Phường Yên Nghĩa: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Yên Nghĩa được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai (thuộc quận Hà Đông).
Phường mới lấy tên Yên Nghĩa bởi làng quê Yên Nghĩa giống nét chung của làng Việt Cổ ‘‘cây đa, giếng nước, sân đình’’. Nơi đây có kiến trúc đình chùa mái ngói, mái đao uốn cong mang đậm nét kiến trúc phương Đông, thể hiện đậm nét văn hoá của nền văn minh sông Hồng (nền văn minh lúa nước).
Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là phường Yên Nghĩa thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa lịch sử và tương lai, giữa ý chí của chính quyền và nguyện vọng của nhân dân; đồng thời tăng tính nhận diện và bảo đảm truyền thống văn hóa - lịch sử; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới; hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Yên Nghĩa
Phường Yên Nghĩa giáp các phường: Kiến Hưng, Phú Lương, Dương Nội, Chương Mỹ và các xã: Bình Minh, An Khánh, Hưng Đạo của thành phố Hà Nội. Phường Yên Nghĩa có diện tích tự nhiên là 13,18 km2; quy mô dân số là 49.643 người. Phường Yên Nghĩa được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai (thuộc quận Hà Đông).
Phường Yên Nghĩa được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai (thuộc quận Hà Đông).
- Phường Yên Nghĩa (Quận Hà Đông): Diện tích: 6,94km²; Quy mô dân số: 31.878
- Phường Đồng Mai (Quận Hà Đông): Diện tích: 6,24km²; Quy mô dân số: 17.765
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Yên Nghĩa
Phường Yên Nghĩa là điểm cuối của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có trục đường lớn quốc lộ 6 đi qua. Với vai trò là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn, phường bảo tồn các giá trị truyền thống, làng nghề và cụm dân cư lâu đời, có tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng hiện đại. Yên Nghĩa đang ngày càng khẳng định vị thế là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội phía Tây khu vực Hà Đông, đồng thời góp phần quan trọng trong việc giãn dân, giảm tải áp lực cho khu vực nội đô.
Đặc điểm kinh tế phường Yên Nghĩa
Kinh tế chủ yếu của phường Yên Nghĩa là thương mại - dịch vụ, vận tải - logistics, tiểu thủ công nghiệp, phản ánh rõ nét vai trò là cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội.
Thương mại - dịch vụ: Hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phát triển đều trên địa bàn. Khu vực xung quanh bến xe Yên Nghĩa hình thành các cụm kinh doanh sầm uất, phục vụ dân cư địa phương và khách qua lại. Khu đô thị mới Đô Nghĩa, Khu đô thị Văn Phú - Yên Nghĩa tiếp tục thu hút dân cư, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ như: giáo dục, y tế tư nhân, ăn uống, giải trí,...
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Trên địa bàn có một số cụm công nghiệp nhỏ và làng nghề thủ công, đặc biệt là sản xuất đồ gỗ, cơ khí, vật liệu xây dựng... đang được quy hoạch lại, dần chuyển đổi công năng phù hợp với đô thị hóa. Việc sáp nhập giúp quản lý hiệu quả hơn về môi trường, giảm tình trạng ô nhiễm, từ đó hướng đến sản xuất công nghiệp sạch.
Nông nghiệp thu hẹp, đất đai chuyển đổi theo hướng đô thị hóa: Nông nghiệp trước đây có vai trò trong đời sống dân cư, nhưng sau sáp nhập và mở rộng hạ tầng đô thị, diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh. Diện tích này được định hướng quy hoạch thành đất xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…
Hạ tầng giao thông - đô thị được đầu tư đồng bộ: Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài và hệ thống xe buýt nhanh BRT tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển, hỗ trợ phát triển các cụm dân cư, thương mại. Các tuyến đường lớn như Lê Trọng Tấn kéo dài, đường vành đai 3.5,... giúp nâng cao giá trị bất động sản và thu hút đầu tư vào khu vực này.
Thu hút đầu tư và phát triển bất động sản đô thị: Với tốc độ đô thị hóa nhanh và quỹ đất còn lớn, Yên Nghĩa trở thành khu vực thu hút các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, phù hợp với người thu nhập trung bình và thấp. Một số dự án nổi bật như: Khu đô thị Đô Nghĩa, Khu nhà ở xã hội The Vesta, Tổ hợp khu nhà ở An Bình,...
Yên Nghĩa được xác định là một phần trong định hướng phát triển vừa giảm áp lực cho nội đô, vừa phát triển theo hướng bền vững. Là điểm thu hút đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, thương mại dịch vụ, giáo dục - y tế tư nhân, logistics và công nghiệp hỗ trợ.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Yên Nghĩa
Phường Yên Nghĩa nổi bật với truyền thống làng quê giàu bản sắc, các di tích tín ngưỡng cổ kính và lễ hội dân gian đặc sắc, thể hiện rõ nét chiều sâu văn hóa của vùng ven đô Hà Nội. Khu vực này còn lưu giữ nhiều đình chùa được xếp hạng di sản văn hóa Quốc gia như chùa Do Lộ (1990); đình Do Lộ (1990); đình Yên Lộ (1991), đình Nghĩa Lộ (1991) .
Trên địa bàn phường có đầy đủ các cấp học từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở như Trường Mầm non Yên Nghĩa, Tiểu học Yên Nghĩa A và B, THCS Yên Nghĩa, Tiểu học Đồng Mai, THCS Đồng Mai, trong đó có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, vị trí gần các khu đô thị mới và trục đường lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các trường chất lượng cao tại khu vực.
Phường có các trạm y tế tại Yên Nghĩa và Đồng Mai, đảm bảo công tác khám chữa bệnh ban đầu, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cư dân cũng dễ dàng tiếp cận các bệnh viện lớn cùng hệ thống phòng khám tư nhân và nhà thuốc hiện đại.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Yên Nghĩa: Số 6, đường Đê Tả Đáy, phường Yên Nghĩa (địa chỉ cũ: Số 6, đường Đê Tả Đáy, phường Đồng Mai, quận Hà Đông) - Tổ dân phố 10, phường Yên Nghĩa (địa chỉ cũ: Tổ dân phố 10, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông)
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Yên Nghĩa: đồng chí Nguyễn Nguyên Quân.
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa: đồng chí Lê Xuân Hoàn.
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Nghĩa: đồng chí Lương Huệ Minh.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây