Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 8 điều của Hiến pháp 2013
Trình Quốc hội các nội dung liên quan tới sắp xếp bộ máy
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Điều 9, Điều 10, Điều 84, Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 114 và Điều 115 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung với định hướng trọng tâm vào hai nhóm nội dung sau đây:
(1) Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bảo đảm hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn.

(2) Các quy định tại chương IX của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Để bảo đảm đúng quy định, đúng tiến độ và đồng bộ với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy sau sắp xếp, dự kiến, sáng 7/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra hai dự án luật này. Các nội dung này cũng sẽ được thảo luận tại tổ vào chiều 7/5.
Trong sáng 7/5, theo dự kiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung 8 điều của Hiến pháp 2013
Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nêu các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 như sau:
“1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 110 như sau:
“Điều 110
1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
3. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111 như sau:
“2. Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112 như sau:
“2. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 114 như sau:
“1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 như sau:
“2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.


Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm, thời hạn để xem xét tối đa là một năm.
Trước nhiều thông tin trên mạng xã hội về món lòng xe điếu dính nghi vấn gian lận thương mại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, chiều 7/5, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra quân kiểm tra hàng loạt các địa điểm kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn.
Việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (Key Perfomance Indicator - KPI), thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay.
Nhà đầu tư kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lập đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lên quy mô 10 làn xe theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định tại khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với vụ tai nạn ngày 4/9/2025.
“Muốn lấy một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc lấy một nhà khoa học ở viện nghiên cứu của tư nhân về để giúp cho Nhà nước trong các lĩnh vực mà họ giỏi nhưng không thể thực hiện được vì vướng luật” – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nêu khó khăn này tại phiên họp tổ chiều 7/5.
0