Những bài hát không quên về chiến tranh biên giới

Tiếng súng đã ngưng trên bầu trời biên giới nhiều năm qua, nhưng một phần lịch sử đó vẫn còn vang vọng qua những bài ca không quên. Hãy cùng nhớ về những giai điệu của một thời máu lửa chiến tranh trên khắp dải biên cương phía Bắc 46 năm trước, nhớ những hy sinh của bao người ngã xuống bảo vệ độc lập tự do, để từ đó hiểu và trân quý những giá trị của biên giới hoà bình và hữu nghị chúng ta đang có hôm nay.

Có lẽ hiếm có đất nước nào trên thế giới này, trải qua bao nhiêu binh biến, bao cuộc chiến, bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử lại luôn có sự đồng hành của âm nhạc như đất nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ, những bản giao hưởng, tổ khúc, ca khúc đầy khí thế và hào hùng đã ra đời tạo nên dòng chảy âm nhạc cách mạng đầy giá trị. Như một mạch nguồn tưởng chừng đã có thể ngưng, dòng chảy ấy lại tiếp tục với các ca khúc của thời kỳ chiến tranh biên giới đầy khốc liệt 1979.

Trong một thời gian không quá dài, hàng trăm ca khúc đã được ra đời ở giai đoạn này như một minh chứng cho giá trị của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Không chỉ ghi lại như một phần lịch sử, những khúc ca đó phát huy tác dụng sức mạnh lớn lao của mình bằng những lời ca chân thực, giai điệu hào sảng, khí thế đầy thúc giục.

Có một Phạm Tuyên với “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” như một tiếng chuông vọng vang,  ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” khiến lớp lớp người tự nguyện cầm súng đứng lên bảo vệ biên cương Tổ quốc, để rồi “Hãy cho tôi lên đường” của Hoàng Hiệp, “Lời tạm biệt trước lúc lên đường” của Vũ Trọng Hối càng chứng minh cho ý chí quyết tâm, một lòng một dạ đó.

Những ca khúc được vang lên trong thời chiến hay những bài ca được viết lên bằng xúc cảm của thời bình, càng cho chúng ta thêm trân trọng quá khứ, biết ơn lịch sử - một lịch sử rực lửa máu và hoa.

Sự hy sinh của nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm vào sáng 17/2/1979 tại Pò Hèn đã được kể lại bằng câu chuyện âm nhạc đầy xúc động qua một chùm những ca khúc. Rồi vẻ đẹp của núi rừng biên giới giữa bom rơi, đạn nổ vẫn hiện lên đầy lãng mạn trong “Chiều biên giới” của Trần Chung - ca khúc được phổ từ bài thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn.

Mười năm cuộc chiến biên giới, cũng là mười năm không thể đếm nổi những hy sinh, mất mát đau thương của quân và dân ta. Với nhạc sĩ Trương Quý Hải, thật khó để có thể trả lời ông là người may mắn hay là người mang nhiều nỗi đau nhất khi ông chính là người có mặt tại mặt trận Vị Xuyên trong những ngày tháng khói lửa ấy. Để rồi được mệnh danh “người nghệ sĩ tài hoa chép sử” chiến tranh biên giới Vị Xuyên bằng âm nhạc.

Có lẽ cả hai nhận định trên đều đúng, vì có nỗi đau nào hơn khi trái tim và đôi mắt phải chứng kiến 600 đồng đội hy sinh, gần 1000 đồng đội bị thương, nỗi ám ảnh tận cùng khi nhìn thấy bức thư nhòe máu và mực hiện lên ba chữ “Mẹ kính yêu” của người đồng đội vừa hy sinh… Nhưng có lẽ ông cũng may mắn khi số phận cho ông là một người nhạc sĩ tài năng, và ở ngay giữa chiến trường khốc liệt đó ông vẫn song hành cầm súng và cầm bút.

Những bản giao hưởng, tổ khúc, ca khúc đầy khí thế và hào hùng đã ra đời, tạo nên dòng chảy âm nhạc cách mạng đầy giá trị.

Nỗi đau được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết thành những khúc ca một cách chân thực nhất. Cho đến cả sau này, khi tiếng súng đã ngưng 10, 20, 30 và hơn 40 năm thì mỗi lần trở lại Vị Xuyên mắt ông lại nhòe.

Với trái tim tha thiết, ông gọi “Về đây đồng đội ơi”. Ông mượn lời ca giúp những đồng đội đã hy sinh gọi những người còn sống: “Biên cương đã sạch bóng thù. Đồng đội ơi còn sống về đi. Trở về mái ấm quê hương. Tiện đường ghé thăm nhà tôi...” (ca khúc “Hát cho người còn sống”).

Nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết thật nhiều cho đồng đội, cho những ngày tháng không thể quên ấy. Và dường như ký ức đó vẫn ám ảnh, vẫn khiến ông chưa thể tạm ngừng. Để mỗi năm, vào tháng Hai, trái tim ông lại dẫn lối, đưa cây đàn guitar mộc mạc lên Vị Xuyên thủ thỉ, kể cho đồng đội rằng ông vẫn nhớ họ thật nhiều.

Cho đến nay, có thể nói Trương Quý Hải là nhạc sĩ viết nhiều ca khúc nhất về đề tài chiến tranh biên giới. Cùng với những tác phẩm ý nghĩa, giá trị đã có trước đó, tất cả đã tạo nên những bài ca không thể nào quên, góp phần khẳng định ca khúc viết về đề tài chiến tranh biên giới có một vị trí quan trọng và để lại dấu ấn đậm nét trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Hãy cùng nhớ về những giai điệu của một thời máu lửa chiến tranh trên khắp dải biên cương phía Bắc 46 năm trước, nhớ những hy sinh của bao người ngã xuống bảo vệ độc lập tự do, để từ đó hiểu và trân trọng những giá trị của biên giới hoà bình và hữu nghị chúng ta đang có hôm nay.

Mời các độc giả cùng nghe “Những bài ca bất hủ về đề tài chiến tranh biên giới” qua những ca khúc đã được Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội tuyển chọn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nghệ sĩ violin Hàn Quốc - Jmi Ko vừa phát hành MV “Bella Queen”, đánh dấu bước chuyển mình trong hành trình âm nhạc của cô tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong MV là sự xuất hiện của bốn nàng hậu của Miss Cosmo.

Tác phẩm điện ảnh “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã xuất sắc giành giải phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 22 diễn ra tại Ý.

Lễ hội âm nhạc đình đám nhất hành tinh – Coachella 2025 – vừa khép lại tuần đầu tiên sôi động với một cái tên nổi bật hơn tất cả là Lisa (BlackPink).

Jin (BTS) sẽ trở lại với chuyến lưu diễn solo đầu tiên trong nghiệp của mình mang tên “RUNSEOKJIN_EP TOUR”, sau thời gian dài thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ban Tổ chức concert BABYMONSTER đã có điều chỉnh về chỗ ngồi và giá vé để phù hợp hơn với nhu cầu của khán giả Việt Nam.

Mono cùng dàn "Anh trai vượt ngàn chông gai" là khách mời trong liveshow "Tỉnh thức" của Tuấn Hưng tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra vào tháng 5/2025.