Ông Trump đảo chiều cục diện cuộc chiến thương mại ra sao?
Ông Trump đã áp dụng một chiến thuật mang tính tâm lý cổ điển, đặt mức đe dọa thuế cao đến mức mọi kết quả thấp hơn đều được coi là "thắng lợi".

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã có một chiến công ấn tượng khi thực hiện một điều tưởng như nghịch lý: tăng thuế đối với một số đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ, cho đến khi phần lớn thế giới hoan nghênh và đón nhận các thỏa thuận thương mại với Mỹ như là một chiến thắng.
Việc áp các mức thuế nhập khẩu cao kỷ lục, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa hồi phục sau đợt lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, là một trong những bước đi táo bạo nhất của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông từng được bầu với lời hứa sẽ cải thiện tình hình tài chính của người Mỹ, nhưng chính sách thương mại của ông đã bị nhiều nhà kinh tế chỉ trích vì làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Trump đã đi ngược dòng và đến thời điểm hiện tại, nước cờ của ông dường như đang mang lại hiệu quả. Ông đạt được điều đó nhờ một chiến thuật mang tính tâm lý cổ điển: đặt mức đe dọa thuế cao đến mức mọi kết quả thấp hơn đều được coi là "thắng lợi".
“Tổng thống luôn có kế hoạch, dù không phải lúc nào cũng rõ ràng”, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói trên Bloomberg TV sáng ngày 23/7.
Ví dụ, đầu tháng này, ông Trump đe dọa áp thuế 25% lên hàng hóa Nhật Bản khi đàm phán bị đình trệ. Tuy nhiên, tối ngày 22/7, hai nước thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại mới, theo đó Mỹ chỉ áp thuế 15% với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên phục hồi mạnh mẽ ngay ngày hôm sau, còn thị trường Nhật Bản thậm chí bật tăng “như tên lửa”.
Nhưng cần lưu ý, mức thuế 15% này cao hơn mức 10% mà Mỹ đã áp từ tháng 4 - thời điểm ông Trump bắt đầu thực hiện thuế quan "có đi có lại" và cao gấp nhiều lần mức 1,5% thời điểm trước khi ông nhậm chức.
Một số nhà phân tích cho rằng, “chiến thắng” lớn nhất lúc này không nằm ở mức thuế, mà ở kết quả mà các thỏa thuận mang lại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Điều tích cực là chúng ta có thể sắp kết thúc tình trạng bất định về thuế quan, điều vốn khiến các doanh nghiệp khó lập kế hoạch. Khi mức thuế cuối cùng được xác định rõ ràng, họ sẽ dễ tính toán hơn”, ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại One Point BFG Wealth Partners nhận định trong một thông báo gửi nhà đầu tư sáng ngày 23/7. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận: “Chúng ta đang sống trong một thế giới chính trị - kinh tế với những lý thuyết kỳ lạ”.
Ông Ed Mills, nhà phân tích chính sách tại Raymond James nhận định rằng, Tổng thống Mỹ Trump đang giành chiến thắng bằng cách thay đổi mục tiêu.
"So với những gì ông Trump đe dọa, có vẻ như ông ấy đã nhượng bộ. Nhưng nếu so với trước đây, thì rõ ràng đây là mức thuế lớn. Các nhà đầu tư chỉ muốn biết một con số. Họ gần như không quan tâm đó là bao nhiêu, họ chỉ muốn sự bất ổn biến mất." - ông Mills nói với CNN.
Chris Krueger, chuyên gia của TD Securities nói rằng, ông Trump đã dịch chuyển “cửa sổ Overton” - tức giới hạn những điều mà công chúng có thể chấp nhận: “Thuế 15% với đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ? Còn tốt hơn mức 25%.”
Những tín hiệu tích cực ngắn hạn
Theo hãng tin CNN, chiến tranh thương mại vẫn chưa kết thúc và hậu quả dài hạn của các quyết định hiện nay có thể rất lớn, cả về kinh tế và chính trị. Nhưng trong ngắn hạn, Tổng thống Trump đang tạo được cảm giác chiến thắng.
Chiến thắng trước mắt của ông Trump bắt đầu từ ngày 9/4, khi ông tạm hoãn 90 ngày mức thuế đưa ra vào “Ngày Giải phóng”, vốn từng khiến thị trường chứng khoán sụt mạnh. Lợi suất trái phiếu Mỹ cũng phát tín hiệu xấu, cho đến khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thuyết phục ông Trump không áp mức thuế khắc nghiệt nhất.
Từ thời điểm đó, thị trường đã phục hồi. Niềm tin người tiêu dùng từng xuống mức thấp kỷ lục cũng cải thiện đáng kể.
Các động thái tiếp theo góp phần trấn an thị trường. Ngày 12/4, chính quyền Trump loại điện thoại và hàng điện tử khỏi danh mục áp thuế cao với Trung Quốc. Giữa tháng 5, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm mạnh thuế quan và mở cửa một số lĩnh vực trước đó bị hạn chế. Thuế với hàng hóa Trung Quốc giảm từ 145% xuống còn 35%, mức vẫn cao, nhưng không còn mang tính phong tỏa như trước.
Mỹ cũng công bố loạt thỏa thuận mới với Anh, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và Việt Nam, mang lại sự rõ ràng trong chính sách thương mại.
Tổng thống Mỹ Trump đồng thời dùng các đòn thuế để tạo lợi thế cho ngành công nghiệp Mỹ và chống lại các “rào cản phi thuế quan” như thuế dịch vụ số mà ông cho rằng bất lợi cho ngành công nghệ Mỹ.

Ví dụ, cuối tháng trước, ông Trump đe dọa dừng đàm phán thương mại với Canada vì nước này áp thuế lên các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ. Sau đó, Canada rút lại quyết định áp thuế với Mỹ.
Trong các thỏa thuận, Mỹ cũng giành được quyền xuất khẩu thêm thịt bò sang Anh, gạo và ô tô sang Nhật Bản, cùng nhiều mặt hàng sang Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Vẫn chưa chắc thắng
Dù vậy, ông Trump chưa thể tuyên bố thắng lợi cuối cùng. Hàng chục đối tác thương mại dự kiến vẫn phải đối mặt với mức thuế cao hơn từ tuần tới và ông Trump đã gợi ý sẽ nâng thuế chung 10% lên 15% hoặc 20%.

Theo Bảng tổng hợp các mức thuế thương mại do chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố hoặc đã áp dụng, phần lớn các mức thuế được công bố từ ngày 2/4/2025 nhưng chưa chính thức có hiệu lực, trừ mức thuế 25% đối với Canada và Mexico đã được áp dụng từ tháng 3. Các mức thuế này không được cộng dồn với thuế theo từng ngành.
Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ và cả hai bên có thể đối đầu bằng các mức thuế ăn miếng trả miếng.
Kinh tế Mỹ và thế giới tạm thời chịu được áp lực thuế, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu mức thuế tiếp tục tăng, đặc biệt khi các công ty Mỹ tiêu thụ hết hàng tồn kho nhập trước.
“Còn quá sớm để đánh giá hết tác động dài hạn, nhất là khi tháng 8 sắp có thêm đợt áp thuế mới”, Lynn Song, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ING nhận định.
Theo chuyên gia Ulrike Hoffmann-Burchardi (UBS), thỏa thuận tốt với Nhật Bản cho thấy Nhà Trắng đang thận trọng hơn, vì hiểu rằng đòn thuế mạnh có thể gây phản tác dụng.
Lạm phát đang có dấu hiệu tăng lại. Niềm tin doanh nghiệp và tiêu dùng cải thiện, nhưng kỳ vọng lợi nhuận vẫn trì trệ. Thị trường việc làm cũng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Đồng USD đang giảm mạnh, phản ánh lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Trái phiếu Mỹ và Nhật Bản đồng loạt bị bán tháo hôm 23/7. Đây là cách thị trường cảnh báo rằng sự ổn định ngắn hạn có thể nhanh chóng biến thành sóng gió dài hạn.