Thái Lan đẩy mạnh cứu hộ sau mốc 72 giờ

Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được triển khai tại công trường xây dựng bị sập ở Bangkok (Thái Lan) mặc dù mốc thời gian vàng 72 giờ đã qua.

Cho đến nay, số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà ở Bangkok đã lên đến 12 người, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng tại Thái Lan do ảnh hưởng của động đất lên 19 người, trong khi 75 người vẫn còn mất tích.

Tại Bangkok, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực không ngừng tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu sống sót nào dưới đống đổ nát của tòa nhà đang xây dựng. Các máy móc hạng nặng đã được huy động để xé toạc lớp bê tông và thép, mặc dù cơ hội tìm thấy người sống sót sau mốc 72 giờ trở nên vô cùng mong manh.

Bà Tavida Kamolvej, Phó Thống Đốc Bangkok, Thái Lan chia sẻ: “Chúng ta vẫn phải giữ hy vọng. Mặc dù đã vượt qua mốc 72 giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta xác định những người bị mắc kẹt là đã chết. Chỉ là cơ hội sống sót của họ thấp hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải tăng tốc, vì nếu còn sống, họ sẽ ngày càng trở nên yếu đi và dễ bị tổn thương. Vì vậy, công tác cứu hộ sẽ tiếp tục với nỗ lực không ngừng”.

Trước đó, theo tờ Bangkok Post, công trình tòa nhà 30 tầng bị đổ sập trên được khởi công vào năm 2020. Ban đầu tòa nhà dự kiến hoàn thành vào năm 2026 nhưng liên tục bị chậm tiến độ. Phó Tổng Kiểm toán Sutthipong Boonnithi tiết lộ, tòa tháp mới chỉ hoàn thành 30% khối lượng công việc trước khi sập đổ trong trận động đất hôm 28/3. Đây là tòa nhà duy nhất ở Bangkok bị đổ sập hoàn toàn sau trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra tại miền Trung Myanmar gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực lân cận. Chính phủ Thái Lan đã mở cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ sập, sau khi phát hiện các mẫu thép không đạt tiêu chuẩn tại hiện trường.

Trong khi đó, tại Myanmar, tình hình trở nên ngày càng nghiêm trọng. Trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.065 người, hơn 3.900 người bị thương và hơn 270 người vẫn mất tích. Các lực lượng cứu hộ đã giải cứu được một số người, trong đó có một phụ nữ mang thai và một bé gái, từ những tòa nhà bị sập tại thành phố Mandalay. Tuy nhiên, công tác cứu hộ và cứu trợ đang gặp rất nhiều khó khăn do sự thiếu thốn nghiêm trọng về các dịch vụ y tế và cơ sở vật chất. Hàng triệu người vẫn chưa được tiếp cận cứu trợ đầy đủ.

Ông Oscar Schaible, Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết: “Các cơ sở y tế bị phá hủy, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát các bệnh lây truyền qua nước như bệnh tả, tiêu chảy. Ngoài ra, sốt rét và sốt xuất huyết cũng là những mối đe dọa nghiêm trọng ở Myanmar hiện nay. Vì vậy, các khu vực bị ảnh hưởng cần được cung cấp hỗ trợ y tế khẩn cấp, nơi trú ẩn, nước sạch, màn chống muỗi và các vật dụng thiết yếu khác để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn”.

Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng vào cuộc, cung cấp viện trợ nhân đạo và cử các đội cứu hộ đến hỗ trợ Myanmar. Liên hợp quốc cam kết cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp cho những người sống sót tại miền trung Myanmar, trong khi Mỹ đã cam kết viện trợ 2 triệu USD cho các tổ chức nhân đạo đang hoạt động tại đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đáp lại đề xuất ngừng bắn của phía Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ý sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn sau thời hạn này.

Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.

Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.

Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.