Phường Thượng Cát: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Thượng Cát được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thượng Cát, Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Cổ Nhuế 2, Minh Khai, Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).
Lý do lấy tên phường mới là Thượng Cát bởi Thượng Cát là một phường thuộc quận Bắc Từ Liêm; xưa kia là vùng đầm lầy, rừng rậm ven sông Hồng, được các lớp cư dân Việt cổ đến khai phá, lập làng, lấy tên Nôm là Kẻ Kẻ, gồm các làng: Thượng Cát, Hạ Cát và Đống Ba, gọi chung là vùng Kẻ, hợp cùng vùng Kẻ Giày, Kẻ Gối... cư tụ thành vệt làng đông đúc dọc sông Hồng. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Thượng Cát bảo đảm yếu tố truyền thống văn hóa lịch sử; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Thượng Cát
Phường Thượng Cát giáp các phường: Đông Ngạc, Tây Tựu và các xã: Ô Diên, Thiên Lộc, Mê Linh của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 14,77 km²; quy mô dân số là 24.692 người.
- Phường Cổ Nhuế 2 (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 0,07 km²; Quy mô dân số: 373 người
- Phường Liên Mạc (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 6,42 km²; Quy mô dân số: 12.244 người
- Phường Minh Khai (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,03 km²
- Phường Tây Tựu (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,31 km²
- Phường Thượng Cát (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 4,16 km²; Quy mô dân số: 9.197 người
- Phường Thụy Phương (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,78 km²; Quy mô dân số: 2.878 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Thượng Cát
Phường Thượng Cát nằm ven tả ngạn sông Hồng, tiếp giáp Đông Anh qua cầu Thượng Cát - tuyến cầu và đường đang được đầu tư, hứa hẹn trở thành trục kết nối giữa hai bờ sông và mở ra không gian phát triển mới cho phía Bắc Hà Nội.
Giao thông phường Thượng Cát đóng vai trò nút giao trung chuyển hàng hóa và hành khách với các tuyến đường chính như: vành đai 3, đường Tây Thăng Long (mở rộng), đường nối cầu Thượng Cát đến Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, đồng thời kết nối với hệ thống đường ven sông Hồng đang được quy hoạch.
Thượng Cát còn có lợi thế về quỹ đất, địa hình tương đối bằng phẳng, phù hợp cho việc phát triển các khu đô thị sinh thái, khu hậu cần kỹ thuật, bến bãi ven sông và hạ tầng giao thông - đô thị hiện đại. Với những đặc điểm đó, Thượng Cát không chỉ là vùng tiếp giáp phát triển mới của Hà Nội về phía Tây Bắc, mà còn là bệ đỡ giao thương liên vùng, góp phần cân bằng không gian phát triển của Thủ đô, giảm áp lực cho khu vực nội đô và đóng vai trò then chốt trong chiến lược mở rộng đô thị Hà Nội theo hướng sinh thái - bền vững.
Đặc điểm kinh tế phường Thượng Cát
Phường Thượng Cát mang trong mình những đặc điểm kinh tế - xã hội riêng biệt, đóng vai trò là vùng chuyển tiếp giữa khu đô thị trung tâm với không gian phát triển công nghiệp - logistics ven sông Hồng và vùng ven đô phía Bắc Thủ đô. Phường Thượng Cát có thể mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, dịch vụ hậu cần, thương mại giao thương và khai thác lợi thế ven sông.
Khu vực này vẫn giữ một tỷ lệ nhất định đất nông nghiệp, đặc biệt là vùng bãi ven sông Hồng và khu vực Liên Mạc, Tây Tựu, có thể khai thác cho nông nghiệp công nghệ cao, trồng hoa cây cảnh, và phát triển mô hình trang trại đô thị gắn với du lịch sinh thái.
Với lợi thế nằm gần tuyến đường vành đai 3, đường Tây Thăng Long và cầu Thượng Cát đang quy hoạch, phường có điều kiện thuận lợi để phát triển các khu bến bãi, kho vận, trung tâm logistics nhỏ và vừa, tạo ra động lực mới cho ngành dịch vụ - vận tải liên vùng. Một phần dân cư vẫn duy trì các ngành nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ tự phát, góp phần hình thành các cụm kinh tế dân sinh đa dạng.
Về mặt xã hội, dân cư tại đây có xuất phát điểm không đồng đều do sáp nhập từ nhiều khu vực khác nhau, nhưng đa phần là cư dân lâu đời, có sự gắn bó cộng đồng cao, kết hợp với làn sóng dân cư mới đến từ các khu đô thị mới đang phát triển. Điều này tạo nên một cơ cấu dân cư pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, là điều kiện thuận lợi để hình thành các mô hình kinh tế - xã hội thích ứng, linh hoạt.
Trong tương lai gần, với các dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai, phường Thượng Cát có tiềm năng trở thành cực tăng trưởng dịch vụ - hậu cần - sinh thái ven sông, bổ trợ và cân bằng chức năng cho các khu vực phát triển đô thị đặc thù còn lại của Thủ đô.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Thượng Cát
Phường Thượng Cát mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống vùng ven sông Hồng, hiện nay vẫn gìn giữ được không gian làng cổ, tín ngưỡng dân gian và các hoạt động lễ hội lâu đời. Thượng Cát nổi bật với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, đặc biệt là các đình, đền, chùa cổ nằm rải rác tại các làng Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương - nơi vẫn duy trì tập tục thờ Thành hoàng làng, rước nước, tế lễ nông nghiệp truyền thống theo mùa vụ.
Đây cũng là khu vực có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch văn hóa cộng đồng và du lịch trải nghiệm vùng ven đô. Các làng nghề truyền thống, nếp nhà cổ, hoạt động canh tác vùng bãi, chợ quê và đời sống cư dân nông nghiệp tạo nên một không gian văn hóa khác biệt so với các khu đô thị hóa phía Nam Hà Nội. Đồng thời, sự hiện diện của sông Hồng và các tuyến đường ven sông quy hoạch cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa làng xã Bắc Bộ, góp phần bảo tồn bản sắc Hà Nội gắn với phát triển kinh tế du lịch xanh, bền vững.
Về mặt xã hội, cộng đồng cư dân tại Thượng Cát mới có tính liên kết chặt chẽ, sinh hoạt cộng đồng giàu bản sắc, đời sống tinh thần phong phú. Điều này góp phần hình thành nên một khu vực văn hóa - xã hội ổn định, có chiều sâu truyền thống, là nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển bền vững, hài hòa giữa hiện đại và bản sắc văn hóa dân tộc của Thủ đô trong tương lai.
Trên địa bàn phường, mạng lưới trường học tập trung đầy đủ các cấp học, một số trường tiêu biểu: Trường Mầm non Liên Mạc, Trường Mầm non Thượng Cát, Trường Mầm non Thụy Phương; Trường Tiểu học Thượng Cát, Trường Tiểu học Liên Mạc, Trường Tiểu học Thụy Phương; Trường THCS Thượng Cát, Trường THCS Liên Mạc, Trường THCS Thụy Phương; Trường THPT Thượng Cát,...
Trên địa bàn phường, hệ thống y tế cơ sở được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn; y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được thực hiện đầy đủ đảm bảo an sinh xã hội. Trên địa bàn còn thiếu các bệnh viện đa khoa quy mô lớn, tuyến đầu.
● Trụ sở Đảng ủy phường Thượng Cát: Đường Yên Nội, TDP Yên Nội 1
● Trụ sở UBND phường Thượng Cát: Số 55 đường Yên Nội
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thượng Cát: đồng chí Lưu Ngọc Hà
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Thượng Cát: đồng chí Lê Thị Thu Hương
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thượng Cát: đồng chí Văn Thúy Hoa.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây