Ông Trump dọa áp thuế 50% với Brazil
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đe dọa áp mức thuế trừng phạt 50% lên hàng hóa xuất khẩu của Brazil vào Mỹ.

Trong thư gửi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, ông Trump bày tỏ sự giận dữ với chính phủ Brazil, cáo buộc nước này can thiệp vào tự do bầu cử và ngôn luận, cũng như ban hành "các lệnh kiểm duyệt bí mật và bất hợp pháp" đối với các nền tảng mạng xã hội của Mỹ. Ông cũng chỉ trích phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Jair Bolsonaro - đồng minh cánh hữu của ông, là một "cuộc săn phù thủy".
Theo tuyên bố, mức thuế 50% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, cao gấp 5 lần mức thuế 10% từng được áp dụng với Brazil hồi tháng 4. Ngoài ra, ông chỉ đạo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mở cuộc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, thường được sử dụng để trừng phạt các hành vi thương mại bị coi là không công bằng.

Brazil là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Mỹ, với kim ngạch hai chiều đạt 92 tỷ USD trong năm 2024, trong đó Mỹ đạt thặng dư thương mại 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Trump vẫn cho rằng quan hệ này “rất không công bằng”.
Việc Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 50% với hàng hóa từ Brazil có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến giá thực phẩm tại Mỹ. Brazil là nguồn cung chính cho nhiều mặt hàng thiết yếu được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Mỹ.
Khoảng một phần ba lượng cà phê tiêu thụ tại Mỹ - quốc gia có mức tiêu thụ cà phê cao nhất thế giới, đến từ Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất toàn cầu. Theo các hiệp hội ngành hàng, mỗi năm Brazil xuất sang Mỹ gần 8 triệu bao cà phê.
Bên cạnh đó, hơn một nửa lượng nước cam bán ra tại Mỹ cũng có xuất xứ từ Brazil, quốc gia chiếm tới 80% thị phần nước cam thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Brazil còn cung cấp đường, thịt bò, ethanol và nhiều nông sản khác cho thị trường Mỹ.
“Biện pháp này không chỉ gây tổn hại cho Brazil mà còn tác động mạnh đến toàn bộ ngành công nghiệp nước ép tại Mỹ, nơi đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và phụ thuộc vào nguồn cung ổn định từ Brazil suốt nhiều thập kỷ”, ông Ibiapaba Netto, Giám đốc điều hành CitrusBR - tập đoàn công nghiệp nước cam Brazil cảnh báo.
Vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định nước này sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng, theo nguyên tắc có đi có lại.
Động thái với Brazil diễn ra sau khi Tổng thống Trump thông báo áp thuế với 14 quốc gia khác, trong đó 25% thuế với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng có hiệu lực từ ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận. Ngoài ra, ông Trump cũng ban hành thuế từ 20% đến 30% với các nước khác như Philippines, Sri Lanka, Algeria, Iraq, Libya, Brunei và Moldova.
Ông Trump cho biết chính quyền ông đang đàm phán song song với Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tự tin sẽ đạt được nhiều thỏa thuận trong thời gian ngắn. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại song phương lớn nhất của Mỹ. Ông Trump nhận định, EU đang “hợp tác hơn nhiều” và tuyên bố sẽ sớm công bố mức thuế dự kiến với khối này trong vài ngày tới.

Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic cho biết hai bên đã đạt “tiến triển đáng kể” và có thể hoàn tất thỏa thuận thương mại chỉ trong vài ngày, đặc biệt khi Mỹ gia hạn thời hạn đàm phán đến ngày 1/8, thay vì 9/7.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Italy cảnh báo rằng các cuộc đàm phán vẫn “rất phức tạp” và có thể kéo dài đến sát hạn chót. Theo các nguồn tin EU, nội dung đàm phán bao gồm giảm thuế, hạn ngạch nhập khẩu và hệ thống tín chỉ thương mại để bảo vệ ngành ô tô châu Âu.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Yale Budget Lab, mức thuế trung bình mà người tiêu dùng Mỹ phải gánh đã tăng lên 17,6%, mức cao nhất kể từ năm 1934.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết khoản thu từ thuế quan năm 2025 có thể đạt 300 tỷ USD, so với mức trung bình khoảng 80 tỷ USD/năm trong những năm gần đây.
Chính quyền Trump từng cam kết sẽ đạt “90 thỏa thuận trong 90 ngày” sau đợt công bố thuế quan vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, tính đến nay, Washington mới đạt được hai thỏa thuận với Anh và Việt Nam, trong khi các nước khác vẫn đang trong quá trình đàm phán.