Thông tư 29: Bước ngoặt cho một nền giáo dục công bằng | Hà Nội tin mỗi chiều

Ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm, sẽ có hiệu lực.

Thế là những bức xúc vốn âm ỉ nhiều năm nay về dạy thêm học thêm trong nhà trường rất có thể sẽ được giải quyết. Nhiều ngày nay, báo chí, những người trong cuộc, dư luận bày tỏ rất nhiều ý kiến về vấn đề này.

Rất nhiều người ủng hộ tinh thần của Thông tư 29, cho thấy quyết tâm lớn của ngành giáo dục nước nhà khi loại bỏ những ồn ào không đáng có xung quanh chuyện học thêm, dạy thêm mà mọi người vẫn nói vui “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Cũng như nhiều thông tư mới đi vào cuộc sống, Thông tư 29 tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Điều này làm chúng ta nhớ tới Nghị định 168 về nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm nay. Ai cũng kêu trời vì mức phạt "thổi bay" cả tháng lương nhưng rồi tình hình giao thông trên toàn quốc đã cải thiện rõ nét khi tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, ý thức người dân được nâng lên đáng kể. Thế nên, hy vọng rằng, Thông tư 29 là một cột đèn giao thông của ngành giáo dục để đưa môi trường giáo dục trở về với trật tự của nó!

Vì sao chúng ta lại đặt kỳ vọng vào thông tư này như thế? Đơn giản là bởi, hoạt động dạy thêm, học thêm từ chỗ công khai, biến thành hoạt động do cha mẹ học sinh “tự nguyện” viết đơn xin và đứng ra tổ chức; các lớp dạy thêm học thêm dần mang tên các lớp “tăng cường”, “bổ trợ”, “bồi dưỡng”, “nâng cao”, “câu lạc bộ”; kiến thức từ chỗ “thêm” hoặc “bồi” trở thành cốt lõi, nếu học sinh muốn cải thiện điểm số. Từ chỗ như một hoạt động “phụ đạo”, dạy thêm học thêm có lúc như “chính đạo”, thậm chí được ưu tiên hơn, để có kiến thức đi thi.

Nói như vậy không có nghĩa học thêm là tiêu cực. Đối với học sinh có học lực chưa tốt, việc học thêm giúp các em củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập. Đối với những học sinh có nhu cầu nâng cao, học thêm cũng là một phương án để phát triển khả năng tư duy, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Về bản chất, nếu vì người học một cách chính đáng thì học thêm cũng là một việc nên làm.

Thế nhưng từ việc nên làm, nhiều người đã mặc định đó là việc phải làm. Nguy hiểm hơn, một bộ phận giáo viên ở đâu đó đã biến việc làm này thành “quyền ưu tiên” cho quyền lợi của mình, của những học sinh theo học riêng với mình. Từ đó khiến học thêm vô hình trở thành áp lực với người học, với cha mẹ các em. Nhiều người đặt ra những thắc mắc như vì sao dạng bài tập này phải tới lớp học thêm mới được giáo viên chỉ dẫn mà không phải ở thời khoá biểu trên lớp?

Thông tư 29 sẽ chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, cũng như giáo viên.

Theo đó, việc tổ chức dạy thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu thực sự và phải có sự đồng ý của phụ huynh. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh tham gia các lớp học không cần thiết.

Với học sinh tiểu học, dạy thêm bị cấm hoàn toàn nhằm giảm áp lực học tập cho trẻ nhỏ (trừ các trường hợp bồi dưỡng năng khiếu hoặc luyện tập thể chất). Thêm vào đó, là quy định giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường cho học sinh của mình. Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm tránh tình trạng giáo viên cắt giảm nội dung giảng dạy trên lớp để buộc học sinh phải đi học thêm. Và để tăng cường quản lý về tài chính cũng như phù hợp với các quy định về kinh doanh, thông tư yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải có đăng ký, phải công khai học phí, tránh tình trạng thu học phí vô tội vạ, gây áp lực lên phụ huynh.

Những quy định mới này đã đề cập đến những nhức nhối mà báo chí, dư luận và cả những người trong cuộc quan tâm bao nhiêu năm nay. Đó là việc không thể không làm, không thể trì hoãn nếu chúng ta muốn đổi mới giáo dục. Nếu thực hiện được các quy định của Thông tư 29 một cách nghiêm túc, hoạt động học thêm, dạy thêm không chính đáng sẽ không còn tồn tại trong các nhà trường. Học sinh có thêm thời gian, không gian để tham gia các hoạt động cải thiện các kỹ năng mềm, các năng khiếu thể thao, mỹ thuật, âm nhạc và phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm, khả năng hòa nhập xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Mối quan hệ thầy – trò, nhà trường – gia đình sẽ trở về đúng quỹ đạo, đúng kỷ cương.

Một nền giáo dục lành mạnh không chỉ nằm ở việc giảm dạy thêm, học thêm tràn lan mà còn phải đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng, bảo đảm môi trường giáo dục văn minh, thực sự vì người học. Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực này, nhưng để thành công, tôi cho rằng cần sự vào cuộc của toàn xã hội, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh đến chính các em học sinh.

Đồng thời, cần có thêm các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, để mọi thành phần tham gia hoạt động dạy và học nâng cao ý thức, tự giác thực hiện đúng quy định, thì mới có thể xây dựng một nền giáo dục công bằng, bền vững và thực chất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) vừa bổ sung tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sẽ diễn ra vào ngày 26/4 tới đây. Đáng chú ý, tài liệu bổ sung chính là tờ trình xin ý kiến ĐHĐCĐ về việc mua cổ phiếu quỹ.

Tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đã tiến triển thuận lợi cho dù những gì đạt được mới chỉ là những bước đi dò dẫm ban đầu.

Thủ tướng chỉ đạo chi trả sớm lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 5; Bộ Y tế yêu cầu rà soát quy trình mua thuốc sau vụ thuốc giả tại Thanh Hóa; Công an thành phố Hà Nội điều tra vụ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì; Nga - Ukraine cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dịp Lễ Phục sinh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui"; Người dân đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; Cả nước đã hỗ trợ xóa hơn 200.000 nhà tạm, nhà dột nát; Nga - Ukraine đổ lỗi lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Vốn đã thất vọng vì sự thay đổi của Khánh Đường, lại thêm việc anh nghe lời ly gián mà không tin tưởng mình, Thiếm Thiếm đã quyết định dứt khoát. Mời các bạn đón xem tập 24 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Có những vết thương mãi không lành, bởi những hiểu lầm và chấp niệm giữa hai mẹ con Tôn Thụ. Mời các bạn đón xem tập 11 của bộ phim "Yêu em, người chữa lành vết thương cho anh", phát sóng lúc 12h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.