Thái Lan và Campuchia ủng hộ đề xuất ngừng bắn
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Thái Lan và Campuchia đã ủng hộ đề xuất ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực biên giới mà Malaysia đưa ra, song hai nước cho biết cần thêm thời gian để triển khai.

Ông Anwar Ibrahim hôm 25/7 cho biết đã trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai, đồng thời kêu gọi mở ra không gian cho “đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao”.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, chính phủ Thái Lan và Campuchia đã ủng hộ đề xuất ngừng bắn và khẳng định sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng lâu nay. Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc Chhea Keo cũng nhấn mạnh mong muốn “ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, đồng thời bác bỏ cáo buộc Campuchia tấn công trước.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn kín tại New York để thảo luận về tình hình leo thang, trong đó tất cả 15 thành viên kêu gọi hai bên giảm căng thẳng, kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và đối thoại để giải quyết bất đồng.
Xung đột bắt đầu bùng phát hôm thứ Tư sau khi một vụ nổ mìn làm năm binh sĩ Thái Lan bị thương, dẫn đến việc Bangkok đóng cửa biên giới và trục xuất đại sứ Campuchia. Trong những ngày tiếp theo, giao tranh xảy ra tại nhiều điểm dọc biên giới, bao gồm khu vực đền cổ Ta Muen Thom. Quân đội Thái Lan cáo buộc Campuchia sử dụng pháo hạng nặng và dàn phóng BM-21, trong khi Campuchia nói Thái Lan tấn công vào khu dân cư.
Tính đến thứ Bảy, ít nhất 19 người ở Thái Lan và 13 người ở Campuchia đã thiệt mạng, đa số là dân thường. Tờ Bangkok Post cho biết, đến chiều thứ Bảy, có hơn 100.000 người đã phải sơ tán khỏi các làng mạc ở bốn tỉnh biên giới, trong khi Campuchia cho biết hơn 23.000 người đã rời khỏi khu vực gần biên giới. Các trường học ở tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) phải đóng cửa sau khi bị rocket bắn trúng khuôn viên, dù không gây thương vong.

Nhiều người dân ở cả hai bên biên giới phải rời bỏ nhà cửa, tìm nơi trú ẩn tạm thời trong nhà thi đấu, chùa chiền và các khu lán trại dã chiến. Nhiều gia đình dựng hầm trú ẩn ngay tại nhà để tránh pháo kích, trong khi người già và trẻ nhỏ được sơ tán đến khu vực an toàn hơn. Các nhân chứng cho biết tình hình lần này còn nghiêm trọng hơn so với đụng độ năm 2011.