Sự trở lại của 'Sân khấu truyền hình'
Các vở diễn kinh điển đã tái sinh mạnh mẽ khi được phục dựng với tâm huyết của nghệ sĩ, sự sáng tạo của biên kịch và ứng dụng công nghệ truyền hình.
“Sân khấu truyền hình” của Đài Hà Nội mang một nét riêng khi thể hiện được bản sắc văn hóa lịch sử của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Đậm đà bản sắc văn hóa Hà Nội
Trên sân khấu kịch Hà Nội, những vở diễn về con người và mảnh đất Thủ đô không chỉ là nghệ thuật, mà còn là ký ức, là bản sắc, là dòng chảy âm thầm nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ. Từ những năm tháng chiến tranh đến thời kỳ đổi mới, hình ảnh người Hà Nội hiện lên qua từng vai diễn – vừa hào hoa, thanh lịch, vừa mạnh mẽ, đầy nghĩa tình.
Không ít tác phẩm sân khấu đã dựng lại không khí của Hà Nội trong những ngày tháng gian khổ – nơi tình người bừng sáng giữa tiếng bom rơi, đạn nổ. Vở kịch "Lời thề thứ 9" là một minh chứng tiêu biểu. Tác phẩm không chỉ khắc họa chân thực hình ảnh người chiến sĩ nơi chiến trường ác liệt, mà còn làm nổi bật tình quân dân keo sơn – nơi những con người xa lạ gắn bó như máu thịt. Tính nhân văn truyền tải qua các chi tiết trong vở diễn không nằm ở bi kịch, mà ở cách con người chọn yêu thương, hy sinh và đứng lên vì lẽ phải.
Không chỉ dừng lại ở quá khứ, sân khấu còn bước tiếp vào dòng chảy của thời cuộc, phản ánh sự biến chuyển trong xã hội. Vở "Tôi và chúng ta" – cũng là một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ – đã làm dậy sóng dư luận một thời, và cho đến hôm nay, giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Tác phẩm sân khấu này cho thấy sự đối đầu gay gắt giữa tinh thần cấp tiến – những con người mong muốn đổi mới cách làm việc, quản lý và một bên là tư tưởng bảo thủ, trì trệ, lo sợ mất quyền lực, địa vị. Qua đó, hình ảnh người Hà Nội thời kỳ hậu chiến không còn chỉ là biểu tượng của sự hào hoa, mà còn là đại diện cho khát vọng đổi mới, dám nói, dám làm vì sự phát triển chung.
"Sau 40 năm, năm nay cũng chính là năm bản lề cực kỳ quan trọng với đất nước chúng ta. Năm mà chúng ta cải cách, vở kịch 'Tôi và chúng ta' lại rất đúng với câu chuyện mà cả nước chúng ta đang hướng tới. Đó chính là sức sống mãnh liệt của một vở diễn", NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho hay.
Những vở diễn như "Lời thề thứ 9", "Tôi và chúng ta", cùng nhiều tác phẩm khác đã và đang góp phần tái hiện một Hà Nội sống động từ trong gian khó đến thời kỳ chuyển mình. Trên tất cả, đó là hình ảnh người Hà Nội với khí chất thanh lịch, tình nghĩa và luôn khao khát vươn tới những giá trị cao đẹp.
Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại
Trong dòng chảy sôi động của đời sống hiện đại, nơi công nghệ và giải trí số đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường nghệ thuật, sân khấu kịch vẫn bền bỉ giữ vai trò là nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc. Hàng loạt vở kịch kinh điển của sân khấu Việt đã được đưa trở lại ánh đèn sân khấu, với một diện mạo mới – hiện đại hơn, công phu hơn – trong khuôn khổ dự án "Sân khấu truyền hình" do Đài Hà Nội phối hợp cùng các nhà hát nghệ thuật thực hiện. Đây không chỉ là một nỗ lực bảo tồn những giá trị sân khấu truyền thống, mà còn là cây cầu nối đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng đương đại – đặc biệt là thế hệ trẻ.
Diễn viên Thanh Sơn chia sẻ: "Khi vở kịch được chiếu trên truyền hình, đó là sân khấu được đưa gần hơn đến với khán giả trẻ. Sân khấu có thể là một loại hình nghệ thuật từ lâu mọi người dần quên đi chỗ đứng. Tôi rất hy vọng sau những chương trình như thế này, sân khấu lại một lần nữa có được vị trí trong lòng khán giả".
"Truyền hình trực tiếp tại sân khấu chỉ kém so với khi xem tại nhà hát một chút thôi, nhưng sẽ là sự hồi hộp. Mọi thứ như được sống gần gũi hơn. Đây là một giải pháp rất đáng khích lệ, mọi người đều rất vui vẻ và cảm thấy phấn khích", NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay.
Không ít người từng nghĩ rằng những vở kịch được sáng tác từ cách đây hàng chục năm – như "Tôi và chúng ta", "Lời thề thứ 9" sẽ trở nên xa lạ, khó tiếp cận với người xem hiện đại nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại.
Diễn viên Thanh Hương tự hào: "Đây cũng sẽ là một bản 'Tôi và chúng ta' do những người nghệ sĩ trẻ thực hiện, một hơi thở mới, màu mới. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều điều mới mẻ".
Khi các vở diễn kinh điển được dựng lại với tâm huyết của các nghệ sĩ, sự sáng tạo của nhà biên kịch và công nghệ của truyền hình, đó không chỉ là sự trở lại, mà là một lần tái sinh mạnh mẽ. Trong không gian ấy, truyền thống không bị lãng quên, mà được kể lại bằng hơi thở của hôm nay. Và sân khấu – tưởng chừng đã lùi xa – nay lại đang tiến gần hơn bao giờ hết, chạm vào đời sống, vào suy nghĩ, vào những cảm xúc rất thật của mỗi khán giả thời nay.
Cầu nối giữa nghệ thuật và công chúng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Lần đầu tiên, hình ảnh vị Tổng Tư lệnh gần dân, thương lính trong chiến thắng Điện Biên Phủ được khắc họa bằng nghệ thuật chèo – loại hình sân khấu truyền thống Bắc Bộ – trong vở diễn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" do Nhà hát Chèo quân đội dàn dựng. Đây là sự kết hợp hiếm có giữa chất sử thi hiện đại với nghệ thuật dân gian truyền thống.
Đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ: "Với chèo, chúng tôi phải làm sao cho cô đọng và tạo được dấu ấn, mà khó nhất vẫn là lột tả sự nhân văn của cụ Giáp, những nét mà cụ ứng xử với các chiến sĩ".
Phía sau những phút thăng hoa trên sân khấu là quá trình lao động nghệ thuật miệt mài. Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo quân đội đã có nhiều tháng tập luyện, nghiên cứu tư liệu về Đại tướng để lồng ghép đời thực vào hình thức biểu đạt cách điệu của sân khấu chèo. Áp lực không chỉ là khắc họa một nhân vật lịch sử, mà còn làm sao để khán giả cảm được hình tượng của Đại tướng qua nghệ thuật chèo. Để chuẩn bị cho ngày lên sóng, các nghệ sĩ đã có nhiều buổi tập luyện miệt mài. Từ nhạc nền, điệu hát, cho đến lời thoại đều được chọn lọc kỹ càng, nhằm giữ được sự trang nghiêm mà vẫn gần gũi với khán giả thời nay.
NSND Trịnh Minh Tiến – Đóng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết "Sân khấu trực tiếp có lượng khán giả lớn, mình không được phép lỗi. Đó là sự áp lực rất lớn với người nghệ sĩ, người nghệ sĩ phải hình dung và tạo sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả".
Sự kết hợp giữa nghệ thuật dân gian và công nghệ truyền thông hiện đại trên các nền tảng số của kênh truyền hình Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho chèo – một trong những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Hy vọng những nỗ lực làm mới nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục được khán giả đón nhận trong không gian số ngày nay. Đó cũng là một món quà nghệ thuật mang tinh thần tri ân, kết nối quá khứ với hiện tại bằng các giá trị hồn cốt của dân tộc.