Phường Bạch Mai: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Bạch Mai nằm trong vùng lõi đô thị, tiếp giáp nhiều tuyến đường: Đại La - Minh Khai - Trương Định - Giải Phóng - Kim Ngưu - Bạch Mai - Đại Cồ Việt.
Lý do lấy tên phường mới là Bạch Mai là do Bạch Mai cũng là một tuyến phố và cũng là phường của quận Hai Bà Trưng hiện nay, đồng thời là địa bàn có nhiều di tích tâm linh cổ kính. Theo đó, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Bạch Mai có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới; hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Bạch Mai
Phường Bạch Mai giáp các phường: Vĩnh Tuy, Kim Liên, Tương Mai, Hai Bà Trưng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phương Liệt của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 2,95 km²,; quy mô dân số là 129.571 người.
Phường Bạch Mai được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Bạch Mai, Quỳnh Mai, Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thanh Nhàn, Minh Khai, Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của 13 các phường: Phương Mai (quận Đống Đa); Lê Đại Hành, Trương Định (quận Hai Bà Trưng), trong đó:
- Phường Bách Khoa (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,66 km²; Quy mô dân số: 30.262 người.
- Phường Bạch Mai (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,51 km²; Quy mô dân số: 25.093 người.
- Phường Lê Đại Hành (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,03 km²; Quy mô dân số: 770 người.
- Phường Minh Khai (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,30 km²; Quy mô dân số: 14.055 người.
- Phường Quỳnh Mai (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,17 km²; Quy mô dân số: 15.900 người.
- Phường Thanh Nhàn (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,72 km²; Quy mô dân số: 22.121 người.
- Phường Trương Định (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,15 km²; Quy mô dân số: 5.660 người.
- Phường Đồng Tâm (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,38 km²; Quy mô dân số: 14.795 người.
- Phường Phương Mai (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,03 km²; Quy mô dân số: 915 người.
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Bạch Mai
Phường Bạch Mai nằm trong vùng lõi đô thị, tiếp giáp nhiều tuyến đường như Đại La - Minh Khai - Trương Định - Giải Phóng - Kim Ngưu - Bạch Mai - Đại Cồ Việt.
Phường giữ vai trò là trung tâm giáo dục đại học - y tế cấp quốc gia. Với sự hiện diện của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây dựng, Đại học Mở, Cao đẳng nghề Bách Khoa, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương,… đây là vùng tập trung chất lượng nhân lực trí thức, sinh viên và các chuyên gia y tế hàng đầu.
Là một trong những đơn vị hành chính đô thị có lịch sử phát triển lâu đời, nơi hình thành các làng nghề truyền thống, khu dân cư tiểu thủ công nghiệp từ thời kỳ bao cấp, nay đang chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng và kinh tế đô thị.
Đặc điểm kinh tế phường Bạch Mai
Phường có cơ cấu kinh tế đa dạng, dịch vụ chiếm ưu thế, trong đó có thế mạnh về thương mại - dịch vụ đô thị chiếm tỷ trọng lớn, với mạng lưới chợ dân sinh (chợ Bạch Mai, chợ Trương Định, chợ Quỳnh Mai…), cửa hàng dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ và hệ thống trung tâm thương mại, tuyến phố chuyên doanh như Lê Thanh Nghị (điện tử, máy tính), Minh Khai, Đại La (ăn uống, thời trang, sửa chữa).
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ truyền thống phát triển: Khu vực Đồng Tâm - Trương Định - Thanh Nhàn còn duy trì nhiều hộ gia đình làm nghề thủ công, dịch vụ tại gia như may mặc, in ấn, thực phẩm, sửa chữa cơ khí nhỏ.
Hỗ trợ giáo dục - y tế: Sự hiện diện của các trường đại học lớn, bệnh viện tuyến Trung ương góp phần tạo ra nhu cầu cao về lưu trú, ăn uống, sinh hoạt, y tế tư nhân, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tiểu thương, dịch vụ phụ trợ phát triển mạnh.
Phường tập trung nhiều khu nhà tập thể cũ, nay đang trong lộ trình cải tạo thành các khu nhà ở cao tầng hoặc tái định cư hiện đại (Khu tập thể Bách Khoa, Quỳnh Mai…). Sự xuất hiện của khu chung cư mới dẫn đến gia tăng dân số cơ học, thúc đẩy các ngành nghề mới (bán lẻ hiện đại, dịch vụ sức khỏe, giáo dục mầm non…).
Tuy nhiên, mật độ dân cư cao và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ vẫn là thách thức trong quản lý đô thị và phân bố nguồn lực.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Bạch Mai
Về di sản văn hóa: Phường Bạch Mai là địa bàn có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, sở hữu hệ thống di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng về loại hình và có giá trị lớn trong kho tàng văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trên địa bàn phường hiện có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo đã được xếp hạng cấp Quốc gia và thành phố, phản ánh sự kết tinh giữa tín ngưỡng dân gian, lịch sử cách mạng và kiến trúc truyền thống Việt Nam. Phường có các chùa cổ tiêu biểu như: chùa Liên Phái (xây dựng từ năm 1726), nổi bật với nhiều tháp cổ mang giá trị nghệ thuật - tôn giáo; chùa Mai Hương (xây năm 1891), chùa Hương Tuyết (trùng tu 1912); chùa Linh Sơn, chùa Vân Hồ, chùa Chân Tiên, chùa Hưng Ký,... đều là những công trình kiến trúc cổ được cộng đồng cư dân gìn giữ như những biểu tượng văn hóa tâm linh.
Các đình làng cổ trên địa bàn: đình Lạc Nghiệp, đình Lương Yên, đình Hưng Ký, đình Hoành, đình Đồng Mít, đình Thể Giao, đình Quỳnh Mai. Đây là những không gian thiêng gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng và lễ hội truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc của các cộng đồng cư dân lâu đời trong khu vực.
Các di tích cách mạng, kháng chiến trên địa bàn: nhà số 307 Bạch Mai - di tích cách mạng tiêu biểu được xếp hạng cấp thành phố (2008); nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng về thăm, là biểu tượng của truyền thống lao động, cách mạng.
Hàng năm, tại các đình, chùa như đình Hoành, đình Đồng Mít, chùa Thiện Khánh, đình Mai Động, đình Hương Thể tại phường Bạch Mai đều diễn ra các lễ hội dân gian đặc sắc. Các hoạt động lễ hội kết hợp giữa nghi thức tín ngưỡng và phần hội dân gian như: thi đấu cờ người, kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê, hát quan họ, trình diễn dân ca truyền thống… tạo nên không gian văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc trong lòng đô thị hiện đại.
Phường cũng sở hữu thiết chế văn hóa - thể thao đa dạng với hơn 40 tủ sách, điểm văn hóa được bố trí tại các tổ dân phố cùng hệ thống câu lạc bộ người cao tuổi, nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng hoạt động đều đặn, tạo nền tảng xây dựng đời sống tinh thần phong phú cho người dân. Các công trình như Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi Trẻ, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa - thể thao, mà còn là "địa chỉ đỏ" gắn với sự kiện văn hóa cấp thành phố, quốc gia.
Ẩm thực và sản phẩm truyền thống: một số đặc sản địa phương như chè xanh, mít Đồng Tâm đã trở thành nét đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch - văn hóa kết hợp với trải nghiệm di sản và không gian phố cổ.
Về y tế, trên địa bàn phường có nhiều bệnh viện lớn, tuyến đầu với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao như: Bệnh Viện Ung Bướu Hà Nội, số 42A - Thanh Nhàn; Bệnh viện Tâm Thần Ban Ngày Mai Hương, số 4 Phố Hồng Mai - Bạch Mai; Bệnh viện Phổi Hà Nội, số 44 Thanh Nhàn; Bệnh viện Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng;... Cùng với đó là hệ thống các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.
Về giáo dục, địa bàn tập trung nhiều trường đại học lớn, lâu đời nhất trong cả nước như: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Đại Cổ Việt); Đại học Xây dựng Hà Nội (Giải Phóng); Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (Phố Vọng). Đây là cụm trường tập trung ở gần nhau và đều là những trường đại học lớn, có rất đông sinh viên đến học tập.
Ngoài ra, trên địa bàn tập trung số lượng lớn các trường phổ thông đa dạng tất cả các cấp học, có nhiều trường học chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu giáo dục của cư dân trong khu vực. Nhiều trường đạt chuẩn quốc gia như: Trường THPT Thăng Long, Trường THCS Ngô Gia Tự, Trường THCS Hà Huy Tập, Trường Tiểu học Quỳnh Lôi,… đóng vai trò là các cơ sở giáo dục truyền thống với chất lượng giảng dạy cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Thành phố.
Một số trường phổ thông tiêu biểu các cấp học trên địa bàn gồm có: Trường Tiểu học Lê Văn Tám, số 74/40 Tạ Quang Bửu; Trường Tiểu học Quỳnh Mai, phố Quỳnh Lôi; Trường Tiểu học Trung Hiền, ngõ Trại Cá; Trường THCS Hà Huy Tập, số 19 Ngõ 204 Phố Hồng Mai; Trường THCS Ngô Gia Tự, số 300 Phố Bạch Mai; Trường THCS Nguyễn Phong Sắc, số 44 Đại La; Trường THCS Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, số 273 Ngõ Quỳnh; Trường THPT Thăng Long, số 44 Đường Tạ Quang Bửu; Trường THPT Tạ Quang Bửu, số 94A Lê Thanh Nghị; Trường THPT Hoàng Diệu, số 9 Bùi Ngọc Dương; Trường THPT Trần Quang Khải, ngõ 1277/26 đường Giải Phóng.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Bạch Mai: số 33 Đại Cồ Việt
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bạch Mai: đồng chí Trần Quyết Thắng
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai: đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Bạch Mai: đồng chí Tạ Thị Thanh Huyền.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.