Phần Lan cho phép Mỹ tiếp cận 15 căn cứ quân sự

Theo kế hoạch, tuần tới, Mỹ và Phần Lan dự kiến sẽ ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tại Washington. Nhật báo Phần Lan Helsingin Sanomat đưa tin rằng các căn cứ này sẽ tiếp đón lực lượng lục quân, hải quân và không quân Mỹ.
Theo nội các Phần Lan, thỏa thuận sẽ được ký vào ngày 18/12 rồi sau đó cần được quốc hội phê chuẩn.
“Mỹ đã cam kết bảo vệ chúng tôi trong thời kỳ khó khăn. Đây là một thông điệp cực kỳ quan trọng hiện nay”, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình.

Thỏa thuận này sẽ cho phép Mỹ tiếp cận và sử dụng “các cơ sở và khu vực đã thỏa thuận; bố trí các thiết bị, vật tư và trang thiết bị quốc phòng trên lãnh thổ Phần Lan; việc ra vào và di chuyển của máy bay, tàu và phương tiện của Mỹ; đảm bảo sự bảo vệ, an toàn và an ninh của lực lượng Mỹ cũng như các cơ sở và khu vực họ sử dụng; quyền tài phán hình sự; và các vấn đề thực tế đa dạng liên quan đến hoạt động của lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Phần Lan”, nội các Phần Lan cho biết trong một tuyên bố.
Mỹ cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với Na Uy - một thành viên đầy đủ của NATO và Thụy Điển - thành viên NATO tiềm năng trong tương lai, về việc cho Washington quyền tiếp cận lần lượt 4 và 17 căn cứ mới ở khu vực Bắc Âu.
Ngày 4/4/2023, Phần Lan chính thức gia nhập NATO, chấm dứt chính sách không liên kết hàng thập kỷ của quốc gia này. Với việc nước này gia nhập liên minh, biên giới của NATO đã kéo dài gần 1.300 km dọc biên giới Nga-Phần Lan.

Các quan chức Nga đã bày tỏ mối quan ngại lớn về hoạt động chưa từng có của NATO ở biên giới phía Tây nước này với lý do "răn đe". Moscow đã nhiều lần nêu lên quan ngại về việc liên minh này tăng cường quân sự ở châu Âu. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Nga "không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ ai, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của mình".
Phần Lan, cùng với Thụy Điển, đã nộp đơn đăng ký tư cách thành viên NATO chỉ vài tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đơn đăng ký của Thụy Điển vẫn đang chờ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn./.
(Theo Sputnik)


Tàu vũ trụ Soyuz MS-26 của Nga chở theo hai phi hành gia người Nga và một phi hành gia người Mỹ đã hạ cánh an toàn.
Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho biết đã bắt giữ 4 nghi phạm thuộc công ty xây dựng chịu trách nhiệm thi công tòa nhà chọc trời bị sập ở Bangkok trong trận động đất hôm 28/3.
Israel đang xem xét khả năng tiến hành một “cuộc tấn công có giới hạn” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, bất chấp việc Washington từ chối ủng hộ hành động quân sự này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang kỳ vọng có thể thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ giữa Nga và Ukraine ngay trong tuần tới.
Mỹ và Iran vừa kết thúc vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại Rome, Italy với một số tín hiệu tích cực, đồng thời xác nhận đã đạt được một số tiến triển và nhất trí nối lại đàm phán tại Oman vào ngày 26/4 tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định Tokyo sẽ không thảo luận vấn đề an ninh trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề này cần được giải quyết một cách độc lập.
0