Phường Ba Đình: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Ba Đình có quy mô lớn về diện tích tự nhiên và dân cư, có vị thế đặc biệt, đóng vai trò trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, ngoại giao và văn hóa - di sản của quốc gia.

Lý do lấy tên phường mới là Ba Đình: Phường Ba Đình có Quảng trường Ba Đình, gắn liền với thành quả của Cách mạng Tháng Tám, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập. Bên cạnh đó, việc lấy tên là Ba Đình đảm bảo được chức năng của địa phương, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đây là địa danh dễ nhận diện khi xác định định vị.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã phường Ba Đình.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Ba Đình

Phường Ba Đình giáp các phường: Hoàn Kiếm, Ngọc Hà, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ, Tây Hồ, Hồng Hà của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 2,97 km²; quy mô dân số là 65.023 người.

Phường Ba Đình được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Quán Thánh, Trúc Bạch (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Điện Biên, Ngọc Hà (quận Ba Đình); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đội Cấn, Kim Mã (quận Ba Đình); Đồng Xuân, Cửa Đông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); một phần diện tích tự nhiên (vườn hoa) của phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), trong đó: 

  • Phường Trúc Bạch (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,67; Quy mô dân số: 21.284
  • Phường Quán Thánh (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,78; Quy mô dân số: 12.887
  • Phường Ngọc Hà (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,41; Quy mô dân số: 9.214
  • Phường Điện Biên (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,82; Quy mô dân số: 8.751
  • Phường Đội Cấn (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,21; Quy mô dân số: 9.713
  • Phường Kim Mã (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,05; Quy mô dân số: 2.531
  • Phường Cửa Nam (Quận Hoàn Kiếm): Diện tích: 0,003; Quy mô dân số: 41
  • Phường Cửa Đông (Quận Hoàn Kiếm): Diện tích: 0,01; Quy mô dân số: 0
  • Phường Đồng Xuân (Quận Hoàn Kiếm): Diện tích: 0,01; Quy mô dân số: 602
  • Phường Thụy Khuê (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,01; Quy mô dân số: 0

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Ba Đình

Phường Ba Đình có quy mô lớn về diện tích tự nhiên và dân cư, có vị thế đặc biệt, đóng vai trò trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, ngoại giao và văn hóa - di sản của quốc gia.

Trên địa bàn phường có trụ sở của nhiều cơ quan hành chính, chính trị như: Phủ Chủ tịch, Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, cùng nhiều cơ quan trọng yếu của Quốc hội và Chính phủ.

Là phường duy nhất có Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận (Trung tâm Hoàng thành Thăng Long), là di tích có giá trị lịch sử - khảo cổ học đặc biệt, biểu tượng cho chiều sâu lịch sử của quốc gia và Thủ đô.

Phường Ba Đình là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, lễ nghi Nhà nước, hoạt động ngoại giao cấp cao, tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, đoàn đại biểu quốc tế… qua đó thể hiện vai trò đối nội - đối ngoại mang tầm chiến lược quốc gia.

Phường cũng là địa bàn chiến lược về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, với yêu cầu cao trong công tác bảo vệ các cơ quan đầu não và đảm bảo an toàn cho các hoạt động đối nội, đối ngoại. Điều này đòi hỏi trình độ quản lý đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng, an ninh và chất lượng sống đô thị.

 

Đặc điểm kinh tế phường Ba Đình

Phường Ba Đình có cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dịch vụ - thương mại chất lượng cao, trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch, phản ánh tính chất của một đô thị trung tâm. Trên địa bàn có sự hiện diện của: Nhiều khách sạn, nhà hàng, cửa hàng đặc sản phục vụ du lịch văn hóa, tâm linh và chính trị; phố phường thương mại sầm uất (Ngọc Hà, Quán Thánh, Kim Mã...), nơi tập trung các cửa hàng bán lẻ, dịch vụ tài chính, hành chính, ẩm thực, làm đẹp, giáo dục dân lập; các chợ truyền thống và khu phố chuyên doanh cùng hệ thống siêu thị và dịch vụ tiêu dùng cao cấp.

Đặc biệt, phường có làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã được công nhận, có giá trị kinh tế và văn hóa, là địa điểm thu hút du khách và bảo tồn nghề truyền thống.

Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của phường ngày càng đồng bộ, được quy hoạch hiện đại với các dự án mở rộng, chỉnh trang điện, đường, trường, trạm, kết nối hạ tầng cấp thành phố và phục vụ phát triển thương mại dịch vụ bền vững.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Ba Đình

Về văn hóa: Phường Ba Đình là nơi tập trung hệ thống di tích, di sản dày đặc với số lượng lớn, đa dạng đủ mọi loại hình, nhiều di tích, di sản có giá trị đặc biệt, tiêu biểu quan trọng, gắn bó mật thiết với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc và quá trình bảo vệ, chiến đấu, xây dựng đất nước.

Đến nay, phường là địa bàn duy nhất có Di sản Văn hóa Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận (Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long). Khẳng định sự tồn tại và phát triển trong suốt hơn 10 thế kỷ của vùng đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay, nơi được Vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật rồng thiêng bay lên, nơi mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích - Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới đúng dịp thành phố tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010).

Nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và Khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (gồm Bắc Môn, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Cột cờ Hà Nội, Khu khảo cổ 18, Hoàng Diệu); Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Di tích lịch sử Kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn (đền Quán Thánh…). 

Các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia: chùa Một Cột, chùa Ngũ Xã, chùa Châu Long, chùa Hòe Nhai, chùa Thanh Ninh (chùa Am Cửa Bắc), chùa Kim Sơn, chùa Bát Mẫu, đình Ngũ Xã (thờ tổ sư Nguyễn Minh Không), đền Ngũ Xã, đình An Trí, Tòa nhà trụ sở của Bộ Ngoại giao.

Các hoạt động lễ hội và bản sắc cộng đồng: Trên địa bàn phường vẫn duy trì nhiều lễ hội truyền thống gắn với các làng cổ như: lễ hội làng Ngũ Xã, lễ hội đình Đại Yên, lễ hội làng Hữu Tiệp,...Trong lễ hội có các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người, thả chim, thi thổi xôi gà... thể hiện nét đẹp cộng đồng và gìn giữ di sản phi vật thể. Đặc sản ẩm thực nổi bật như phở cuốn Ngũ Xã là điểm nhấn ẩm thực, văn hóa đô thị hiện đại gắn với truyền thống.

Trên địa bàn phường có đầy đủ hệ thống nhà văn hóa, thư viện, tủ sách cộng đồng, đi kèm với các thiết chế giáo dục - y tế - thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.

Nhìn chung, với hệ thống di sản văn hóa tập trung cao, có giá đặc biệt cùng với mạng lưới công viên - không gian công cộng có giá trị biểu tượng như: Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình, Công viên Bách Thảo, Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh, phường Ba Đình còn là điểm hội tụ văn hóa, giáo dục truyền thống, nghiên cứu lịch sử và là trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của Thủ đô.

Về y tế, hệ thống y tế phường Ba Đình tập trung một số bệnh viện lớn tuyến đầu của cả nước, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số 12 Chu Văn An; Bệnh viện Hòe Nhai, số 17 & 34 phố Hòe Nhai; và cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Y tế thành phố Hà Nội, số 4 Sơn Tây.

Về giáo dục, trên địa bàn phường tập trung một số trường phổ thông tiêu biểu có chất lượng như: Trường THPT Phan Đình Phùng, số 30 Phan Đình Phùng; Trường THCS Nguyễn Tri Phương, số 67 Cửa Bắc; Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Trúc Bạch; Trường THCS Nguyễn Công Trứ, số 8 Nguyễn Trường Tộ; Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, số 105 Nguyễn Trường Tộ,…

  • Trụ sở Đảng ủy phường Ba Đình: Số 12 - 14 phố Phan Đình Phùng
  • Trụ sở UBND phường Ba Đình: Số 2 phố Trúc Bạch
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ba Đình: đồng chí Phạm Quang Thanh
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Ba Đình: đồng chí Phạm Thị Diễm
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ba Đình: đồng chí Võ Hồng Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy Nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời