Truy tố hai cựu Giám đốc Điện lực Bình Thuận nhận hối lộ
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Ngọc Linh và bị can Nguyễn Thành Ngôn (hai cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) và 24 đồng phạm trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án, bị can Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bốn bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” gồm: Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt (cựu Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận), Lê Quang Nghĩa (cựu Trưởng phòng kế hoạch vật tư, Công ty Điện lực Bình Thuận).
21 bị can khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân do bị can Huỳnh Tuấn Ân thành lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc. Công ty này có hai nhà máy, 26 công ty thành viên chủ yếu sản xuất, kinh doanh, cung ứng các vật tư, thiết bị, phụ kiện ngành điện.
Nhà máy Tuấn Ân Long An hoạt động từ năm 2010, nhưng đến năm 2016 mới cung cấp thiết bị cho Công ty Điện lực Bình Thuận với số lượng ít, giá trị nhỏ.
Cuối năm 2016, Huỳnh Tuấn Ân chủ động gặp và đề nghị Trần Ngọc Linh (khi đó là Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận) nhờ tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân (một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân) trúng các gói thầu cung cấp thiết bị.
Ân cam kết sẽ chi tiền ngoài hợp đồng từ 5 - 6% cho Công ty Điện lực Bình Thuận, trong đó riêng cá nhân Linh là 1,5% (từ 2019 là 2%). Số tiền chi ngoài hợp đồng không cố định mà thay đổi tùy thuộc lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân đối với mỗi gói thầu.
Ân còn hứa hẹn cho cựu Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận góp vốn 500 triệu đồng vào Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân làm cổ đông chiến lược. Mỗi năm, Ân trả cho Linh khoảng hơn 20% tiền lãi. Linh đồng ý và hứa sẽ chỉ đạo cấp dưới là Trương Tấn Đạt liên hệ, trao đổi để đảm bảo Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân sẽ trúng thầu.
Trong giai đoạn Linh làm Giám đốc, Công ty Điện lực Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân trúng tổng 23/26 gói thầu, trị giá đã quyết toán 90 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 45 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, Nguyễn Thành Ngôn được bổ nhiệm Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận. Nguyễn Trung Quân (Giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân) đến gặp Ngôn đề nghị tiếp tục kế thừa từ giai đoạn Linh làm Giám đốc tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân được trúng thầu và đề cập đến việc chi tiền ngoài hợp đồng đã có trước đó.

Ngôn đồng ý và giới thiệu gặp cấp dưới là Lê Quang Nghĩa để làm việc. Sau đó, hai bên thống nhất tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân trúng thầu, tỷ lệ chi ngoài hợp đồng là 21% và 25% trên tổng giá trị của hai gói thầu. Ngôn sẽ trực tiếp nhận số tiền này để phân bổ.
Trong giai đoạn Ngôn làm Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân trúng 2 gói thầu, tổng giá trị là 9,3 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 4,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan tổ chức thực nghiệm điều tra tại Nhà máy Tuấn Ân Long An để xác định khả năng sản xuất, cấu thành giá vốn của 391 mặt hàng thuộc các gói thầu.
Kết quả thực nghiệm xác định giá vốn của 391 mặt hàng là hơn 48,7 tỷ đồng, giá trị quyết toán hơn 97,6 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại tài sản Nhà nước là hơn 49,7 tỷ đồng.
Sau khi trúng thầu, Huỳnh Tuấn Ân đã đưa hối lộ hơn 9,4 tỷ đồng cho nhiều cá nhân tại Công ty Điện lực Bình Thuận như đã thỏa thuận. Trong đó, các bị can Trần Ngọc Linh nhận hơn 2,3 tỷ đồng, Nguyễn Thành Ngôn nhận hơn 1,3 tỷ đồng, Trương Tấn Đạt nhận 4,1 tỷ đồng, Lê Quang Nghĩa nhận 460 triệu đồng.
Các bị can Tạ Thúc Thông (cựu nhân viên Phòng Kế hoạch vật tư, Công ty Điện lực Bình Thuận) nhận 1,1 tỷ đồng hưởng lợi cá nhân 875 triệu đồng nhưng không thỏa thuận đưa nhận tiền với Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân. Bị can Võ Tấn Thạnh nhận 460 triệu đồng là quà lễ Tết. Ngoài ra, số tiền phân bổ chi chung (đối ngoại, lễ tết, hội nghị, du lịch…) từ năm 2017-2023 là 1,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, các bị can sử dụng chi tiêu cá nhân.
Theo CAND


Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị vào sáng nay (18/5). Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra; đồng thời kêu gọi thắp lên ngọn lửa "Đổi mới - Khát vọng - Hành động", vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường.
Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã phối hợp với UBND Thị xã Sơn Tây tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trên địa bàn thành phốm năm 2025.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố hai cựu Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cùng 24 bị can liên quan trong vụ án “Đưa, nhận hối lộ”, xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.
Học Viện Y dược cổ truyền Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thừa kế - Sáng tạo - Hội nhập quốc tế” trong sáng 18/5, qua đó đánh giá kết quả đạt được và mở ra những định hướng mới cho tương lai phát triển của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Một người đàn ông nước ngoài không mặc áo đã bị nhóm ba người đàn ông bao vây, tấn công trên phố Bùi Viện, TP.HCM vào tối ngày 17/5.
0