Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Liệu có dẫn tới chiến tranh?

Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào nhóm du khách ở khu vực tranh chấp Kashmir hôm 22/4 đã đẩy Ấn Độ và Pakistan vào một cuộc đối đầu nguy hiểm, làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Chuyện gì đã xảy ra ở Kashmir?

Tình hình tại khu vực Nam Á đang trở nên đặc biệt nóng bỏng. Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào nhóm du khách ở khu vực tranh chấp Kashmir hôm 22/4 đã đẩy Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - vào một cuộc đối đầu nguy hiểm. Những động thái trả đũa dồn dập, những lời đe dọa cứng rắn và các vụ đụng độ dọc biên giới chung những ngày qua đang làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Nếu xung đột leo thang, hậu quả không chỉ giới hạn trong khu vực, mà còn có thể tác động nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định toàn cầu. Vậy điều gì đã xảy ra ở Kashmir, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lần này?

Hôm 22/4, một nhóm tay súng đã tấn công những du khách tại một điểm du lịch nổi tiếng ở vùng núi Pahalgam thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý. Ít nhất 25 công dân Ấn Độ và một công dân Nepal đã thiệt mạng. Đây là vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất cho dân thường ở Ấn Độ kể từ vụ tấn công Mumbai năm 2008, cướp đi sinh mạng của 175 người.

Nhóm phiến quân ít được biết đến, tự xưng là Mặt trận Kháng chiến đã nhận trách nhiệm và cho biết hành động này xuất phát từ sự tức giận về việc định cư của "người ngoài" trong khu vực, cũng như những thay đổi nhân khẩu học được cho là có hại cho cư dân bản địa. Trong hai năm qua, gần 84.000 công dân Ấn Độ không phải người bản xứ đã được cấp quyền cư trú tại Kashmir. Nhóm phiến quân này đồng thời đưa ra những lời đe dọa bạo lực qua mạng xã hội đối với những ai cố gắng "định cư bất hợp pháp" trong khu vực.

Giới chức Ấn Độ đã đổ lỗi cho các tay súng Pakistan hoạt động dưới sự bảo vệ của Islamabad. Ấn Độ cho rằng, những bất ổn hàng chục năm qua tại Kashmir đều có bàn tay của Pakistan đứng đằng sau. Pakistan phủ nhận mọi sự liên quan, gọi vụ việc là một cuộc nổi loạn cục bộ.

Ngay ngày hôm sau, Ấn Độ đã thực hiện một loạt các quyết định đối đầu với Pakistan, bao gồm đóng cửa biên giới khu vực Kashmir, hủy bỏ các thị thực đã cấp, hạn chế cấp thị thực mới và trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Nước sông Ấn, một thỏa thuận đã có hiệu lực suốt 60 năm, đảm bảo quyền tiếp cận nguồn nước từ các con sông lớn như sông Ấn, Jhelum và Chenab đối với Pakistan. New Delhi cũng ám chỉ khả năng hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn năm 2021 với Islamabad.

Chúng tôi sẽ truy đuổi những kẻ khủng bố đến tận cùng Trái đất. Tinh thần Ấn Độ sẽ không bao giờ khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Để đáp trả, Pakistan đã đóng cửa đồn biên giới ở Kashmir, trục xuất các nhà ngoại giao Ấn Độ, cho công dân Ấn Độ 48 giờ để rời khỏi đất nước và đóng cửa không phận đối với tất cả các hãng hàng không Ấn Độ. Ngoài ra, Pakistan đã ra tối hậu thư cho Ấn Độ về vấn đề nguồn nước.

Pakistan kịch liệt phản đối quyết định của Ấn Độ về việc đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn. Đây là một thỏa thuận quốc tế do Ngân hàng Thế giới làm trung gian, và không có điều khoản nào cho phép đình chỉ đơn phương. Nước là một lợi ích quốc gia quan trọng đối với Pakistan, là nguồn sống của 240 triệu người dân. Chúng tôi sẽ bảo vệ nguồn nước bằng mọi giá. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng nước theo Hiệp ước Nước sông Ấn, cũng như việc chiếm đoạt quyền lợi của các vùng hạ lưu, sẽ bị coi là hành động chiến tranh. Pakistan sẽ đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh của quốc gia.

Ông Shafqat Ali Khan - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan.

Căng thẳng trên thực địa lên đến đỉnh điểm khi binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đấu súng đêm thứ tư liên tiếp dọc theo đường kiểm soát ở Kashmir trong bối cảnh quan hệ song phương xuống thấp nhất trong nhiều năm.

Những dấu hiệu leo thang hiện tại khiến giới phân tích không khỏi lo ngại. So với cuộc khủng hoảng năm 2019 sau vụ đánh bom xe nhằm vào lực lượng an ninh tại Kashmir khiến Ấn Độ và Pakistan giao tranh ngắn hạn trên không, tình hình lần này được đánh giá còn nghiêm trọng hơn. Toàn bộ quá trình diễn ra nhanh, với mức độ quyết liệt và thái độ thù địch công khai từ cả hai phía.

Sự khác biệt đáng kể nằm ở tính chất của vụ tấn công: lần này, mục tiêu là dân thường, tại một địa điểm du lịch nổi tiếng, khiến một bộ phận công chúng Ấn Độ phẫn nộ.

Ông Arun Sharma - người biểu tình chia sẻ: “Rõ ràng người Hindu đã bị nhắm mục tiêu. Khách du lịch đã bị hỏi về tôn giáo của họ, rồi sau đó mới bị bắn. Điều này cho thấy rõ ràng rằng họ bị nhắm mục tiêu một cách có chủ đích”.

Thêm vào đó, vụ thảm sát xảy ra trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền đang nỗ lực khẳng định thành công của chiến dịch thu hồi quy chế bán tự trị đối với Jammu và Kashmir từ năm 2019 - một bước đi nhằm ổn định và phát triển vùng đất có đa số dân Hồi giáo này. Vụ việc không chỉ gây tổn hại uy tín chính phủ Thủ tướng Modi mà còn đặt ra nghi ngờ lớn về hiệu quả của chính sách này.

Cho đến nay, giới chức Ấn Độ đã xác định được ba nghi phạm liên quan đến vụ thảm sát, trong đó hai đối tượng là công dân Pakistan. Hiện các lực lượng an ninh Ấn Độ đã phá hủy nhà của hai nghi phạm và đang tiếp tục chiến dịch truy bắt các đối tượng này trong vùng rừng núi Jammu và Kashmir, nhằm xác định rõ vai trò của từng cá nhân cũng như tổ chức đứng sau.

Tương lai bất ổn

Những biện pháp “trừng phạt” đối phương của cả Ấn Độ và Pakistan không chỉ cắt đứt những liên hệ vốn đã đóng băng từ năm 2019, mà còn động chạm tới những vấn đề sống còn của mỗi nước và yếu tố cốt lõi của mối quan hệ song phương. Việc dồn nước láng giềng tới “đường cùng” có thể là ván bài nhiều rủi ro mà Ấn Độ và Pakistan đang mạo hiểm. Trong bối cảnh này, người dân Ấn Độ và Pakistan không ngừng lo sợ về một tương lai đầy bất ổn.

Một trong những tác động rõ rệt nhất đối với người dân Ấn Độ và Pakistan là việc đóng cửa biên giới và từ chối nhập cảnh. Những người dân sinh sống gần khu vực biên giới, đặc biệt là những gia đình có người thân ở cả hai bên, đang phải đối mặt với nỗi đau của sự xa cách.

Bà Anudha Imran, một phụ nữ Ấn Độ sống ở Pakistan chia sẻ rằng cô không thể quay lại Pakistan dù đã sống ở đó hơn hai thập kỷ. Cô cảm thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn khi chính phủ của cả hai quốc gia không còn duy trì những kênh giao tiếp cơ bản. “Tôi đã kết hôn với một người Pakistan suốt 20 năm. Các con tôi là công dân Pakistan. Tôi đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Pakistan, nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp. Tại sao tôi lại không được phép vào Pakistan? Tôi đã làm gì sai? Con tôi sẽ sống như thế nào nếu không có tôi? Không có chính phủ nào có thể tách trẻ em khỏi mẹ của chúng”, bà Anudha Imran cho hay.

Ngoài việc chia cắt gia đình, người dân sống ở cả hai bên biên giới còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng hóa, gián đoạn hoạt động sản xuất. Việc Ấn Độ ngừng chia sẻ nguồn nước từ sông Ấn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn Pakistan.

Pakistan đang trong tình trạng khô hạn và thiếu nước, một phần do thời tiết cực đoan. Hồi tháng 3, cơ quan quản lý nguồn nước Pakistan cảnh báo hai tỉnh nông nghiệp quan trọng là Punjab và Sindh có thể thiếu tới 35% nhu cầu nước vào cuối vụ năm nay. Các diễn biến mới đang tạo ra tương lai bấp bênh cho ngành nông nghiệp Pakistan.

Việc rút khỏi Hiệp ước Nước sông Ấn sẽ đẩy hai nước vào một vòng xoáy xung đột mới, chặn đứng tương lai của các thế hệ sau.

Ông Bilawal Bhutto Zardari - Cựu Ngoại trưởng Pakistan.

Ngoài ra, sự bất ổn xã hội cũng đang gia tăng khi các cộng đồng, đặc biệt là các nhóm tôn giáo, trở nên phân cực hơn. Những người Sikh ở Ấn Độ lo sợ về việc không thể thực hiện hành hương qua hành lang Kartarpur, nơi được xem là biểu tượng của sự hòa hợp giữa hai quốc gia.

Lo ngại về xung đột hạt nhân

Xung đột Ấn Độ - Pakistan không chỉ là vấn đề khu vực, mà còn có tác động toàn cầu. Cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân và bất kỳ sự leo thang quân sự nào cũng có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc. Lịch sử đã chứng kiến hai quốc gia Nam Á này từng nhiều lần xung đột vì những tranh chấp lãnh thổ, khủng bố qua biên giới. Vụ việc này một lần nữa lại cho thấy những khác biệt, mẫu thuẫn và tranh chấp giữa hai dân tộc, hai đất nước này vẫn tồn tại dai dẳng.

Kashmir luôn là điểm nóng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi hai nước giành độc lập khỏi Anh năm 1947. Ấn Độ hiện kiểm soát khoảng 55% khu vực, Pakistan khoảng 35% và phần còn lại nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Ấn Độ và Pakistan đã có ba cuộc chiến tranh, hai trong số đó là về Kashmir. Ấn Độ coi khu vực này là một phần không thể tách rời của lãnh thổ mình, trong khi Islamabad khẳng định rằng người Hồi giáo trong khu vực này có quyền tự quyết hoặc thống nhất với Pakistan.

Năm 2019, Ấn Độ đã thu hồi quy chế tự trị đặc biệt của Kashmir, gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc trong quan hệ với Pakistan và gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi, các cuộc đụng độ vũ trang định kỳ và pháo kích xuyên biên giới. Căng thẳng kéo dài cho đến năm 2021, khi New Delhi và Islamabad đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Một trong những yếu tố khiến xung đột Ấn Độ - Pakistan trở nên nguy hiểm là việc cả hai đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 1974, tiếp theo là một vụ khác vào năm 1998. Pakistan tiếp bước với các vụ thử hạt nhân của riêng mình chỉ vài tuần sau đó. Kể từ đó, hai bên đã trang bị cho mình hàng trăm đầu đạn hạt nhân, hệ thống phóng tên lửa, máy bay chiến đấu tiên tiến và vũ khí hiện đại để đối đầu với nhau.

Theo bà Natalia Butyrska, một chuyên gia về Đông Á, mặc dù nguy cơ hiện hữu, khả năng hai bên sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn được đánh giá là thấp. Bà nhấn mạnh rằng học thuyết hạt nhân của Ấn Độ loại trừ khả năng tấn công phủ đầu, đồng thời cho rằng các nhà lãnh đạo hai nước nhận thức rõ về cái giá không thể chấp nhận của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng những tính toán sai lầm, hoặc áp lực nội bộ, vẫn có thể dẫn đến những quyết định nguy hiểm ngoài dự tính ban đầu.

Ngoài nguy cơ xung đột trực tiếp, các yếu tố quốc tế cũng làm phức tạp thêm tình hình. Mỹ từ lâu đã coi Nam Á là khu vực trọng yếu đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, có mặt tại Ấn Độ đúng thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với New Delhi và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ.

Tôi tin rằng nếu Ấn Độ và Hoa Kỳ hợp tác thành công, thế kỷ XXI sẽ là thời đại thịnh vượng và hòa bình. Ngược lại, nếu chúng ta thất bại, thế kỷ này có thể trở thành thời kỳ đen tối cho toàn nhân loại.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance.

Ở chiều ngược lại, Pakistan tiếp tục siết chặt quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari hồi tháng 2 vừa qua đã có chuyến thăm Bắc Kinh để thúc đẩy hợp tác quốc phòng và kinh tế, đặc biệt với dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cả Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định can thiệp vào việc leo thang xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, bởi bất kỳ động thái nào từ các cường quốc đều có thể dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng về tình hình thực tế. Ngay sau vụ tấn công hôm 22/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án hành động khủng bố và bày tỏ sự ủng hộ đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, Washington cũng khéo léo tránh đưa ra lập trường về tranh chấp Kashmir, nhằm duy trì thế cân bằng tinh tế trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Hai bên khẳng định quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời phản đối chủ nghĩa đơn phương và các chính sách bá quyền.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị SD Muni, thuộc Viện Quốc phòng và Phân tích Chiến lược có trụ sở tại New Delhi, đánh giá, hành động "ăn miếng trả miếng" giữa hai quốc gia này là nhằm thể hiện sự mạnh mẽ của chính phủ trước công chúng.

Hiện Iran đã đề nghị làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, trong khi Pakistan đề nghị Moscow và Bắc Kinh tham gia vào cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công ở Kashmir.

Ấn Độ và Pakistan đã nhiều lần tiến gần đến chiến tranh. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng chiến tranh, dù là toàn diện hay hạn chế, không thể giải quyết các vấn đề cốt lõi. Ngược lại, nó chỉ làm sâu sắc thêm sự ngờ vực và nuôi dưỡng thù địch, làm cho tình hình trở nên khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy, chính sách bên bờ vực chiến tranh cần phải được thay thế bằng những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng lòng tin. Thế nhưng, những giải pháp này không thể chỉ dừng lại ở các tuyên bố chính trị hay các cuộc gặp gỡ ngắn hạn. Cần có một sự đối thoại sâu sắc, không chỉ giữa hai quốc gia mà còn với sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Nếu không, mối đe dọa từ một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng sẽ vẫn luôn là một bóng ma lơ lửng trên đầu, đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhóm vũ trang Houthi của Yemen tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công tàu chiến Mỹ tại Biển Đỏ và Biển Ả Rập, sau vụ không kích nghi do Mỹ thực hiện, khiến ít nhất 68 người thiệt mạng tại một trung tâm giam giữ người di cư châu Phi ở Yeêmn.

Một máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ đã rơi xuống biển ngày 28/4, khi tàu sân bay USS Harry S. Truman đổi hướng để tránh hỏa lực từ lực lượng Houthi ở Yemen.

Mỹ và Ukraine đã phản ứng mạnh mẽ và bày tỏ quan điểm, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố về một lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày vào tháng 5.

Các nhà khoa học Anh đang theo đuổi một giải pháp đầy triển vọng cho tương lai: tự sản xuất nhu yếu phẩm ngay trong không gian.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/4 thông báo, các đơn vị thuộc Cánh quân phía Tây đã giành quyền kiểm soát làng Kamenka, khu vực Kharkov, Đông Bắc Ukraine.

Hãng thông tấn Ria Novosti ngày 28/4 đưa tin, nghị sĩ Roman Kostenko, Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia, Quốc phòng và Tình báo thuộc Quốc hội Ukraine, đã thừa nhận sự tham gia của các cơ quan đặc biệt Ukraine trong vụ ám sát Trung tướng Nga Yaroslav Moskalik.