Nữ hoàng Elizabeth II – Niềm tự hào của người dân Anh

(HanoiTV) - Lên ngôi vào năm 25 tuổi, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã trải qua 14 đời Thủ tướng Anh và gặp gỡ 13 Tổng thống Mỹ. Bà cũng chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước cũng như của thế giới. 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã dành cả cuộc đời để dâng hiến, phục vụ cho người dân và Vương quốc Anh.

Nữ hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh

Nữ hoàng Anh Elizabeth II có tên khai sinh là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/4/1926 tại Mayfair, Tây London. Năm 1936, lúc bà 10 tuổi, Vua Edward VIII - bác ruột của bà – thoái vị để sống cùng vợ là một người Mỹ bình thường. Cha của bà lên ngôi, trở thành Vua George VI và Elizabeth trở thành công chúa.

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh vào tháng 6/1953.

Tháng 1/1952, Vua George VI qua đời vì ung thư phổi, Elizabeth kế vị ngai vàng và trở thành Nữ hoàng Anh. Tháng 6/1953, lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II được tổ chức, khi đó bà mới 27 tuổi. Đây cũng là lễ đăng quang đầu tiên trong lịch sử Vương quốc Anh được phát trực tiếp trên truyền hình và được hàng triệu người tại Anh và trên thế giới theo dõi trực tiếp.

Ngày 9/9/2015, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành nữ hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh (vượt qua kỷ lục 63 năm, 7 tháng, 2 ngày của Nữ hoàng Victoria).

Ở tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II còn là vị quân chủ và nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất thế giới. Trên thế giới chỉ có hai vị vua có thời gian trị vì lâu hơn bà. Vua Louis XIV của Pháp nắm quyền trong 72 năm, còn Vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan trị vì trong 70 năm 4 tháng, trước khi ông qua đời vào tháng 10/2016.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn 70 năm

Cuộc đời Nữ hoàng Anh còn nổi tiếng với cuộc hôn nhân hạnh phúc kéo dài hơn 70 năm với người chồng của mình-Hoàng thân Philip. Ông không chỉ là người chồng mà luôn là người bạn đồng hành kiên định của Nữ hoàng Elizabeth II. Lần đầu hai người gặp nhau là tại đám cưới một người họ hàng của Elizabeth ở Tu viện Westminster.

Đám cưới của Nữ hoàng Anh Elizabeth II diễn ra vào tháng 11/1947.

Khi họ gặp lại nhau vào 5 năm sau, cha của Elizabeth đã trở thành Vua nước Anh còn Philip lúc này là một thiếu sinh quân 18 tuổi, và châu Âu đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột kinh hoàng khi Thế chiến thứ hai sắp bùng nổ.

Để kết hôn với Nữ hoàng Elizabeth II (khi đó là Công chúa Elizabeth), hoàng thân đã từ bỏ tước hiệu hoàng gia Hy Lạp, trở thành một công dân Anh mang họ Mountbatten. Lễ đính hôn của hai người được công bố vào ngày 8/7/1947, ngày cưới được ấn định vào 20/11 cùng năm. Cặp đôi vàng có bốn người con là Charles, Anne, Andrew và Edward.

Hơn 70 năm đồng hành cùng nhau, Nữ hoàng Elizabeth II là vị quốc vương kết hôn lâu nhất và Hoàng thân Philip là vị hoàng tế phục vụ lâu nhất trên thế giới sau khi ông qua đời hồi tháng 4/2021 ở tuổi 99.

Nữ hoàng Elizabeth II – Niềm tự hào của người dân Anh

Sau bảy thập niên trên ngai vàng, Nữ hoàng Elizabeth II được người dân Vương quốc Anh kính trọng, ngưỡng mộ vì sự tận tâm, thầm lặng cống hiến cho nhiệm vụ và cũng vì cách bà giữ kín cuộc sống riêng tư của mình. Theo nhận định của giới quan sát, trong thời gian tại vị, Nữ hoàng Elizabeth II đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thận trọng, đáng kính và trách nhiệm vô hạn.

 Nữ hoàng Anh tham dự một sự kiện kỷ niệm 50 năm trị vì  tại Công viên Gunnersbury ngày 24/6/2002.

Theo hiến pháp của nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth II có vai trò quan trọng như mở và giải tán quốc hội cũng như phê chuẩn dự luật. Nữ hoàng là biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước, giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Bà thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, cử hành các nghi lễ như đón tiếp nguyên thủ nước ngoài hay tham gia các sự kiện chính thức.

Không chỉ là nguyên thủ của nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên, hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Ngoài Anh, bà còn là nữ hoàng của 15 quốc gia khác trong khối, trong đó có Canada, Australia và New Zealand. Trên bình diện quốc tế, Elizabeth II là vị Nữ hoàng đặc biệt nhất, đáng kính và nổi bật nhất.

Trong suốt gần 70 năm trị vì của mình, bà đã chứng kiến nhiều thay đổi về chế độ trong chính trường Mỹ. Bà đã có các cuộc gặp và đón tiếp 13 vị Tổng thống Mỹ: Harry Truman (1951), Dwight D .Eisenhower (1957, 1959), John F Kennedy (1961), Nixon (1969), Gerald Ford (1976), Jimmy Carter (1977), Ronald Reagan (1982, 1983), H. W. Bush (1991), Bill Clinton (1995), George W. Bush (2003, 2007), Barack Obama (2009, 2011), Donald Trump (2018, 2019), Joe Biden (2021).

Năm 2017, để kỷ niệm 65 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, nước Anh đã quyết định phát hành đồng xu 5 bảng mới. Điểm đặc biệt là trên đồng xu này có khắc câu nói bất hủ mà Nữ hoàng đã phát ngôn gần 70 năm trước, khi bà tròn 21 tuổi: “Cả cuộc đời tôi, dù là ngắn hay dài, sẽ dâng hiến để phục vụ cho mọi người”.

Đại lễ Bạch kim mừng 70 năm trị vì

 Hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II tại Đại lễ Bạch Kim.

Để kỷ niệm sự kiện 70 năm trị vì và vinh danh những đóng góp của Nữ hoàng, Đại lễ Bạch kim được tổ chức từ ngày 2-5/6/2022 trong sự mong đợi của người dân trên thế giới, đặc biệt tại Vương quốc Anh và các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung.

Với 70 năm trị vì Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành một biểu tượng của nền quân chủ Anh và có thể là quân vương duy nhất của quốc gia này có Đại lễ Bạch kim. Sự ra đi của bà để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ với nước Anh, mà còn cả thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho biết đã bắt giữ 4 nghi phạm thuộc công ty xây dựng chịu trách nhiệm thi công tòa nhà chọc trời bị sập ở Bangkok trong trận động đất hôm 28/3.

Israel đang xem xét khả năng tiến hành một “cuộc tấn công có giới hạn” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, bất chấp việc Washington từ chối ủng hộ hành động quân sự này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang kỳ vọng có thể thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ giữa Nga và Ukraine ngay trong tuần tới.

Mỹ và Iran vừa kết thúc vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại Rome, Italy với một số tín hiệu tích cực, đồng thời xác nhận đã đạt được một số tiến triển và nhất trí nối lại đàm phán tại Oman vào ngày 26/4 tới.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định Tokyo sẽ không thảo luận vấn đề an ninh trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề này cần được giải quyết một cách độc lập.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh của Nga có thể là bước đi chiến lược nhằm mở đường cho các kênh đối thoại hậu trường.