TP.HCM tạo lợi thế thu hút dòng vốn từ các KCN xanh

TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 20-21 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2025-2030, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Sau sáp nhập, TP.HCM hiện có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với quy mô và tiềm lực mở rộng đáng kể. Trong giai đoạn 2025-2030, Thành phố đặt mục tiêu thu hút từ 20 đến 21 tỷ USD vốn đầu tư, ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường. Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút dòng vốn chất lượng cao, TP.HCM đang từng bước triển khai chuyển đổi một số khu công nghiệp theo định hướng khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái - hướng đi được xem là tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững.

KCN Hiệp Phước là 1 trong 5 khu công nghiệp tại TP.HCM đang thí điểm chuyển đổi mô hình. Nơi đây được kỳ vọng trở thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của thành phố khi tham gia chương trình KCN sinh thái toàn cầu giai đoạn 2020-2023 do Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ. Từ mức đáp ứng chỉ 44% vào năm 2020, đến cuối năm 2023, tỷ lệ đạt tiêu chí đã tăng lên 76% và được kỳ vọng sẽ đạt 88% trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Bảo Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước cho biết: "Bản thân KCN Hiệp Phước đã tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sinh thái từ 4 năm trước. Mô hình này sử dụng các sản phẩm tuần hoàn của nhau: sản phẩm hay phế phẩm của doanh nghiệp này sẽ được doanh nghiệp khác trong khu sử dụng. Khu công nghiệp cũng sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng mặt trời áp mái, áp dụng các công nghệ giảm phát thải ra môi trường, kèm theo đó là tìm kiếm và kết nối các tổ chức tín dụng để họ hỗ trợ về kinh tế xanh".

Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết: "Về xu hướng chung chúng tôi sẽ áp dụng những tiêu chuẩn xanh cho các khu công nghiệp ở TP.HCM. Việc thực hiện ở KCN Hiệp Phước chỉ là bước đầu tiên để chúng tôi thí điểm. Và sau đó, từ kinh nghiệm ở KCN Hiệp Phước, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các KCN khác không chỉ là ở các KCN hiện hữu mà ở các KCN mới".

6 tháng đầu năm 2025, TP.HCM tiếp tục nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, mức độ “xanh hóa” và cam kết phát triển bền vững chính là yếu tố then chốt trong quyết định lựa chọn khu công nghiệp đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Quân cho biết: "Hiện nay, nhu cầu của nhà đầu tư muốn đẩy nhanh việc đưa dự án vào hoạt động nên họ muốn tìm những điểm nào có thể lắp đặt ngay. Điểm thứ hai nhà đầu tư luôn quan tâm đó là nguồn lao động. Và trong quá trình chúng tôi xúc tiến đầu tư, xu thế nổi lên là hầu như nhà đầu tư nào cũng đưa ra các vấn đề liên quan là có năng lượng sạch, cụ thể là điện xanh hay không để người ta có thể sử dụng cho nhà máy".

Bà Nguyễn Thuỵ Lam Tuyền, Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH Schindler Việt Nam cho biết: "Hiện tại, đối với tất cả các doanh nghiệp FDI, EGS là một xu hướng phát triển bền vững và tất cả mọi người phải theo. Vì thế, khi doanh nghiệp mình lựa chọn ở bất kỳ một khu công nghiệp nào đồng hành về sứ mệnh và tầm nhìn với doanh nghiệp thì đó là một bước vô cùng thuận lợi để cho doanh nghiệp phát triển. Hiện tại doanh nghiệp mình đã đạt được chứng chỉ ISO 50001 là về quản trị năng lượng hiệu quả và đó là một điểm cộng rất lớn cho hồ sơ của mình trong quá trình xuất khẩu".

Theo quy hoạch đến 2050, TP.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 49.000 ha, trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước. Giai đoạn 2025-2030, Thành phố đặt mục tiêu thu hút 20-21 tỷ USD đầu tư. Hiện TP.HCM đang hoàn thiện đề án chuyển đổi 5 khu gồm: Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu theo hướng công nghệ cao, xanh và tuần hoàn. Đây là bước đi chiến lược nhằm gia tăng sức hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời