Phường Hồng Hà: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Hồng Hà nằm tại khu vực kết nối giữa khu đô thị cổ và vùng đô thị mở rộng ven sông Hồng, thuộc hành lang phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch phía Đông của thành phố.
Phường mới là Hồng Hà là do tên gọi Hồng Hà (sông Hồng) gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trải qua các thời kỳ lịch sử, sông Hồng luôn là con hào thiên nhiên phòng thủ cho Hà Nội. Lịch sử còn ghi chiến công của nghĩa quân Lam Sơn tấn công bao vây thành Đông Quan, đại bản doanh của Lê Lợi - Nguyễn Trãi đóng ở bến Bồ Đề; quân của Trịnh Tùng (1492) và quân của Nguyễn Huệ (1786) từ Nam ra Bắc hạ thành Thăng Long đã ngược sông Hồng, từ phía Đông Nam tiến đánh vào thành. Theo đó, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Hồng Hà có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Hồng Hà
Phường Hồng Hà giáp các phường: Bồ Đề, Long Biên, Hai Bà Trưng, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Phú Thượng và các xã: Vĩnh Thanh, Đông Anh của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 15,09 km²; quy mô dân số là 123.282 người.
Phường Hồng Hà được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (thuộc quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (thuộc quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (thuộc quận Tây Hồ), Bạch Đằng, Thanh Lương (thuộc quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (thuộc quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên (diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng) của các phường: Ngọc Thuỵ, Bồ Đề (quận Long Biên), trong đó:
- Phường Phúc Xá (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,89; Quy mô dân số: 22.379
- Phường Phúc Tân (Quận Hoàn Kiếm): Diện tích: 0,79; Quy mô dân số: 18.151
- Phường Chương Dương (Quận Hoàn Kiếm): Diện tích: 1,00; Quy mô dân số: 24.831
- Phường Bạch Đằng (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,73; Quy mô dân số: 15.164
- Phường Thanh Lương (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,63; Quy mô dân số: 3.314
- Phường Phú Thượng (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,77; Quy mô dân số: 2.036
- Phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ): Diện tích: 2,57; Quy mô dân số: 5.229
- Phường Tứ Liên (Quận Tây Hồ): Diện tích: 2,77; Quy mô dân số: 13.151
- Phường Quảng An (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,33; Quy mô dân số: 2.460
- Phường Yên Phụ (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,84; Quy mô dân số: 16.567
- Phường Bồ Đề (Quận Long Biên): Diện tích: 0,49; Quy mô dân số: 0
- Phường Ngọc Thụy (Quận Long Biên): Diện tích: 3,28; Quy mô dân số: 0
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Hồng Hà
Phường Hồng Hà nằm tại khu vực kết nối giữa khu đô thị cổ và vùng đô thị mở rộng ven sông Hồng, thuộc hành lang phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch phía Đông của thành phố. Với đặc điểm địa lý này, phường Hồng Hà là khu vực tập trung nhiều khu phố trải dài ven sông Hồng, từ khu vực Tứ Liên, Quảng An, Phú Thượng tới Bạch Đằng, Thanh Lương. Là khu vực tập trung nhiều cây cầu vượt sông của thành phố như: Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy,…
Đặc điểm kinh tế phường Hồng Hà
Phường Hồng Hà, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Với đặc điểm đa dạng về địa hình, dân cư và không gian phát triển, kinh tế phường Hồng Hà mang tính chất đa ngành, năng động và gắn liền với đô thị dịch vụ hiện đại, đồng thời vẫn có các yếu tố đặc thù do sự chuyển đổi cơ cấu từ các khu vực hợp nhất.
Kinh tế phường Hồng Hà phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ là chủ yếu với hệ thống chợ, cửa hàng và các hộ kinh doanh cá thể lâu đời. Các dịch vụ chủ yếu như bán lẻ, ăn uống, du lịch, dịch vụ tài chính và logistics. Trên địa bàn phường Hồng Hà có nhiều tuyến phố sầm uất như Trần Nhật Duật, Chương Dương Độ, Yên Phụ, Âu Cơ, Bạch Đằng - nơi tập trung hệ thống cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại và chợ truyền thống. Đây là khu vực đã phát triển ổn định, với cơ sở hạ tầng tốt, lượng khách du lịch cao và mật độ dân cư đông đúc - tạo nền tảng cho ngành thương mại - dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, phát triển.
Ngoài ra, các khu dân cư mới tại Phúc Xá, Phú Thượng hay Bồ Đề góp phần mở rộng không gian phát triển dịch vụ đô thị, đặc biệt là mô hình dịch vụ sinh thái, lưu trú homestay, quán cà phê, nghệ thuật ven sông, phục vụ cả cư dân và khách du lịch nội - ngoại thành.
Phường Hồng Hà hội tụ nhiều chợ truyền thống nổi tiếng, mua bán hàng hóa thiết yếu, đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa - xã hội gắn liền với cộng đồng dân cư lâu đời và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của phường và Thủ đô: các chợ dân sinh như Tứ Liên, Nhật Tân, Yên Phụ cung cấp hoa, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho cư dân trên địa bàn phường.
Phường Hồng Hà còn diện tích sản xuất nông nghiệp tại khu vực đất bãi tự nhiên ven sông tại khu vực Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ, Phú Thượng, Quảng An, Bồ Đề,... Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là các cây hoa màu ngắn ngày, cây ăn quả như: ngô, lạc, đậu tương, chuối, rau các loại,…
Phường Hồng Hà là địa bàn đặc biệt với nhiều tiềm năng phát triển du lịch đặc trưng, đa dạng và giàu bản sắc. Đặc điểm nổi bật là vị trí ven sông Hồng, trải dài và tiếp giáp với phường trung tâm Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng, đây là điều kiện thuận lợi giúp phường trở thành trung tâm kết nối du lịch hai bờ sông.
Là nơi hội tụ tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử phong phú từ các làng cổ (Yên Phụ, Nhật Tân), làng nghề truyền thống như trồng đào Nhật Tân, hoa Quảng Bá, quất cảnh Tứ Liên,… và hệ thống di tích văn hóa - lịch sử - tín ngưỡng, tạo điều kiện phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh và trải nghiệm cộng đồng. Đồng thời, với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc như bãi giữa sông Hồng, hồ Tây, vườn đào Nhật Tân…, phường có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái đô thị, nghỉ dưỡng cuối tuần và các hoạt động ngoài trời.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Hồng Hà
Phường Hồng Hà là đơn vị hành chính được thành lập trên cơ sở sắp xếp một phần hoặc toàn bộ địa giới của nhiều phường lâu đời thuộc các quận trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên. Điều này tạo nên một không gian văn hóa - xã hội phong phú, đa dạng, phản ánh rõ chiều sâu lịch sử và bản sắc đô thị của Thủ đô.
Với quy mô diện tích và dân số lớn, phường hình thành cộng đồng dân cư đa dạng về nguồn gốc, văn hóa, phong tục tập quán và trình độ dân trí. Khu vực Phúc Tân, Chương Dương, Phúc Xá, Bạch Đằng có mật độ dân cư cao, đa phần là người lao động phổ thông, tiểu thương, với mô hình sinh sống theo kiểu phố cổ, phố cũ, ngõ nhỏ, nhà cửa chật hẹp. Khu vực Nhật Tân, Tứ Liên, Phú Thượng lại mang đậm tính truyền thống làng xã trong đô thị, người dân gắn với làng nghề, sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch.
Phường Hồng Hà hội tụ nhiều không gian gắn liền với tiến trình lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Những khu vực như Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng, Yên Phụ, Tứ Liên, Ngọc Thụy… là nơi từng ghi dấu các sự kiện lịch sử trọng đại như khởi nghĩa Lam Sơn tấn công thành Đông Quan, chiến thắng của quân Tây Sơn qua ngả sông Hồng tiến vào Thăng Long. Tên gọi Hồng Hà không chỉ gợi nhớ đến dòng sông gắn liền với văn hóa lúa nước, mà còn mang trong mình biểu tượng của sự sống, sự kết nối và bảo vệ thành cổ Hà Nội. Với hệ thống di tích, đình, chùa, bến bãi cổ, các lễ hội truyền thống như lễ hội rước nước ở Phú Thượng, hội đền Quán Thánh, lễ cầu an đầu năm tại chùa Bồ Đề… vẫn được gìn giữ, thể hiện tính liên tục của văn hóa bản địa.
Các di sản văn hóa, tín ngưỡng kết hợp di tích lịch sử tiêu biểu, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia như: chùa Bắc Biên (1989), đình Phúc Xá (1993), chùa Vạn Ngọc (1990), chùa Tảo Sách (1993), đình Nhật Tân (1994),… Đặc biệt, phường còn có các công trình kiến trúc cổ, không gian nghệ thuật sáng tạo hiện đại, đặc sắc như:
Cầu Long Biên là một trong những công trình giao thông mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội và là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Được khởi công năm 1898 và hoàn thành năm 1902, cầu Long Biên do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế - cũng là đơn vị từng thiết kế tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris; Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Công trình này đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái" vì tình yêu Hà Nội năm 2008 và Tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới; không gian nghệ thuật sáng tạo tại Phúc Tân được triển khai năm 2020, đây là dự án cải tạo không gian khu vực ven sông Hồng, với sự tham gia của 15 nghệ sĩ nổi bật về thực hành nghệ thuật đương đại từ Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và hai nghệ sĩ nước ngoài thực hiện. Nhóm nghệ sĩ đã biến khu vực lộn xộn đầy rác thải trở thành một con đường nghệ thuật dài gần 1 km, với rất nhiều tác phẩm gắn liền với một thời quá vãng như: "Thuyền gương" gắn với một thời chạy lũ sông Hồng; "Nhà nổi" nhắc về nhắc về những cuộc sống trên sông; "Thuyền" với hình ảnh con thuyền, sóng nước từ 10.000 chai nhựa cũ,…
Phường có các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc trưng gắn với lịch sử, làng nghề, sông nước và tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ mẫu. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: hội làng Yên Phụ (mùng 10 tháng Giêng), hội làng Nhật Tân (cuối tháng Giêng), hội làng Tứ Liên (tháng 3 âm lịch), lễ hội hoa đào Nhật Tân,… Trong lễ hội, nhân dân thường tổ chức hát quan họ, trò chơi dân gian như đánh cờ, chọi gà.
Về y tế, phường Hồng Hà nằm gần khu vực các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 108, số 1 Trần Hưng Đạo; Bệnh viện Hữu Nghị, số 1 Trần Khánh Dư; Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, số 29 Hàn Thuyên,... và hệ thống các trung tâm y tế phường, bệnh viện, phòng khám tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Vinmec, Medlatec,… đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn và khu vực lân cận.
Về giáo dục, phường có hệ thống trường học công lập, tư thục, liên cấp ngoài công lập, quốc tế có cơ sở vật chất hiện đại, khang trang đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Một số trường học tiêu biểu như: Trường Tiểu học và THCS Ngọc Thụy, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Trường Tiểu học Phúc Xá, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Trường Tiểu học Phúc Tân, Trường Quốc tế Pháp, Trường Quốc tế Anh - Hà Nội, Trường Tiểu học Việt Nam - CuBa,…
- Trụ sở Đảng ủy phường Hồng Hà: số 362 Âu Cơ
- Trụ sở UBND phường Hồng Hà: số 30 phố Tứ Liên
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hồng Hà: đồng chí Bùi Tuấn Anh
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hồng Hà: đồng chí Lê Hồng Thắng
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hồng Hà: đồng chí Trần Thị Thanh Vân.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.