Phường Chương Mỹ: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Chương Mỹ được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Phụng Châu, Tiên Phương, thị trấn Chúc Sơn, Thuỵ Hương, Đại Yên, Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ); phường Biên Giang (quận Hà Đông); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đồng Mai (quận Hà Đông).

Lý do lấy tên phường mới là Chương Mỹ bởi về địa danh hành chính, đất Chương Mỹ thời đầu dựng nước thuộc quận Giao Chỉ. Thời Lý Trần trở đi thuộc Châu Quốc Oai sau là lộ Quốc Oai và lộ Ứng Thiên. Trải qua nhiều lần tách, nhập, hợp nhất tỉnh, Chương Mỹ lần lượt là huyện của các tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây và chính thức trở thành một trong 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội từ ngày 1/8/2008.

Theo đó, việc chọn tên gọi là phường Chương Mỹ có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; đồng thời, khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Chương Mỹ.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Chương Mỹ

Phường Chương Mỹ giáp phường Yên Nghĩa và các xã: Hưng Đạo, Bình Minh, Quảng Bị, Phú Nghĩa của thành phố Hà Nội. Phường Chương Mỹ có diện tích tự nhiên là 38,90 km2; quy mô dân số là 87.913 người.

Phường Chương Mỹ được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Phụng Châu, Tiên Phương, thị trấn Chúc Sơn, Thuỵ Hương, Đại Yên, Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ); phường Biên Giang (quận Hà Đông); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đồng Mai (quận Hà Đông). 

  • Phường Đồng Mai (Quận Hà Đông): Diện tích: 0,35km2; Quy mô dân số: 1.492
  • Phường Biên Giang (Quận Hà Đông): Diện tích: 2,76km2; Quy mô dân số: 9.624
  • Xã Đại Yên (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 4,35km2; Quy mô dân số: 7.087
  • Xã Ngọc Hòa (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 5,68km2; Quy mô dân số: 10.320
  • Xã Phụng Châu (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 6,90km2; Quy mô dân số: 14.307
  • Xã Tiên Phương (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 8,15km2; Quy mô dân số: 18.403
  • Thị trấn Chúc Sơn (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 5,24km2; Quy mô dân số: 16.231
  • Xã Thụy Hương (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 5,47km2; Quy mô dân số: 10.449

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Chương Mỹ

Phường Chương Mỹ là cửa ngõ kết nối giữa trung tâm Thủ đô với vùng Tây Nam Hà Nội, kết nối nội đô với vùng trung du và miền núi phía Tây Bắc.

Phường nằm trên các trục giao thông như: quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh; là cầu nối giao thương quan trọng giữa trung tâm kinh tế - chính trị của Thủ đô với các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên và khu vực Tây Bắc; đóng góp vào sự phát triển liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực phía Tây Hà Nội.

Phường Chương Mỹ nằm trong quy hoạch Đô thị sinh thái Chúc Sơn; nằm trong vùng vành đai xanh Thủ đô, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn cảnh quan, phát triển bền vững; làm cầu nối giữa đô thị trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Xuân Mai. Phường nằm trong định hướng trở thành một trong những cực tăng trưởng mở rộng về phía Tây Nam của Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức không gian đô thị đa trung tâm theo định hướng của Thủ đô đến năm 2050.

Đặc điểm kinh tế phường Chương Mỹ

Phường Chương Mỹ phát triển kinh tế đa dạng: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, nông nghiệp xen kẽ.

Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Trên địa bàn có Cụm công nghiệp Ngọc Hòa - Phụng Châu với các ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, cơ khí, sản phẩm nhựa và may mặc. Đây cũng là dịa bàn phát triển công nghiệp sạch và phụ trợ nhờ vị trí thuận lợi, gắn với các khu vực tiếp giáp Hà Đông và các tuyến giao thông lớn như quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh,…

Nông nghiệp vẫn được duy trì tại các khu vực như Đại Yên, Thụy Hương, Ngọc Hòa. Bên cạnh đó, phường Chương Mỹ phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm, phường có một số mô hình nuôi trồng thủy sản tại vùng trũng tại Thụy Hương và Đại Yên.

Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển: làng nghề mộc, điêu khắc đá ở Phụng Châu; làng nghề chế biến thực phẩm, bánh kẹo ở Chúc Sơn; một số khu vực làm gốm, mây tre đan,…

Dịch vụ - thương mại: Giao thương thuận lợi với khu vực Hà Đông, Phú Thọ thông qua quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh; xu hướng phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics nhờ vị trí cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô. Đặc biệt, Chúc Sơn là trung tâm hành chính - kinh tế lâu đời, có nhiều chợ đầu mối, cửa hàng, phát triển dịch vụ vận tải, ngân hàng, viễn thông.

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Chương Mỹ

Phường Chương Mỹ có nền văn hóa phong phú, có bề dày văn hóa, giàu bản sắc truyền thống, có đời sống cộng đồng gắn bó, dân trí cao và năng động, là cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, văn minh của khu vực phía Tây Nam Thủ đô.

Phường Chương Mỹ có nhiều di tích văn hóa - lịch sử có giá trị, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia như: chùa Trầm, đình Phương Bản, chùa Vô Vi, chùa Hang, chùa Ba Làng ở Phụng Châu; đình Ninh Sơn, đình Nội, đình Xá ở Chúc Sơn; chùa Trăm Gian ở Tiên Phương . Đây là những chứng tích gắn liền với tiến trình phát triển lâu đời của vùng xứ Đoài, phản ánh đời sống tinh thần, tín ngưỡng dân gian và Phật giáo của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, các di tích như chùa Trầm, chùa Trăm Gian, đình - chùa ở Phụng Châu, Chúc Sơn không chỉ là di sản vật thể quan trọng mà còn là hồn cốt văn hóa - lịch sử của vùng đất Chương Mỹ.

Phường có nhiều làng nghề truyền thống gắn với văn hóa bản địa: Chúc Sơn và các vùng phụ cận có truyền thống thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm, cơ khí nhỏ; Tiên Phương, Phụng Châu phát triển làng nghề mộc, xây dựng gắn với di sản nghề xưa. 

Về y tế, phường Chương Mỹ có hệ thống cơ sở tương đối hoàn chỉnh và đang tiếp tục được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Trên địa bàn phường có các trạm y tế được hình thành từ các xã, phường cũ như Thụy Hương, Phụng Châu, Tiên Phương,… Ngoài ra, phường còn có Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ đặt tại Chúc Sơn, là cơ sở y tế có quy mô giường bệnh tương đối lớn, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, phục vụ người dân trong phường và các khu vực lân cận. Hệ thống y tế phường đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và cập nhật dữ liệu tiêm chủng, góp phần hiện đại hóa ngành y tế địa phương.

Về giáo dục, phường Chương Mỹ có hệ thống giáo dục phát triển đồng bộ với nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, phản ánh sự quan tâm đầu tư của địa phương đối với sự nghiệp trồng người. Tiêu biểu trong số đó là các trường trung học phổ thông như trường THPT Chương Mỹ A , và THPT Chương Mỹ B  - đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có đội ngũ giáo viên chất lượng và tỷ lệ tốt nghiệp cao.

Bên cạnh đó, các trường tiểu học và trung học cơ sở như: Tiểu học Ngọc Hòa, Tiểu học Phụng Châu, THCS Phụng Châu và THCS Tiên Phương cũng được đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo các tiêu chí trường chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Sự hiện diện của các trường học đạt chuẩn quốc gia đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển giáo dục toàn diện tại địa phương.

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Chương Mỹ: Số 102, TDP Bắc Sơn, phường Chương Mỹ (địa chỉ cũ: số 102, TDP Bắc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ).
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Chương Mỹ: đồng chí Nguyễn Văn Thắng.
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Chương Mỹ: đồng chí Trịnh Duy Oai.
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Chương Mỹ: đồng chí Nguyễn Như Đức.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời