Phong vị Tết tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cách thủ đô hơn 40 km về phía Tây. Đây là nơi tái hiện không gian kiến trúc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, được xem là “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Nằm ở vị trí đẹp có đồi núi, thung lũng, hồ nước , nơi đây tạo thành một quần thể thiên nhiên xanh trong lành, lý tưởng cho việc tham quan, du lịch đặc biệt trong tiết trời xuân rực rỡ.
Những mô hình bản làng, các ngôi nhà sàn truyền thống, sắc mai, đào rừng lấp ló ,...một không gian văn hóa đậm sắc màu vùng cao là cơ hội để du khách có thể gặp gỡ, có những trải nghiệm mới mẻ và cảm nhận niềm vui hân hoan đón chào năm mới 2025.
Tránh xa những náo nhiệt, ồn ào của phố thị, không khí xuân nới đây khiến nhiều người cảm thấy như đang được đón một cái Tết vùng cao ấm áp, nơi nhịp sống chậm rãi, gần gũi và hòa mình với thiên nhiên.
Trở về Việt Nam từ Pháp trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, chị Nguyễn Thị Lan đã chọn Làng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân.
Những điệu múa tiếng khèn, khói bếp lan tỏa trong làn sương sớm se lạnh của mùa xuân là nét đặc trưng văn hóa độc đáo của nhiều đồng bào các dân tộc anh em.
Đối với những du khách quốc tế, đây là cơ hội để họ khám phá một Việt Nam đa dạng hơn. Ông Lee Chang Sun - một phóng viên người Hàn Quốc đã có thời gian dài sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Yêu mến văn hóa Việt Nam, ông vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được tìm hiểu về những nét độc đáo khác biệt trong phong tục, tập quán của các dân tộc vùng cao.
Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tái hiện sống động các không gian kiến trúc văn hóa độc đáo của các dân tộc như: Cụm làng các dân tộc Mường - Khơ Mú - Thái: với những nếp nhà sàn bên những vạt đồi chè xanh tươi. Chiêm ngưỡng sự tài hoa của các nghệ nhân Tây Nguyên tại không gian Làng dân tộc Tà Ôi - Khu vườn tượng điêu khắc Tây Nguyên. Điểm làng dân tộc Ba Na - Xơ Đăng - Ê Đê với những ngôi nhà rông, nhà dài theo chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Hay quần thể Chùa Khmer và quần thể Tháp Chăm ; là những công trình tâm linh tuyệt đẹp - một trong những điểm nhấn hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến đây.
Hiện tại, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang có 16 nhóm cộng đồng các dân tộc: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Lào,Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer sinh sống và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc của mình tại đây.
Xuân về trên bản làng, ngay tại ngôi nhà chung đặc biệt này, du khách không chỉ được tìm hiểu về các nét văn hóa truyền thống, các hoạt động như dựng cây nêu ngày Tết, gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian, mà đây còn là cơ hội giới thiệu quảng bá, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, tạo chất kéo đoàn kết gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển trong năm mới.
Trong tháng đầu tiên năm 2025, làng văn hóa du lịch các dân tộc việt nam sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề Xuân về trên Bản Làng với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào , tới từ 16 dân tộc anh em , các hoạt động sẽ góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào cùng các hoạt động trải nghiệm thú vị tại ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em.


Khác với các kiểu cắm hoa rực rỡ phương Tây, nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản lại hướng về sự tối giản.
Festival Phở 2025 đã khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Tinh hoa Phở Việt - Di sản trong kỷ nguyên số”, thu hút đông đảo người dân và du khách quốc tế tới trải nghiệm.
Đại diện Cộng đồng Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức Chương trình biểu diễn thời trang “Áo dài Việt Nam - Di sản kết nối” từ ngày 18-20/4 tại Bắc Kinh, nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và “Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung”.
Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đá tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 19/4.
Đến thăm làng nghề gốm Bát Tràng, du khách được chứng kiến sự tài hoa của người thợ và tìm hiểu lịch sử của làng nghề truyền thống qua những di tích lịch sử, với nhiều họa tiết bằng chất liệu gốm sứ độc đáo.
Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề đặc biệt ý nghĩa: "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" vào sáng nay 19/4.
0