Phụ nữ từ 25 - 29 tuổi có tỉ lệ phá thai cao nhất

(HanoiTV) - Theo một kết quả điều tra, tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ Việt Nam là từ 25 đến 29 tuổi. Tỉ suất phá thai tại nước ta là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống. Một trong những nguyên nhân là do nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị nhân ngày Tránh thai thế giới 26/9 với chủ đề “Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Điều này có nghĩa là nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình còn lớn.

Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%, cao hơn so với 6,1% của điều tra tương tự năm 2014.

Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu KHHGĐ không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung. Khi nhu cầu không được đáp ứng về KHHGĐ sẽ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. 

Tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hoá gia đình đối với phụ nữ còn cao.

Theo ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống.

Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ KHHGĐ ở Việt Nam do Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) thực hiện năm 2016 cho thấy phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.

Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.

Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. (Ảnh: Trà My)

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, phá thai không an toàn có thể để lại những hậu quả rất nặng nề. "Một số biến chứng như sót thai gây rong huyết do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai, rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm. Trường hợp nặng hơn có thể gây băng huyết đe dọa đến tính mạng của thai phụ.", ông Tú chia sẻ.

Phá thai không an toàn còn có nguy cơ gây tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung do dụng cụ không được tiệt trùng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có thể dẫn đến vô sinh; Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh nguyệt do viêm dính tử cung. Một số bệnh nhân còn có nguy cơ thủng tử cung; hoặc sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trà My)

Do vậy, Ngày Tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản.

"Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nghĩ tránh thai là việc của phụ nữ, chứ không phải là việc của nam giới. Tuy nhiên, vai trò của nam giới là hết sức quan trọng. Bởi vì khi nam giới hiểu biết và có trách nhiệm về vấn đề này thì họ sẽ cùng các bạn nữ tránh thai hiệu quả hơn. Ví dụ như việc sử dụng các biện pháp tránh thai chẳng hạn, nam giới có thể sử dụng bao cao su để bảo vệ bạn gái hoặc vợ mình." - Ông Đinh Huy Dương chia sẻ.

Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Thời gian tới ngành dân số chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai.

Chỉ khi biết tránh thai đúng cách, chủ động thì các cặp vợ chồng và cá nhân mới nhận được những lợi ích của tránh thai và tình dục an toàn như chủ động được về thời gian sinh con, số lần sinh, khoảng cách sinh, để mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng nuôi dậy chúng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

Ý kiến (0)

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất