC ATI cho biết: "Khi AI tạo sinh bắt đầu được sử dụng phổ biến, các đối tượng hacker có thể dùng công nghệ cao để giả danh người quen hoặc cán bộ của cơ quan, dẫn đến dễ dàng lừa đảo".
Thiếu tá Nguyễn Văn Chuyền – Phòng 6 - Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhìn nhận: "Phụ nữ, người già và trẻ em có đặc điểm là dễ tin và dễ bị khai thác về mặt tình cảm. Khi lợi dụng các đặc điểm này, các đối tượng đã dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo cũng như thực hiện hành vi tội phạm".
Không phải là câu chuyện của riêng ai, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho hàng triệu người sử dụng mạng xã hội đang hòa mình vào thế giới số nhưng chưa kịp trang bị cho mình một “tường rào” an toàn trong hành vi trực tuyến.
Dữ liệu cá nhân bị đánh cắp
Bạn nhặt được giấy tờ tuỳ thân của người khác và vô tình đăng tải nó lên mạng xã hội mà không che các thông tin cá nhân. Đây là cơ hội cho kẻ xấu đánh cắp dữ liệu nhằm sử dụng vào mục đích chưa được cho phép như: lừa đảo, mua bán dữ liệu cho bên thứ 3…
Chuyên gia an toàn thông tin mạng Đỗ Dương Hiển nhấn mạnh: "Chúng ta nên có trách nhiệm với thông tin của mình và của người khác. Nhiều người nhặt được CCCD của người khác nhưng lại đăng tải lên mạng đầy đủ hai mặt. Đây là cơ hội cho các đối tượng đánh cắp dữ liệu".
Theo dữ liệu của Bộ Công an, 2/3 dân số Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội, hàng trăm nghìn các hội nhóm, tài khoản mua bán dữ liệu, trao đổi data khách hàng hiện ra. Các dữ liệu này có thể được chọn lọc, mua bán từ miễn phí đến có phí với cụ thể chi tiết thông tin cá nhân bao gồm: họ tên, số điện thoại, số tài khoản, thân nhân…
Đáng nói, nguyên nhân lớn nhất khiến thông tin cá nhân bị rò rỉ đều xuất phát từ những thói quen hàng ngày tưởng như vô hại của người dân như cho phép phần mềm trên điện thoại theo dõi hoạt động và có quyền truy cập vào kho ảnh; kho danh bạ. Thậm chí, các đối tượng có thể hack thông tin qua các website, cài cắm mã độc vào máy tính và các thiết bị thông minh để thu thập thông tin.
Anh Vũ Ngọc Sơn – Trưởng Ban nghiên cứu, tư vấn phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế cho biết: "Việc tấn công tinh vi như hiện nay, chúng ta phải phòng chống chủ động và cảnh giác phải dựa vào chính hiểu biết và nhận thức của chúng ta".
Với nền kinh tế số ngày càng phát triển, giải pháp bảo mật dữ liệu cá nhân phải được đề cao và có một hành lang pháp lý riêng để kịp thời ngăn chặn những hành vi đe doạ đến quyền riêng tư của mỗi người. Tuy nhiên, trước khi chờ một giải pháp toàn diện, có vai trò bảo vệ lớp ngoài, chính người dân cần nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn mạng, lựa chọn các hình thức giao tiếp trên không gian mạng an toàn, cẩn trọng hơn.
Luật chưa đủ – Cảnh giác mới là tường rào vững chắc
Chỉ với chưa đến 1 USD, người dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin cá nhân của người khác thông qua chatbot trên Telegram – từ ngày sinh, quê quán, tài khoản ví điện tử, đến biển số xe. Theo Công ty An ninh mạng Viettel, năm 2024, Việt Nam có tới 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ, chiếm 12% toàn cầu, với nhiều thông tin cá nhân và tài liệu doanh nghiệp bị rao bán công khai trên mạng.
Ông Trần Minh Quảng – Giám đốc Trung tâm Phân tích chia sẻ nguy cơ An ninh mạng, Viettel cho biết: "Xuất phát từ việc hệ thống thông tin không được bảo vệ đầy đủ an toàn, kẻ xấu hay tin tặc có thể truy cập và lợi dụng các điểm yếu, từ đó trích xuất dữ liệu và rao bán. Song song với đó, người dân hay người dùng dịch vụ chưa thực sự cảnh giác trong việc sử dụng thông tin cá nhân, dẫn đến tự làm lộ thông tin của mình trên không gian mạng".
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, việc mua bán dữ liệu cá nhân hiện diễn ra bài bản, có tổ chức. Nhiều đối tượng rao bán dữ liệu còn cam kết bảo hành, cập nhật theo yêu cầu. Một số doanh nghiệp thậm chí được thành lập chỉ để thu thập trái phép dữ liệu, vận hành hệ thống chuyên biệt nhằm kiếm lời.
Theo Thượng tá Lê Xuân Thủy – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia, Bộ Công an, các tổ chức có lượng dữ liệu lớn cần có sự phân loại, phân lớp và các dữ liệu tuyệt đối không được chia sẻ. Từ đó sẽ có các chiến lược để phòng thủ, bảo vệ dữ liệu khỏi kẻ xấu tấn công.
Trước tình trạng này, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết và cấp bách. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở thực tiễn phòng, chống hành vi xâm phạm dữ liệu, đồng thời đưa ra các quy định nghiêm cấm rõ ràng nhằm bảo vệ thông tin người dân. Dữ liệu cá nhân gắn liền với con người và quyền riêng tư. Không thể xem đó là hàng hóa thông thường, mà là tài nguyên đặc biệt, cần được bảo vệ ở mức cao nhất.
Ông Trương Xuân Cừ – Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng: "Tôi nghĩ rằng việc này cần làm bằng các biện pháp nghiệp vụ. Ngay như bản thân tôi, điện thoại vẫn bị gọi đến, gây phiền nhiễu không cần thiết. Theo tôi, cần có chuyên môn, biện pháp quản lý của nhà chức năng. Hiện nay việc này đã giảm hơn so với trước nhưng chưa triệt để".
Hiện Nghị định 13/2023 là văn bản pháp luật mới nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu – cả từ phía Nhà nước và doanh nghiệp – vẫn còn lỗ hổng, tạo điều kiện cho hacker tấn công. Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ là bước tiến quan trọng để bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời yêu cầu người dân, đặc biệt là người trung niên, người cao tuổi, cần nâng cao kỹ năng số để tự bảo vệ thông tin cá nhân.


Nam bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc tại phòng khám tư nhân (thuộc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) thì bị đồng nghiệp tấn công bằng dao.
Công tác rà soát, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc sáp nhập tại các địa phương đang được các cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ tập trung thực hiện.
Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội vừa đến thăm, tặng quà 5 công nhân Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh bị tai nạn lao động nặng.
Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
38 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đã được Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô khen thưởng.
Quốc hội đã thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sáng nay 28/5.
0